Hiệu quả từ nguồn vốn vay ủy thác

18:06 26/12/2018

Năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cát Hải đã làm rất tốt công tác nhận ủy thác từ “Đề án phát triển kinh tế nông thôn” của huyện Cát Hải cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ khi tiếp nhận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, người dân Cát Hải có ý thức trách nhiệm hơn với nguồn vốn vay, tiếp cận với cách thức làm ăn khoa học, chủ động vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thoát nghèo, nâng cao đời sống từ vốn vay

Về thôn Ao Cối, xã Phù Long, hỏi thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Trịnh Thanh Hải, ai ai cũng biết. Hiện mô hình chăn dê, nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả của gia đình ông Hải được đánh giá rất hiệu quả và có hướng ngày càng phát triển.

Ông Hải cho biết, trước đây mặc dù đất rộng nhưng nhà đông con, lại chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng trọt và đánh bắt hải sản bấp bênh nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở tìm kế thoát nghèo, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu của xã Phù Long thuận lợi cho việc nuôi lợn, đặc biệt là nuôi dê nên ông đã bàn với vợ con gom góp tiền đầu tư.

Mô hình nuôi dê của hộ ông Trịnh Thanh Hải đem lại hiệu quả kinh tế cao

 Gần đây, nhờ được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện nên ông đầu tư con giống mở rộng đàn và cải tạo chuồng nuôi. Hiện trong chuồng nhà ông Hải thường xuyên có khoảng 50 con lợn thịt và 60 con dê cung cấp cho thị trường Cát Bà. Nguồn thu mua luôn ổn định và ngày càng mở rộng nên gia đình ông có nhu cầu vay vốn chính sách để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hải cho biết: “Giống dê mà gia đình nuôi là giống bản địa của đảo Cát Bà. Dê được thả lên núi nuôi tự nhiên, không cho ăn thức ăn công nghiệp. Trong những loại cây trên núi có nhiều loại dược liệu quý như nhân trần, cam thảo, ngũ da bì… Đặc biệt, giống dê này ăn cả những lá cây có độc tố mạnh như lá xoan, mã tiền… Chính từ nguồn thức ăn quý, đa dạng cùng với việc phải liên tục đi lại tìm thức ăn trên địa hình núi đá vôi khiến cho dê khỏe, sức đề kháng cao, thịt thơm ngon hơn so với nhiều nơi khác. Dê nuôi đến đâu bán hết đến đó, nhờ vậy kinh tế gia đình ổn định, khá hơn nhiều so với trước đây. “Hiện với số lượng đàn nuôi như vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, rất mong được các cấp ngành tiếp tục quan tâm tiếp tục cho gia đình chúng tôi được vay thêm để mở rộng mô hình, kinh tế ổn định rồi giờ muốn vươn lên làm giàu”– ông Hải chia sẻ.

Trong lúc chờ ông Nguyễn Tiến Tỳ - một hộ của xã Gia Luận được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình -  chúng tôi thong thả đi dọc con đường được lát bê tông phẳng lì thỏa sức ngắm vườn cam mà ông đã dày công đầu tư. Hai bên đường, vườn cam với hàng trăm gốc đang bắt đầu cho thu hoạch sai trĩu, nhiều quả chớm đỏ như đuốc lửa trên cây.

Với cách nói chuyện chân chất, xởi lởi đặc trưng của người dân miền biển, vừa thoăn thoắt hái cam chín mời khách thưởng thức đặc sản cam Gia Luận có tiếng, ông Nguyễn Tiến Tỳ, vừa cho biết: Trước đây gia đình gom góp tiền để khôi phục giống cam Gia Luận nổi tiếng ngọt thơm. Từ khi được Hội Nông dân huyện cho vay nguồn vốn ủy thác 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chúng tôi càng có điều kiện thuê nhân công, đầu tư cải tạo để phát triển vườn cam. Hiện trung bình mỗi năm thu nhập từ vườn cam đem đến cho gia đình ông gần 200 triệu đồng. “Cam chỉ phục vụ thị trường Cát Bà mà còn chưa đủ nhu cầu, chín đến đâu tiêu thụ đến đó, gia đình yên tâm và phấn khởi lắm”.

Khác với hộ ông Hải, ông Tỳ, hộ ông Bùi Đình Tương, ở thôn Ngoài, xã Phù Long, lại chọn việc nuôi tôm, cá; đặc biệt là nuôi cua thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình. Cũng giống hộ ông Hải không cho cua ăn thức ăn công nghiệp, đầm nuôi cua của ông Tương tận dụng mở công để nước triều vào mang theo sinh vật phù du, cùng hệ sinh thái tự nhiên trong rừng sú vẹt để cua phát triển. Với 100 triệu đồng vay của Ngân hàng CSXH huyện Cát Hải, ông Tương đã đầu tư con giống, mở rộng quy mô sản xuất, cho hàng trăm triệu đồng thu nhập một năm.

Hiệu quả lớn từ một quyết sách

Điều đáng nói là nguồn vốn mà các gia đình trên vay từ Ngân hàng CSXH huyện là vốn ủy thác mà huyện Cát Hải chuyển giao từ ngân sách địa phương theo “Đề án Phát triển kinh tế nông thôn huyện Cát Hải giai đoạn 2017-2020” với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, thực hiện giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn.

Trao đổi về việc phối hợp giữa địa phương và Ngân hàng CSXH huyện để giải quyết nguồn vốn vay đạt hiệu quả, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Hải Vũ Hoài Nam cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, Phòng nông nghiệp đã phối hợp với ngân hàng chính sách và các địa phương thiết lập các phương án sản xuất, trong đó ưu tiên sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Sau đó căn cứ vào các phương án vay, ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo huyện để phê duyệt đề án và giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ sản xuất. Bước đầu có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao kinh tế như mô hình nuôi cua thương phẩm ở xã Phù Long cho thu nhập trung bình 7 triệu người/tháng, mô hình trồng cam Gia Luận cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Những mô hình này chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa trong những năm tới.

Đoàn công tác Ngân hàng CSXH TP tìm hiểu hiệu quả vốn vay tại hộ ông Bùi Đình Tương

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Cát Hải Bùi Văn Đoàn, trước đây, người dân huyện cũng được vay vốn theo đề án phát triển kinh tế nông thôn đã được huyện thông qua. Tuy nhiên khi nhận nguồn vốn này lại xuất hiện tâm lý đó là tiền hỗ trợ của nhà nước nên ỷ lại, không đề cao trách nhiệm với nguồn vốn vay cũng như không có ý thức tìm tòi, học hỏi phương thức làm ăn hiệu quả. Từ khi nguồn vốn của đề án được ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện để cho vay thì họ lại có trách nhiệm và ý thức hơn với vốn vay trong việc tìm tòi mô hình, phương thức đầu tư sinh lợi để hàng tháng trả lãi và gốc cho ngân hàng chính sách.

Ông Đoàn cho biết thêm: Năm 2017, huyện chuyển vốn ủy thác sang ngân hàng số tiền 500 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của nguồn vốn vay trong việc phát triển các mô hình kinh tế, cải thiện đời sống người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo, sang năm 2018, huyện chuyển sang 1,3 tỷ. Như vậy tính đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho 16 hộ vay với số tiền 1,8 tỷ đồng. Thời gian tới Ngân hàng CSXH huyện tiếp tụcphối hợp với các đơn vị có liên quan để khảo sát nhu cầu vay vốn của nhân dân theo đề án, dự kiến số kinh phí phân bổ trong năm 2019 sẽ là 1,5 tỷ đồng.

Như vậy, hiệu quả bước đầu đạt được đã khẳng định trọng trách đồng hành cùng người nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Cát Hải. Đơn vị đã thực sự đã làm tốt vai trò cầu nối giúp người dân địa phương có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của huyện đảo và thành phố.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông