Hệ thống cảng, bến cá, khu neo trú tàu thuyền: Báo động xuống cấp

11:34 27/04/2017

Cảng cá Ngọc Hải (Đồ Sơn) trơ bùn đất khi thủy triều xuống, hoạt động nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Cảng cá Ngọc Hải (Đồ Sơn) trơ bùn đất khi thủy triều xuống, hoạt động nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Hải Phòng là ngư trường trọng điểm của cả nước với gần 3.400 tàu thuyền và trên 13.000 lao động hoạt động nghề cá. Đây còn là địa bàn đánh bắt thủy sản thường xuyên của hàng nghìn tàu cá các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên. Những năm qua, ngành chức năng thành phố đã xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo trú cho tàu thuyền tương đối đa dạng từ trong bờ, ven biển, đến giữa vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên, các công trình này đang xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác, đánh bắt, dịch vụ hậu cần nghề cá và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa bão tới gần...

Theo báo cáo của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) - Sở NN&PTNT, Hải Phòng hiện có 14 cảng cá, bến cá và 8 khu neo đậu, tránh trú đang đưa vào khai thác, quản lý, sử dụng. Một số khu neo đậu kết hợp cảng cá, bến cá đã phát huy hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân. Nhưng tại một số nơi, quy hoạch chưa phù hợp, kinh phí đầu tư thấp, thi công kéo dài, hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, hiệu quả hoạt động không cao.

Theo chân đoàn công tác của Chi cục, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng có dịp được thị sát một số cảng cá, bến cá: bến Mắt Rồng, xã Lập Lễ; bến Đông Xuân, xã Phả Lễ, cùng huyện Thủy Nguyên; bến Quán Chánh, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy và cảng cá Ngọc Hải, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Dễ nhận thấy, các cảng cá, bến cá này vắng tàu thuyền neo đậu. Bà con ngư dân cho biết, hệ thống luồng lạch cũng như khu neo đậu tàu thuyền tại đây đều xuống cấp nghiêm trọng, bùn cát bồi lấp có nơi lên đến cả mét là nguyên nhân chính khiến tàu thuyền rất khó ra vào tránh trú, đặc biệt là tàu công suất lớn.

Ông Nguyễn Đình Trọng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủy Nguyên cho biết: Bến cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ rộng 7ha, được đầu tư cải tạo từ năm 2002. Theo thiết kế bến có thể đáp ứng nhu cầu tránh trú cho 300 đến 400 tàu công suất từ 250 đến 400 mã lực (CV). Tuy nhiên, từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, bến cá không được nâng cấp, cải tạo thường xuyên. Cơ sở vật chất phục vụ tàu thuyền neo đậu thiếu thốn, luồng lạch ra vào chật hẹp, bùn lầy lình xình, có nơi lên đến gần 2m, nếu nước triều xuống là tàu mắc cạn, không thể di chuyển được.

Cùng quan điểm với ông Trọng, Chủ tịch HĐND xã Lập Lễ Nguyễn Văn Huy cho rằng, ban đầu bến cá Mắt Rồng được thiết kế cho tàu công suất tối đa 400CV ra vào neo đậu. Tuy nhiên, với sự phát triển của đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn hiện nay, hệ thống luồng lạch không còn phù hợp. Chỉ riêng xã Lập Lễ đã có 70 chiếc tàu có công suất từ 400 đến 1000CV. Tàu cá khi về, buộc phải neo đậu ở cửa sông hoặc nơi khác, gây khó khăn rất lớn cho việc quản lý cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời gây mất an toàn cho tàu thuyền và ngư dân đi biển.

Ông Huy cũng cho biết thêm, tàu thuyền vào bến cá Mắt Rồng tránh trú rất hay gặp sự cố chân vịt cong vênh hoặc gãy bánh lái do vướng bùn lầy. Mỗi lần như vậy phải nghỉ sửa chữa hàng tháng trời, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho ngư dân.

Tương tự như bến Mắt Rồng, tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, lúc thủy triều xuống, dễ dàng nhận thấy rất nhiều tàu cá mắc kẹt ngay tại luồng ra vào cảng. Ông Bùi Thăng Long, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ hậu cần thủy sản, cho biết: Cảng cá Ngọc Hải có diện tích luồng neo đậu là 20,8ha, với sức chứa lên tới 1.200 tàu thuyền công suất từ 90 đến 600CV. Nhưng hiện nay, luồng ra vào cảng đã bị phù sa bồi lấp, tàu công suất lớn không thể vào và phải neo đậu ở khu vực Hòn Dáu, hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá cũng vì thế mà “chịu trận” theo.

Cũng theo ông Long, ngoài việc tắc nghẽn luồng lạch, cảng cá Ngọc Hải hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do không có hệ thống xử lý nước thải và sự xuống cấp của các bến cập tàu. Cả 3 bến cập tàu với tổng chiều dài 600m đã không thể đáp ứng hết nhu cầu trao đổi dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân. Đã đến lúc cần đầu tư mở rộng, xây dựng mới các bến cập tàu để hoạt động nghề cá diễn ra thuận lợi, an toàn hơn.

Không chỉ có sự xuống cấp của các bến cá, cảng cá đang hoạt động, tại một số bến cá đang xây dựng và hoàn thiện cũng lộ rõ những bất cập mà nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động nghề cá. Điển hình là bến cá Đông Xuân, xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên, khởi công xây dựng từ năm 2013 với thiết kế 500 tàu công suất 300CV trở lên từng được coi là một trong những nơi tránh trú hiện đại, an toàn bậc nhất. Tuy nhiên, trong thiết kế thiếu hẳn hệ thống bến cập tàu và các dịch vụ hậu cần nghề cá, nếu đi vào hoạt động thì khó có thể khai thác hết công năng.

Còn với khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tại Quán Chánh, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, được xây dựng từ năm 2009 trên diện tích 12ha, sẽ là nơi tránh trú của trên 500 tàu công suất từ 400CV trở lên. Nhưng như lời ông Nguyễn Văn Tân, cán bộ quản lý nghề cá của xã thì trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã không nghiên cứu hết chức năng của một bến cá cũng như bỏ qua dịch vụ hậu cần nghề cá đang phát triển của địa phương. Do đó, dự án mặc dù rất hiện đại nhưng lại không an toàn, tiện lợi khi thiếu hẳn bến cập tàu và hàng phao leo buộc dây hậu. Nếu sóng to, gió lớn tàu thuyền vẫn có thể va đập vào nhau, còn nếu phải đưa hàng hóa lên xuống tàu thì ngư dân cực kỳ vất vả…

Bảo Nguyên

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông