05:56 11/09/2024 Cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17 ngày 7/9 được coi là cơn bão mạnh nhất, đáng sợ nhất trong vòng 30 năm qua ở miền Bắc. Vì thế, trước khi cơn bão đổ bộ cả tuần, toàn thành phố đã riết róng chuẩn bị ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, chủ động, tuyệt đối không chủ quan, lơ là để giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, đặc biệt là bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân. Giờ đây, khi cơn bão đã đi qua càng cho thấy nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn kết một lòng thì hậu quả do cơn bão để lại sẽ nặng nề hơn nhiều.
Không để xảy ra sơ suất, dù nhỏ
21 giờ ngày 6/9, các đồng chí: Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy vẫn trực tiếp tới kiểm tra các khu di dân tránh trú bão tại huyện Thủy Nguyên và quận Ngô Quyền. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo thành phố trực tiếp trò chuyện nắm bắt tâm tư nguyện vọng và động viên nhân dân. Đây là các hộ dân do đang sinh sống tại các khu chung cư cũ; các khu nhà trọ xuống cấp buộc phải di chuyển đi tránh trú bão để bảo đảm an toàn. Việc này được thành phố chỉ đạo rất kiên quyết và khẩn trương với mục tiêu: an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các địa phương phải chăm lo chu đáo cuộc sống cho người dân trong những ngày tránh trú bão, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn.
Quả thực, với hàng chục lô nhà chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm luôn rình rập ngay trong điều kiện bình thường chức chưa nói gì tới mưa bão, thậm chí là siêu bão thì việc di chuyển tránh trú bão là vô cùng cấp thiết. Nếu đã từng chứng kiến quận Ngô Quyền, phường Vạn Mỹ huy động toàn thể nhân lực tới từng nhà dân kêu gọi đi tránh trú bão, bất kể đêm hôm, sáng sớm mới thấy hết tinh thần trách nhiệm bảo vệ dân tới cùng của các cấp chính quyền. Tới 21 giờ ngày 6-9, vẫn có một số người chủ quan không đi tránh bão, phường Vạn Mỹ cử người tới tận nhà yêu cầu di chuyển ngay.
Thực tế đã cho thấy rõ, với sức tàn phá vô cùng khủng khiếp của cơn bão số 3, nếu người dân không được di chuyển thì chắc chắn, thiệt hại về người là rất lớn. Đây có thể coi là thành công lớn nhất của thành phố Hải Phòng khi với sức gió 13-14, giật cấp 16-17 nhưng chỉ có 2 người thiệt mạng do bị tường đổ (nhà kiên cố không thuộc diện phải di dời) và một số người bị thương do bất cẩn và cả do chủ quan, không lường hết sức mạnh của cơn bão.
Trước đó, từ ngày 5/9, Ban Thường vụ Thành ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp để quyết định các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3. Đồng chí Bí thư Thành uỷ yêu cầu cần dự kiến các kịch bản, các tình huống xảy ra; cách thức giải quyết; trách nhiệm của các đơn vị, địa phương. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố triển khai các công việc, phân công thành viên trực tiếp kiểm tra tại cơ sở. Các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ nắm chắc địa bàn được phân công, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Đồng thời thực hiện nghiêm cơ chế báo cáo với BCĐ Trung ương và thành phố; làm tốt công tác phối hợp; bố trí ứng trực, sẵn sàng phòng, chống bão trong mọi tình huống.
Đồng chí Bí thư Thành uỷ yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, hoãn tất cả các công việc khác chưa thật sự cần thiết; người đứng đầu các địa phương, đơn vị dừng các chuyến công tác tại tỉnh ngoài, trường hợp cần thiết phải báo cáo và phải được sự cho phép của Thường trực Thành ủy để tập trung tối đa cho công tác phòng, chống bão, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân; hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Cùng với đó, Thành ủy ban hành công văn chỉ đạo; UBND thành phố ban hành công điện; tổ chức giao ban thường xuyên trong BCĐ Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, nắm chắc diễn biến từng giờ của cơn bão để đối phó. Các đồng chí lãnh đạo thành phố trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, quyết định ngay những vấn đề cần quan tâm để bảo đảm công tác phòng, chống bão. Lãnh đạo các địa phương, các ngành cũng duy trì chế độ trực bão, ăn nghỉ ngay tại nhiệm sở. Các hộ dân từ nội thành tới ngoại thành, vùng hải đảo đã được khuyến cáo, tuyên truyền chi tiết về sức công phá của cơn bão số 3 và có các giải pháp tự bảo vệ; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm và dồ dùng thiết yếu để chống bão.
Ngày 7/9, trước khi bão về, ngành Điện cắt điện toàn thành phố để bảo đảm an toàn. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp về Hải Phòng thành lập Sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo chống bão số 3 đối với các tỉnh, thành phố trong vùng. Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương cũng không có giây phút nghỉ ngơi mà dành toàn tâm, toàn lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống bão. Các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích… không quản ngại mưa to, gió lớn, nguy hiểm, lao mình vào tâm bão để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Chính vì thế, mặc dù cơn bão hoành hành suốt 7-8 giờ nhưng toàn thành phố cơ bản an toàn. Việc mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc và những tổn thất khác rất khó tránh khỏi trước một cơn bão có cường độ quá mạnh như vậy. Đáng mừng là hệ thống công trình đê điều, công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn, không phát sinh sự cố.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, thiệt hại lớn nhất là nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. Nhìn chung, hậu quả khá nặng nề và thành phố đang khẩn trương tổng hợp, thống kê, đánh giá chi tiết số liệu thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, xử lý, giải quyết.
Vấn đề cấp bách nhất là cấp điện, cấp nước, nối lại thông tin liên lạc được lãnh đạo thành phố chỉ đạo giải quyết khẩn trương. Sự vào cuộc tích cực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hải Phòng, Công ty Cấp nước Hải Phòng, các doanh nghiệp viễn thông đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ ngày 8/9, nhiều khu vực được cấp điện, cấp nước trở lại; mạng lưới viễn thông từng bước được phục hồi. Và các khu vực được cấp điện, cấp nước trở lại ngày càng nhiều thêm cho tới ngày 10-9. Đáng chú ý, theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, từ ngày 9-9, hầu hết các KCN đã được cấp điện trở lại. Nhờ vậy, có khoảng 95% doanh nghiệp trong KCN đã có thể trở lại sản xuất bình thường.
Như vậy, chỉ trong có 2-3 ngày sau bão mà thành phố giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ, vô cùng khó khăn, cấp bách là rất đáng ghi nhận. Còn lại, công việc xử lý cây xanh gãy đổ la liệt trên các đường phố cũng đang từng bước được thực hiện với sự tham gia của các ngành, doanh nghiệp, lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, người dân… Lượng cây xanh gãy đổ trên các đường phố tới ngày 10/9 còn nhiều nhưng sẽ từng bước được thu dọn trong một vài ngày tới. Công nhân Công ty Môi trường Đô thị cũng làm việc liên tục gấp hai lần ngày thường để thu dọn rác trong các khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, thành phố đang rà soát các thiệt hại của doanh nghiệp và người dân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong đó mục tiêu lớn nhất là giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường; các học sinh được tới trường học; các cơ sở y tế bảo đảm đầy đủ các điều kiện để khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Hải Phòng ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá rất cao công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão của Hải Phòng; biểu dương Hải Phòng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt, quyết tâm rất cao để giảm thiểu thiệt hại do bão.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát thiệt hại để có biện pháp giải quyết kịp thời; nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng và bị thương. Đồng thời đẩy nhanh quá trình khôi phục mạng lưới giao thông; cấp điện; cấp nước; thông tin liên lạc; bảo đảm vệ sinh môi trường; tiêu thoát nước…
Thủ tướng đề nghị Hải Phòng tiếp tục kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách để toàn thể nhân dân sớm vượt qua thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Thủ tướng cho biết: trước mắt, Chính phủ hỗ trợ Hải Phòng 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để góp phần giúp thành phố khắc phục hậu quả cơn bão. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, bão số 3 đang gây ảnh hưởng nặng nền tới các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy, Hải Phòng đang cố gắng tự cân đối, chưa nhận số kinh phí hỗ trợ này, để Chính phủ có thể phân bổ cho các địa phương khác đang cần hơn Hải Phòng.
Có thể nói, cơn bão số 3 đi qua để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý cho Hải Phòng trong công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Đồng thời cũng thể hiện rõ trách nhiệm, bản lĩnh, sự tiên phong, quyết liệt, quyết tâm của Hải Phòng với các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả. Quan trọng nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân nên không một khó khăn nào thành phố không vượt qua. Để rồi, khi cơn bão qua đi, Hải Phòng sẽ phát triển rực rỡ, trở thành thành phố hiện đại, văn minh và bền vững./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh