Hoà bình chưa trở lại ở Iraq?

16:44 19/12/2011

Căng thẳng sắc tộc luôn sẵn sàng bùng nổ ở Iraq, cũng như thể hiện bản chất mong manh của cân bằng quyền lực tại quốc gia này khi lực lượng Mỹ sẽ rút hoàn toàn trước ngày 31-12.
Căng thẳng sắc tộc luôn sẵn sàng bùng nổ ở Iraq, cũng như thể hiện bản chất mong manh của cân bằng quyền lực tại quốc gia này khi lực lượng Mỹ sẽ rút hoàn toàn trước ngày 31-12.

Xe quân đội Mỹ rút khỏi Iraq
Xe quân đội Mỹ rút khỏi Iraq

Ngày 15-12, lễ hạ cờ đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh gây tranh cãi của Mỹ tại Iraq đã diễn ra tại một sân bay gần thủ đô Baghdad. Sự kiện này đã trao cho chính quyền Baghdad và người dân Iraq một sứ mệnh cao cả là tái thiết, đảm bảo an ninh đất nước thời hậu chiến. Tuy nhiên, người Iraq buồn vui lẫn lộn vì tuyên bố kết thúc chiến tranh không hẳn là chiến tranh đã chấm dứt. Cuộc xâm lược Iraq cách đây 9 năm là dưới chiêu bài “lật đổ một chế độ độc tài để xây dựng một Iraq mới dân chủ”, thế nhưng dân chủ đâu chưa thấy trong khi một nước Iraq kiệt quệ do chiến tranh, tỷ lệ thất nghiệp tới 15%, hơn 34% người dân trong số 30 triệu dân Iraq đang sống dưới mức nghèo đói, 35% trẻ em mồ côi cha mẹ…

Mối lo nhất đối với Iraq lúc này là mâu thuẫn bè phái, nguy cơ chia cắt đất nước, bạo lực và khủng bố xảy ra hàng ngày. Tại đất nước vùng vịnh này, mỗi đảng phái đều có những nhóm tay súng riêng, do vậy cuộc chiến quyền lực dự báo sẽ trở nên quyết liệt ngay sau khi Mỹ rút đi. Kịch bản xấu nhất là quốc gia Trung Đông này “chia cắt” thành ba, cho người Cuốc (Kurd) các tỉnh miền Bắc nhiều dầu khí, người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Sunni các tỉnh miền Trung và phần còn lại cũng nhiều dầu khí ở miền Nam dành cho người Hồi giáo dòng Shiite. Ngay từ đầu năm 2011, bốn tỉnh miền Trung gồm Salah al-din, Diyala, Anbar và Nineveh đã hô hào thành lập quốc gia độc lập của người Hồi giáo dòng Sunni vì “chính phủ trung ương do những người Hồi giáo dòng Shiite thống trị không quan tâm tới lợi ích, đối xử với họ như những công dân hạng hai”.

Lo ngại trên đã thành hiện thực, khi ngày 17-12 khối chính trị của người Sunni (khối Iraqiya) tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Nuri al-Maliki. Khối Iraqiya do cựu Thủ tướng Iyad Allawi đứng đầu nói rằng họ ngừng tham gia hoạt động của quốc hội cho đến khi có tuyên bố tiếp theo, đồng thời chỉ trích Thủ tướng Maliki trì hoãn trong những cam kết thành lập một chính phủ hợp tác chia sẻ quyền lực giữa các cộng đồng Sunni, Shiite và Kurd. Cụ thể, ông Maliki vẫn chưa bổ nhiệm những ghế quan trọng là bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng An ninh, các vị trí đã bị bỏ trống hơn một năm vì tranh cãi chính trị. Được biết, khối Iraqiya có 82 trong tổng số 325 ghế tại Quốc hội và chỉ kém số ghế của Liên minh Dân tộc do Thủ tướng Maliki đứng đầu.

Dư luận thế giới nhận xét việc Mỹ rút quân khỏi Iraq không đồng nghĩa với việc chiến tranh đã được dẹp yên ở đất nước vùng vịnh này. Người Iraq phải chấp nhận một sự thật rằng là sẽ còn phải mất thêm nhiều thời gian để “cuộc chiến” ở đây thật sự chấm hết.


VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông