Hội Nông dân Việt Nam trong tiến trình phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

18:55 21/12/2023

Nhiệm kỳ 2018-2023 khép lại, quán triệt tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện thắng lợi phương hướng nhiệm kỳ đặt ra là xây dựng tổ chức Hội thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ nông dân, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được tổ chức Hội các cấp chú trọng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần từng bước hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp và từng bước trí thức hóa nông dân.
Nông dân Hải Phòng góp sức xây dựng nông thôn mới

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh

Trước hết cần phải kể đến vai trò của tổ chức Hội trong công tác xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh. 5 năm qua, các cấp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, khơi dậy truyền thống yêu nước, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, hội viên, nông dân; tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước.

Công tác đổi mới, sắp xếp, củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu quả cũng được các cấp Hội tăng cường. BCH Trung ương Hội khóa VII đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi, hiệu quả 3 nghị quyết về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

Qua đó, chất lượng cán bộ Hội các cấp được nâng lên, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ sở Hội và Chi hội. Trong 5 năm, số cơ sở Hội khá và vững mạnh đạt vượt so với chỉ tiêu Đại hội đề ra. Và nhờ đổi mới nội dung, phương thức vận động, mở rộng đối tượng kết nạp vào Hội thông qua việc xây dựng các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp đã thu hút đa dạng thành phần nông dân tham gia tổ chức Hội, chất lượng hội viên được nâng lên, gắn bó chặt chẽ hơn với Hội. Hiện, số hội viên của Hội đạt trên 10,2 triệu hội viên.

Nông dân Hải Phòng thi đua lao động sản xuất 

Đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”

Cùng với đó, công tác thi đua, khen thưởng được đổi mới. Các cấp Hội đã chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua của Hội một cách kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch; coi trọng thành tích sáng tạo trong lao động, sản xuất. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, hội viên, nông dân.

Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội phát động, triển khai sâu rộng đã từng bước trở thành tâm điểm trong đời sống KT-XH ở khu vực nông thôn. Phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có mức thu nhập cao. Hằng năm, có trên 6,2 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... với tổng trị giá lên tới trên 6.720 tỷ đồng. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực, kịp thời của tổ chức Hội mà cả nước đã có trên 108.000 hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu chính đáng từ chính đồng đất quê hương.

Nông dân Hải Phòng thi đua lao động sản xuất 

Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh cũng được các cấp Hội chú trọng triển khai. Trong nhiệm kỳ, Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục tăng trưởng đạt 1.761,2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5%, nâng tổng nguồn vốn quỹ toàn hệ thống Hội đạt 4.827 tỷ đồng. Các cấp Hội đã tích cực tín chấp hỗ trợ hàng triệu nông dân vay vốn đạt trên 170 nghìn tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giữ vững ANCT, TTATXH ở nông thôn.

Công tác đào tạo nghề cho nông dân thì được các cấp Hội chú trọng triển khai với nhiều mô hình và hình thức đào tạo phù hợp, thu hút nhiều lao động trẻ tham gia. Hằng năm, các cấp Hội đã trực tiếp, phối hợp đào tạo nghề cho trên 110 nghìn nông dân (trong số đó, có trên 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định); tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 20 nghìn nông dân.

Trong 5 năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao KHCN trong sản xuất nông nghiệp cho trên 11,8 triệu lượt hội viên; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 12.927 mô hình kinh tế điểm. Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng và duy trì 5.363 mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” và 6.068 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Đồng thời phối hợp tổ chức đào tạo, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập 10.561 mô hình kinh tế tập thể đi vào hoạt động hiệu quả.

Nhiều mô hình sản xuất cho năng suất cao, chất lượng tốt, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn 

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Đáng chú ý, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các cấp Hội triển khai hiệu quả, thiết thực. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bình quân hằng năm, hội viên, nông dân cả nước đã tự nguyện tham gia hiến hàng trăm héc ta đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, trên 3 triệu ngày công lao động, sửa chữa, bê tông hóa trên 36 nghìn km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa trên 27 nghìn km kênh mương…, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, song song với việc chủ động tổ chức, hướng dẫn cho nông dân tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; các cấp Hội đã làm tốt công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân. Từ đó, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền cùng cấp để giải quyết, đề xuất các chủ trương, chính sách mới, phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Công tác phối hợp với chính quyền, lực lượng Công an, Quân đội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ QP-AN cho hội viên, nông dân; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới; cung cấp thông tin, tố giác tội phạm với các lực lượng chức năng, xây dựng và duy trì “Điểm sáng vùng biên” cũng được các cấp Hội chú trọng đẩy mạnh. Trong 5 năm, các cấp Hội đã xây dựng, phát huy hiệu quả 12.263 mô hình tự quản về ANTT; phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất gắn với củng cố QP-AN ở vùng biên giới, hải đảo; xây dựng tình đoàn kết quân dân, góp phần giữ vững ổn định, bảo đảm ANTT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế cũng được các cấp Hội mở rộng và tăng cường. Sau 10 năm là quan sát viên, Hội Nông dân Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của đối tác song phương và đa phương; tích cực tham gia, phối hợp với các đối tác, tổ Tổ chức Nông dân thế giới (WFO). Và hiện nay, Hội đang duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với 76 chức quốc tế; vận động được 276,86 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông