Học viên đào tạo sĩ quan dự bị được tham gia BHYT

15:44 20/07/2020

Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 3 tháng trở lên chưa tham gia BHXH, BHYT, trong thời gian đào tạo sẽ được cơ sở đào tạo đóng BHYT; mức đóng, hưởng BHYT được thực hiện như đối với hạ sĩ quan tại ngũ.

Đây là một nội dung quan trọng trong Nghị định số 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 21/8/2020.

Theo đó, Nghị định này quy định phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; phụ cấp theo ngày làm việc; chế độ KCB; chế độ trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro; trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị; chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần.

Đối tượng áp dụng là quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; học viên đào tạo sĩ quan dự bị. Gia đình quân nhân dự bị thuộc đối tượng quy định nêu trên và gia đình hạ sĩ quan dự bị hạng một trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, về phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên, mức 160.000 đồng/tháng đối với sĩ quan dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên. Nếu đối tượng quy định có thời gian xếp vào đơn vị dự bị động viên từ đủ 15 ngày trong tháng trở lên thì tháng đó được hưởng phụ cấp; dưới 15 ngày trong tháng thì tháng đó không được hưởng phụ cấp.

Mức 320.000 đồng/năm đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên. Đối tượng có thời gian xếp vào đơn vị dự bị động viên từ đủ 6 tháng liên tục trở lên thì năm đó được hưởng phụ cấp; dưới 6 tháng thì năm đó không được hưởng phụ cấp.

Quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ cấp tiểu đội và tương đương trở lên được hưởng phụ cấp như sau: Mức 480.000 đồng/quý đối với Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng và tương đương; mức 560.000 đồng/quý đối với Trung đội trưởng và tương đương; mức 640.000 đồng/quý đối với Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội và tương đương; mức 720.000 đồng/quý đối với Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội và tương đương; mức 800.000 đồng/quý đối với Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn và tương đương; mức 880.000 đồng/quý đối với Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn và tương đương; mức 960.000 đồng đối với Phó Trung đoàn trưởng, Phó Chính ủy Trung đoàn và tương đương; mức 1.040.000 đồng/quý đối với Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn và tương đương. Đối tượng quy định thực hiện trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên và có đủ 45 ngày trong một quý trở lên thì quý đó được hưởng phụ cấp. Trong quý, quân nhân dự bị được bổ nhiệm chức vụ mới, thì từ quý tiếp theo được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo chức vụ mới.

Ngoài ra, thời gian hưởng phụ cấp đối với đối tượng nêu trên là khoảng thời gian quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên.

Nghị định cũng nêu rõ, gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp như sau: Mức trợ cấp 160.000 đồng/ngày áp dụng đối với gia đình quân nhân dự bị thuộc diện đang lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ NSNN; mức trợ cấp 240.000 đồng/ngày áp dụng đối với gia đình quân nhân dự bị không thuộc đối tượng quy định nêu trên. Trường hợp quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi KCB thì gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp, nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động.

Đối với đối tượng quân nhân dự bị không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT quy định tại Khoản 6, Điều 30 của Luật, thì trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ, sẽ được KCB tại các cơ sở KCB quân, dân y; được thanh toán chi phí KCB, tiền ăn bệnh lý theo hóa đơn thu tiền nếu điều trị nội trú. Hết thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động mà phải tiếp tục điều trị, thì được thanh toán chi phí KCB và tiền ăn bệnh lý tối đa không quá 15 ngày. Quân nhân dự bị nếu bị tai nạn được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên khám, giám định kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 8 triệu đồng; sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 800.000 đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phổ biến, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, kịp thời giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, giao Bộ Tài chính bố trí NSNN thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định; UBND cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương và cơ quan chức năng có liên quan thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của Luật và Nghị định này.

(theo Báo Bảo hiểm xã hội)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông