10:01 26/08/2019 Thành phố Hải Phòng và tỉnh Bạc Liêu là hai địa phương duy nhất trên cả nước được Viện chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản chọn là nơi tổ chức hội thảo “Kiểm soát và giảm thiểu rác thải nhựa tại các địa phương ven biển”. Tại đây, các nhà quản lý, nhà khoa học đã cùng trao đổi, thảo luận với mục tiêu xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đơn giản, dễ dàng để hướng tới một thành phố Cảng văn minh, hạn chế rác thải nhựa, đặc biệt là bảo vệ môi trường biển. Đây cũng là hội nghị mà từ đồ đựng nước uống, túi đựng tài liệu, bút viết đều không phải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần mà là sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng xin được chuyển tải những thông điệp tại hội thảo tới đông đảo bạn đọc.
Ông Kohei Hibino-Quản lý chương trình Viện chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản: Hãy bắt đầu từ những hành động đơn giản, dễ dàng.
Từ kinh nghiệm của đất nước chúng tôi thì việc xử lý rác thải nhựa gặp rất nhiều khó khăn và để lại những hậu quả khó khắc phục về môi trường. Thời gian qua, tôi đã khảo sát, nghiên cứu tại vùng biển Cát Bà và nhận thấy, các bạn có hai giải pháp chính để xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, đó là chôn lấp và xả thải xuống biển. Điều này lại càng khó khăn thêm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và rất tốn kém. Giải pháp tốt nhất cho Việt Nam và thành phố biển Hải Phòng, đó là thực hiện đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ, ngành, địa phương tới mỗi người dân, khách du lịch, bắt đầu từ những việc làm đơn giản, dễ dàng nhất là: Hạn chế sử dụng, tái sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni lông.
Ông Vũ Trường Sơn-Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam: Rác thải nhựa đe doạ nghiêm trọng hệ sinh thái biển!
Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới, song phải đến năm 2019 này chúng ta mới tham gia các hành động về chống rác thải đại dương, kể cũng là chậm. Tại các điểm du lịch biển của thành phố Hải Phòng như Cát Bà, Đồ Sơn hay các khu vực đảo Bạch Long Vỹ, Long Châu… ngoài phần rác thải trên đất liền thì còn một phần không nhỏ chìm dưới biển mà các bạn khó nhìn thấy. Tuy nhiên, kết quả các nhà khoa học đã khảo sát, nghiên cứu thì phần rác thải, nhất là rác thải nhựa đó đã tác động xấu đến hệ sinh thái biển như các rạn san hô, sinh vật biển, các loại giáp xác… Nghiêm trọng hơn là từ loài cá nhỏ đến loại cá lớn thì sau khi tiến hành đánh bắt, phân tích, các nhà khoa học đã tìm thấy thành phần vi nhựa trong các loài trên. Tôi nghĩ rằng sớm thôi sẽ có nghiên cứu chính thức về những thành phần vi nhựa trong các loài thuỷ hải sản hiện là thực phẩm thường ngày của chúng ta, những tác hại đối với sức khoẻ, tuổi thọ… Trong khuôn khổ cuộc hội thảo và những ngày làm việc tại Hải Phòng, chúng tôi muốn tham mưu cho thành phố những kế hoạch hành động cụ thể về kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa với sự chung tay của toàn xã hội.
Bà Phạm Thị Gấm-Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục biển và hải đảo: Cần thiết phải có chế tài về kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng thì chỉ có khoảng 30% các bãi rác theo hình thức chôn lấp đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Hải Phòng không nằm ngoài thực trạng trên khi cũng còn hàng chục bãi rác tạm, nhất là khu vực nông thôn. Từ kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng thì trong khi nhận thức của doanh nghiệp, người dân, khách du lịch, nhất là tại các điểm du lịch biển còn chưa cao thì giải pháp “đánh” vào kinh tế vẫn là hữu hiệu nhất. Cụ thể là áp mức thuế cao đối với đơn vị nhập khẩu chất thải nhựa, sản xuất, phân phối và cả người tiêu dùng. Với mức giá 40-50.000 đồng/kg túi ni lông tương đương với khoảng 150 túi loại dày và 200-300 túi loại mỏng thì chị em đi chợ, túi ni lông xem như…cho không. Trong khi đó, mỗi chiếc túi ni lông loại dày phải mất đến 450 năm để tiêu huỷ hoàn toàn.
Bởi vậy, chỉ có giải pháp “đánh” vào kinh tế mới làm thay đổi thói quen dùng 2-3 túi ni lông đựng vài mớ rau thay vì chỉ dùng 1 túi, nhất là trong bối cảnh chợ truyền thống vẫn chiếm ưu thế về số lượng so với siêu thị, trung tâm thương mại.
Ông Nguyễn Văn Cấn-Chi cục trưởng Chi cục biển và hải đảo thành phố Hải Phòng: Phấn đấu đến năm 2025 thành phố giảm 50% số lượng rác thải nhựa.
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên-Môi trường thì thành phố Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Và như các bạn đã thấy, từ đầu tháng 8-2019 đến nay, tại các hội nghị, hội thảo đã không còn bóng dáng của chai nhựa, ống hút nhựa.
Nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển, chống rác thải nhựa, thời gian qua ngành tài nguyên môi trường chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Hải Quân, Đoàn Thanh niên, các trường phổ thông, đại học trên địa bàn thành phố tổ chức cá hoạt động thiết thực như tiến hành thu gom rác thải nhựa tại hai điểm du lịch biển là Cát Bà, Đồ Sơn, huyện đảo Bạch Long Vỹ, tại hai rừng ngập mặn thuộc huyện Tiên Lãng, Kiến Thuỵ và đã thu gom được lượng lớn rác thải nhựa.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho thành phố những giải pháp thiết thực để kiểm soát, giảm thiểu chất thải nhựa nói chung và tại các điểm du lịch biển, khu vực đảo nói riêng, phấn đấu đến năm 2025 Hải Phòng giảm 50% số lượng rác thải nhựa.
Kim Oanh thực hiện
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh