12:59 14/06/2022 Tại diễn đàn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15, nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm và trực tiếp chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về quản lý thị trường vàng. Tại sao giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới; tại sao lại có sự độc quyền trong sản xuất vàng miếng SJC là câu hỏi, là sự trăn trở từ nhiều năm nay và tới bây giờ, đã hé mở một vài giải pháp. Tuy nhiên, để thị trường vàng được quản lý một cách căn cơ, hiệu quả thì còn rất nhiều việc phải làm.
Đã tới lúc cần đánh giá lại hiệu quả của nghị định 24
Ngày 3-4- 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) đã phản ánh, từ khi nghị định 24 ra đời, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại càng cao hơn. Tình trạng này diễn ra liên tục từ đó tới nay, hầu như rất hiếm khi giá vàng trong nước thấp hơn hoặc ngang bằng với giá vàng thế giới. Đơn cử như dịp ngày vía Thần Tài năm 2022, giá vàng bị đẩy lên quá cao; chênh lệch giá mua - bán vàng SJC lên tới 700.000 đồng/lượng. Đáng lo ngại là vàng miếng SJC đã tăng bất thường, ngược chiều so với giá thế giới, cao hơn so với thế giới tới 13,6 triệu đồng mỗi lượng. Gần đây, có lúc giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch tới 15- 20 triệu đồng/lượng. Đây quả là điều bất hợp lý và khó có thể chấp nhận.
Một thực tế khác trên thị trường vàng là giá các loại vàng thương hiệu khác không phải là SJC, mặc dù cùng hàm lượng 99,99% đều có giá thấp hơn SJC. Điều đó khiến đại biểu Quốc hội và nhiều người dân đặt câu hỏi: phải chăng do độc quyền sản xuất vàng miếng nên dẫn tới tình trạng này.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa qua, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đặt vấn đề, việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay? Đại biểu chỉ rõ, cùng là vàng miếng nhưng không phải là thương hiệu SJC thì chênh với giá SJC đến 15 triệu đồng/lượng. Nêu rõ, xét về giá thành hay xét về giá thế giới thì chênh lệch như thế là quá lớn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải đáp cụ thể hơn về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) chất vấn về quản lý thị trường vàng
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, có lẽ Việt Nam là nước duy nhất “đi ngược” với thế giới. Khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng Việt Nam lại tăng, có những thời điểm dẫn đến khoảng cách gần 20 triệu. Đại biểu cho rằng vấn đề trên là rất khó chấp nhận.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu quan điểm rằng, liệu đằng sau việc giá vàng “đi ngược” với thế giới như trên có làm lợi cho tổ chức hay doanh nghiệp nào hay không? Do đó cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh, nghị định 24 ban hành cách đây 10 năm, lúc đó vàng thế giới chỉ có trên dưới 1.600 USD/ounce, giá vàng trong nước khoảng 30-35 triệu đồng/lượng. Hiện nay, giá vàng thế giới khoảng hơn 1.800 USD/ounce và giá vàng trong nước đã lên tới hơn 70 triệu đồng/lượng. Đại biểu đặt câu hỏi, liệu Ngân hàng có thể cho đơn vị, tổ chức nào đó sản xuất thương hiệu vàng nào khác để cạnh tranh với SJC hay không để thị trường vàng hạ nhiệt, giá vàng giảm xuống? Bởi nếu giá vàng SJC tăng cao thì tình hình lạm phát có thể sẽ tăng theo và đồng tiền Việt Nam cũng có thể mất giá. Vì vậy cần có sự điều chỉnh giá vàng SJC ở trong nước phù hợp với thị trường trên thế giới.
Đây là những câu hỏi rất xác đáng, phản ánh được những mong muốn, nguyện vọng và cả những băn khoăn, thắc mắc của cử tri, nhân dân về thị trường vàng và cần sớm có lời giải đáp.
Sẽ xem xét lại việc nên hay không nên độc quyền sản xuất vàng miếng SJC
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề chênh lệch giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. Ở Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, nhưng tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn.
Vàng luôn được người dân quan tâm, nhiều người giữ vàng, coi như “nơi trú ẩn an toàn”
Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao. Với vai trò quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.
Về vấn đề giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, SJC là thương hiệu đc người dân ưa chuộng từ trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành. Trước đây thị trường vàng có nhiều tồn tại, hạn chế, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhiều năm nay thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.
Người dân đổ xô đi mua vàng ngày vía Thần Tài
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong Nghị định 24, có chính sách Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Tại thời điểm đó, SJC là thương hiệu chiếm trên 90% thị trường, nên qua phân tích đánh giá chi phí, lợi ích, Ngân hàng Nhà nước quyết định sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy SJC giá cao nhưng là mua cao, bán lại cao. Các thương hiệu khác thường mua thấp, bán thấp.
Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước. “Chúng ta đã mất rất nhiều công để có được sự ổn định, bây giờ chúng ta có thể không độc quyền nữa hoặc cho các thương hiệu khác sản xuất vàng miếng thì cần phải đánh giá rất kỹ lưỡng và lúc đó thì chắc chắn là sẽ xin ý kiến của đông đảo các bên liên quan”- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có Nghị định 24.
Yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội và cam kết của Thống đốc NHNN có thể coi là hướng mở mới cho quản lý thị trường vàng sắp tới nhằm giải quyết bất cập hiện nay. Người dân đang trông chờ những giải pháp, biện pháp quyết liệt, khẩn trương hơn từ phía NHNN ngay sau kỳ họp, để thị trường vàng ổn định, theo đúng quy luật./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh