12:51 05/06/2020 Sáng 5-6, Bộ Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMEs) tổ chức hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”. Các đồng chí: Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố tham dự và chủ trì điểm cầu.
Hội nghị thu hút 1.500 doanh nghiệp tại 62 tỉnh thành, tham gia trao đổi thông tin, thông tin chuyên sâu về tiếp cận thị trường và đánh giá các tác động đối với SMEs Việt Nam khi thực thi Hiệp định, đồng thời đưa ra định hướng về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EVFTA. Bên cạnh đó là thông tin về nhu cầu nhập khẩu các nước thuộc EVFTA; định hướng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội mà Hiệp định EVFTA đem lại...
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là FTA thế hệ mới giữa Việt nam và 28 nước thành viên EU. Sau 9 năm đàm phán, rà soát, ngày 30-6-2019, EVFTA được ký kết tại Hà Nội. Say ký kết, Hiệp định sẽ phải trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ ở EU và Việt Nam để có thể chính thức có hiệu lực với hai bên. Hiệp định có hiệu lực sẽ mang đến những lợi ích kinh tế to lớn, thiết thực cho cả hai bên, đặc biệt là tiềm năng phát triển thương mại.
EVFTA là hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất, với 99,2% số dòng thuế sẽ được Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. EVFTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh về giá cả khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu.
Hội nghị tổ chức nhằm tạo được nhận thức thực sự đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về những cơ hội, nhưng đồng thời với đó cũng là những thách thức, những yêu cầu đòi hỏi đối với doanh nghiệp trong nước phải tự đổi mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể tận dụng được lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Tại Việt Nam hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu… thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.
Trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu về EU.
Bên cạnh đó, để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.
Đối với doanh nghiệp SME, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp SME Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Để công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao, Bộ Công thương đề nghị các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm có chất lượng, sẵn sàng tham gia thị trường; chỉ đạo hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, miền, nhằm quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại...
Các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội nghành hàng cần nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, phấn đấu trở thành các tổ chức hỗ trợ xuất khẩu có năng lực, có uy tín, có khả năng trong việc cung cấp thông tin về chính sách, thị trường đồng thời có khả năng thực thi các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước một cách bài bản, chuyên nghiệp…
PV
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh