15:19 05/11/2020 Trong 2 ngày 3, 4-11, Đoàn công tác liên ngành do PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát nhằm nắm bắt thực tế việc triển khai thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 4-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Đoàn công tác của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng
NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì tiếp đoàn. Tham dự buổi làm việc còn có các thành viên đoàn công tác là đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực; cùng lãnh đạo và trưởng các phòng ban chuyên môn sở GD-ĐT của Hải Phòng.
Thời gian qua, Hải Phòng đã ban hành các kế hoạch cụ thể để thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; qua đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc, bằng nhiều cách làm hay, phong phú, sáng tạo. Đến nay, 100% các trường xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”, tổ chức và thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử và xây dựng văn hóa trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Triển khai hiệu quả Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ GD-ĐT, 100% các trường học trên địa bàn thành phố đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông và xây dựng kế hoạch triển khai; xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình, tiêu biểu về giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV; tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV (nhân lực, cơ sở vật chất, tài liệu thực hành giáo dục đạo đức, lối sống...); hướng dẫn HSSV tham gia chuyên mục “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa” trên Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc); khuyến khích cán bộ, nhà giáo, HSSV xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo; chú trọng xây dựng kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học và tạo môi trường để HSSV rèn luyện, phấn đấu; duy trì việc hát Quốc ca trong các Lễ chào cờ; phân công HSSV trực tiếp, thường xuyên tham gia trực nhật lớp, lao động, làm đẹp cảnh quan khuôn viên nhà trường...
Thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT ngày 18-10-2017, các nhà trường tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong trường học; khuyến khích HSSV tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng; chú trọng nâng cao hiệu quả tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ cho HSSV góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và định hướng thị hiếu âm nhạc giúp HSSV hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Đẩy mạnh văn hóa đọc trong trường học, tăng cường tổ chức các phòng đọc, tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học… để định hướng, tạo điều kiện cho HSSV đọc sách, say mê, yêu quý sách. Bên cạnh đó, các nhà trường đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ sở thích, tài năng, tổ chức các diễn đàn, tọa đàm và khuyến khích HSSV tham gia nhằm phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống.
Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020 và năm học 2019-2020, liên ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Các phòng Giáo dục - Đào tạo ký chương trình phối hợp với tổ chức Đoàn cùng cấp; phân công đội ngũ kiêm nhiệm triển khai công tác thanh niên và thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ. Phối hợp với tổ chức Đoàn - Hội - Đội rà soát, quản lý chặt chẽ về nội dung, hình thức các trò chơi, hoạt động ngoại khóa của HSSV. Nghiêm cấm tổ chức cho HSSV tham gia các trò chơi (trên môi trường mạng hoặc tương tác trực tiếp) có nội dung, hình thức bạo lực, phản cảm, không phù hợp với văn hóa dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Cùng với đó, ngành GD-ĐT Hải Phòng tăng cường công tác tổ chức và quản lí các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho HSSV; tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, HSSV; xây dựng “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” thiết thực, chất lượng, hiệu quả trong các nhà trường...
Đoàn công tác đã đến thăm và nghe các ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam
Đặc biệt, trong năm học 2019-2020, tất cả các cấp học, ngành học, quận, huyện đều tổ chức các chuyên đề thiết thực, bổ ích, hiệu quả. Các trường đã tổ chức chuyên đề mô hình tiêu biểu trong đảm bảo an ninh học đường, như: mô hình ‘‘Ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo an ninh học đường’’, mô hình ‘‘Phòng học Vinh danh”, mô hình ‘‘Trải nghiệm thực tiễn kết hợp với tư vấn hướng nghiệp” của trường THPT Ngô Quyền; mô hình ‘‘Liên kết trường - xã/thị trấn đảm bảo an ninh trật tự khu vực giáp ranh trong và ngoài trường của trường THPT Nam Triệu’’; mô hình ‘‘4 nên - 4 không khi sử dụng mạng xã hội”, mô hình ‘‘Không gian khoa học công nghệ”, mô hình: ‘‘Không gian toán học”, mô hình ‘‘Hệ thống điểm danh và khử khuẩn tay tự động” của học sinh trường THPT Thái Phiên’’; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh hướng tới xây dựng trường học Hạnh phúc của trường THPT Trần Nguyên Hãn. Trong quá trình thực hiện xuất hiện một số mô hình tốt cần được triển khai nhân rộng...
Từ năm học 2020-2021, cùng với cả nước, ngành GD-ĐT Hải Phòng triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để làm căn cứ xây dựng kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên theo từng năm học cụ thể, xác định lộ trình tham mưu để tăng số phòng học tại các cơ sở giáo dục tiểu học để đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày. Các trường học đã triển khai lựa chọn SGK lớp 1 sử dụng năm học 2020-2021 tại Hải Phòng với tổng số có 43 bản sách được lựa chọn trên 46 bản sách nằm trong danh mục được Bộ GD-ĐT, trong đó có 39/40 bản sách nằm trong 5 bộ sách được phê duyệt. Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn trực tuyến và 2 đợt tập huấn trực tiếp cho 4.290 lượt giáo viên và đại diện cán bộ quản lý cấp Phòng GD-ĐT, cấp trường về sử dụng từng bản SGK lớp 1 của từng bộ sách mà các đơn vị lựa chọn để sử dụng năm học 2020-2021. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, đối với nội dung giáo dục địa phương, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố về công tác biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương đối với thành phố Hải Phòng…
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc sở GD-ĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà chia sẻ một số khó khăn, tồn tại, vướng mắc và kinh nghiệm của Hải Phòng khi triển khai thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg trong gần 2 năm vừa qua và việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng chí cũng mong muốn Hội đồng tham mưu ban hành những nghị quyết sắp tới đưa những mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với điều kiện từng vùng miền; chọn lựa để có tính thiết thực; giải pháp cần nêu cụ thể và dễ hiểu; trong quá trình đổi mới giáo dục cần mở rộng tiếp nhận thông tin để người dân được đóng góp ý kiến...
PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực cùng đoàn công tác đã đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg, Hải Phòng đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, có cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình của địa phương. Đồng chí ghi nhận những ý kiến tham gia tại buổi làm việc và kiến nghị của Hải Phòng để sau chuyến khảo sát sẽ có tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách GD-ĐT để kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT trên cả nước.
Trong chuyến khảo sát, đoàn công tác đã đến thăm và nghe các ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Ngô Quyền và huyện Tiên Lãng.
HẢI HẬU
10:41 22/12/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh