18:20 07/06/2020 Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (ngày 5 tháng 6 hằng năm) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động và được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982. Đến nay, các hoạt động này đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đoàn Thanh niên Sở Tài nguyên Môi trường và quận Đồ Sơn dọn rác làm sạch bãi biển
Báo cáo mới nhất của UNEP, đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học, trong đó có yếu tố do các hoạt động của con người gây ra. Đó là thay đổi nhu cầu sử dụng đất, khai thác quá mức động thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sinh vật ngoại lai xâm hại.
Tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục phù hợp, năm 2020, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5 tháng 6 là “Hành động vì thiên nhiên” nhằm kêu gọi chúng ta cần có những hành động khẩn cấp để bảo vệ sự đa dạng sinh học. Trên thực tế, đa dạng sinh học cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sự sống trên trái đất và sự phát triển của loài người. Chúng ta có thể ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học bằng cách như thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng sản phẩm và sử dụng tài nguyên. Song song, cũng cần những biện pháp môi trường mạnh mẽ hơn, từ đó nâng cao trách nhiệm sẽ giúp thay đổi hành vi.
Các nhà khoa học trên thế giới cũng dự đoán, nếu chúng ta không thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã, thì trong tương lai con người sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bùng phát các loại virus mới. Minh chứng là từ cuối năm 2019 đến nay, cả thế giới phải căng mình chống đại dịch COVID và hệ luỵ đối với an ninh y tế, kinh tế, xã hội là khôn lường và phải mất nhiều năm sau mới có thể khắc phục. Do vậy, để ngăn chặn sự gia tăng của các đại dịch mới, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ hệ sinh thái và động vật hoang dã, bằng cách ngăn chặn việc mất môi trường sống, buôn bán bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Những sản phẩm thân thiện môi trường đang dần hiện hữu
Ngày Môi trường thế giới nhằm mục đích truyền cảm hứng cho mọi người dân trên toàn cầu, cùng lên tiếng yêu cầu các Chính phủ thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, chấm dứt ô nhiễm và thực hiện nghiêm các quy định của luật môi trường. Các công ty, các nhà sản xuất cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững, sản xuất không gây hại cho môi trường. Người dân và các tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên đang bị suy thoái. Còn người tiêu dùng thì suy nghĩ lại về cách thức tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm.
Môi trường sẽ dần được cải thiện khi chúng ta cùng nhau hành động, sẽ tạo ra sức mạnh không chỉ để duy trì sự sống mà còn sống hòa thuận với thiên nhiên.
Truyền thông về hạn chế sử dụng sản phẩm ni lon một lần hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường
Bám sát mục tiêu trên, ông Trần Văn Phương-Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng cho biết: Ngành đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Cụ thể như không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch thành phố theo quy định; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen; kiểm soát nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; quản lý sinh vật ngoại lai; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trườngphục vụ lợi ích của cộng đồng; giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn các địa phương; tích cực triển khai các chương trình cụ thể về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và khu vực nông thôn;
Mưa dầm thấm lâu, ngành cũng tiếp tục triển khai các hoạt động, chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, nhựa khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh, mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước”; “Thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư”... nhằm khuyến khích người tiêu dùng, các tổ chức, doanh nghiệp cắt giảm tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp…
Kim Oanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh