Hồi sinh nơi vùng bão lũ Quảng Bình

16:36 01/12/2013

Có đến nơi tâm bão lũ đi qua mới thấy được cuộc sống của bà con tỉnh Quảng Bình khó khăn như thế nào. Mà thực ra, chẳng cần bão lũ càn quét qua, cuộc sống của người dân nơi đây cũng đã khổ lắm rồi… Máu chảy ruột mềm, trong những ngày qua, cả Quảng Bình, cả miền Trung được đón nhận tình cảm và cả vật chất, tinh thần từ khắp mọi miền đất nước đổ về.
Có đến nơi tâm bão lũ đi qua mới thấy được cuộc sống của bà con tỉnh Quảng Bình khó khăn như thế nào. Mà thực ra, chẳng cần bão lũ càn quét qua, cuộc sống của người dân nơi đây cũng đã khổ lắm rồi… Máu chảy ruột mềm, trong những ngày qua, cả Quảng Bình, cả miền Trung được đón nhận tình cảm và cả vật chất, tinh thần từ khắp mọi miền đất nước đổ về. Những món hàng cứu trợ chưa thể làm thay đổi cuộc sống thường nhật của bà con nhưng nó như một sức mạnh tinh thần kịp thời và cần thiết để giúp bà con gượng dậy sau đợt thiên tai giày xéo...

Phơi lại thóc bị ướt
Phơi lại thóc bị ướt

Bão lũ đi qua, tình người ở lại

Biết chúng tôi từ Hải Phòng vào thăm đồng bào Quảng Bình bị thiệt hại do bão lũ, bà Nguyễn Thị Lượng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, mừng ra mặt. Bà bảo: “Các bác, các chú xa xôi rứa mà cất công vào đây để thăm bà con, thật là cảm động quá. Mà bão lũ khiếp thật đó, đến nhanh rứa ai mà trở kịp, bà con chỉ còn biết nuốt nước mắt nhìn cơ ngơi, nhà cửa, vật nuôi trôi theo dòng nước lũ.

Ngay như trụ sở UBND xã cao như thế này mà nước còn ngập lên đến nửa tầng 2, nói chi đến nhà dân. Toàn xã 13 căn nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm nhà bị tốc mái, 2 người bị thương. May mà trong hoạn nạn, người dân quê luôn có nhau, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo. Thêm nữa là tấm lòng hảo tâm, chia sẻ của đồng bào cả nước nên cuộc sống khó khăn của bà con cũng vơi đi đôi chút, chúng tôi biết ơn lắm…”.

Anh Hồ Văn Kiên, Trưởng bản Rào Con đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến cơn bão số 10 đổ bộ như thế nào. Anh kể: “Hôm đó, khoảng 9 giờ tối, đang thiu thiu ngủ thì tui thấy gió giật liên tục, mưa xối xả. Ngói, tôn của các nhà dân bay loạn xạ. Một khung cảnh thật khiếp sợ. Tui vội hô hào anh em thanh niên đưa người già, trẻ em chạy lên khu nhà trường trú bão. Số thanh niên còn lại thì thu vén tài sản cho bà con. 

                       

                                      Khung cảnh tan hoang do bão số 10 để lại

Tuy nhiên, được một lúc thì nước lũ ập về quá mạnh, mọi người đành phải tháo chạy lên nhà trường trú tạm. Lúc ấy, mồ hôi và nước mưa xen lẫn với nước mắt cay xè. Công lao bà con tích góp cả đời phút chốc đã bị dòng nước lũ cuốn phăng, xót lắm anh ạ. Cả bản có tất cả 44 hộ thì 11 hộ nhà cửa bị xóa sổ, 33 hộ còn lại nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Cơn bão qua đi, bản Rào Con bị cô lập vì đường sá chia cắt, cái đói, cái rét khiến bà con gần như kiệt quệ. Thanh niên trong bản phải vượt hàng chục cây số đường rừng ra trung tâm xã mang đồ cứu trợ về phân phát cho đồng bào. Có thức ăn thì ấm cái bụng rồi nhưng nhà cửa thì chẳng biết khi nào dựng lại được…”…

Anh Kiên còn tâm sự: “Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy nhưng bà con Vân Kiều -những người mang họ Hồ (Bác Hồ) - bản Rào Con sẽ không chùn bước đâu. Chúng tôi có sức khỏe, có sự quan tâm của nhà nước nên sẽ đứng dậy được thôi mà. Bây chừ nếu sửa chữa lại hệ thống thủy lợi cho bản thì bà con có thể khai hoang thêm 5ha ruộng lúa nước. Lúc đó chắc chắn khỏi lo đói nữa”… Những lời tâm sự rất thật của người trưởng bản như một lời hứa sẽ cùng bà con dân bản rũ bùn đứng lên, vượt qua khó khăn để có một cuộc sống ấm no hơn khi mùa đông lạnh giá đang tràn về…

Gạt nước mắt để đứng lên

Trong nhiều thiệt hại do cơn bão số 10 và 11 gây ra, có lẽ người dân tỉnh Quảng Bình đau nhất là câu chuyện về cây cao su - loài cây được ví như “vàng trắng”, hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi quê nghèo. Ai ngờ liên tục 2 cơn bão lớn ập đến khiến hơn 12 nghìn ha cao su đã được nuôi dưỡng bằng mồ hôi, tiền bạc của người nông dân phút chốc thành thứ rẻ hơn... củi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Phan Văn Gòn thì huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích cao su bị thiệt hại lớn nhất tỉnh Quảng Bình với trên 5.344ha, trong đó có gần 3.400ha cao su tiểu điền, giá trị thiệt hại khoảng trên 1.700 tỷ đồng. Đây quả là “đòn đánh mạnh” vào nền kinh tế huyện nhà. Hiện việc thanh lý số cao su bị gãy đổ đang tiến triển rất chậm và chắc chắn kéo dài nhiều tháng nữa do phương tiện, vật lực ở đây có hạn. Cùng với đó, các nhà máy chế biến gỗ ở tỉnh Quảng Bình công suất cũng có hạn nên trong một thời gian ngắn không thể thu mua hết số gỗ cao su cần thanh lý này.

                      


Ông Dương Đình Phương, chủ vườn cao su tiểu điền thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, vẫn chưa thể tin được chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hơn 8ha cây cao su của ông đều đổ hết, thiệt hại không đo đếm được. Trước đây gia đình ông mỗi ngày thu từ mủ cao su được vài triệu đồng, nay gốc cành trơ trụi, ai mà không xót. Còn nước còn tát, ông Phương huy động bà con thân tộc dựng lại những cây bật gốc, những mong sống lại được.

Nhìn những cây cao su còn trơ lá, tôi hỏi khi nào có thể khai thác lại được, ông Phương lắc đầu ngao ngán: Chắc phải mất dăm ba năm nữa mới hi vọng khai thác lại được. Bởi phần lớn cây bị bật gốc, rễ hư hại nên phải cần một thời gian dài mới lại sức, nó như người bị bệnh vậy, phải chăm sóc, bồi bổ thật nhiều mới có thể hồi phục. Tuy nhiên, nhờ liên kết nhiều hộ gia đình cùng làm chung với nhau nên công việc dựng lại cây ngã, đổ nhanh chóng hoàn thành. Bây giờ nhờ trời để cây cao su được hồi sinh…

Đến xã Trường Thuỷ, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 10 ở huyện Lệ Thuỷ. Anh Lương Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, toàn xã có đến 131ha cao su, 760ha rừng kinh tế, 10,7ha hồ tiêu bị bão tàn phá..., tổng thiệt hại ước tính hơn 52 tỷ đồng. Dấu tích sự tàn phá vẫn còn ngổn ngang trên từng lô cao su, từng khoảnh rừng. Anh Bình cho biết, ngay sau bão tan, Đảng uỷ xã đã có cuộc họp đột xuất để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10.

Tôi gặp anh Trương Thế Chất, ở thôn Lục Sơn, đang cùng với mấy bác thợ cưa thu dọn “chiến trường” hơn 6ha cao su bị gãy đổ để bán cho nhà máy gỗ ép. Tôi hỏi: “Sau khi thu hoạch xong, gia đình anh có trồng lại không?”. Anh Chất quả quyết: “Phải trồng lại chứ, đất rừng thì phải trồng rừng chứ biết làm gì. Nhưng có lẽ chúng tôi không trồng cao su nữa mà trồng cây keo, nhanh thu hoạch hơn, và nếu có bão lũ thì thiệt hại cũng ít hơn”…

Cạnh khu rừng của anh Chất, tôi thấy một đám cháy lớn. Hỏi ra mới biết người dân đang đốt thực bì để trồng rừng. Chủ nhân của đám cháy này là ông Hoàng Văn Bảy, ở thôn Lục Nam. Theo ông Bảy thì đây là diện tích hơn 2ha rừng tràm đã bị bão xéo nát, phải bán “non” được 30 triệu đồng. Bán xong, ông tức tốc trồng lại rừng và mấy ngày qua đã trồng hơn một ha, diện tích còn lại đang xử lý để trồng tiếp. Nhìn những cây keo, cây tràm vừa bén đất chạy dài, lấp ló màu xanh, tôi có cảm giác sự sống vẫn đang trỗi dậy mạnh mẽ, như chưa hề có bão tố qua đây...

Quả thật, những vườn rừng đang hồi sinh nhờ ý chí của người dân, nhưng chưa hẳn hết những điều trăn trở. Như gia đình ông Phương ở Nông trường Việt Trung đang còn nợ ngân hàng một đống tiền. Bão đã làm cho sự tính toán trong làm ăn bị sai lệch, bây giờ đang rất khó khăn, trong khi có bao nhiêu thứ cần chi ra để "nuôi" cây cao su bị "bệnh tật". Không chỉ ông Phương, những hộ trồng cao su trên vùng đất này như anh Chất, ông Bảy phần lớn đều đi vay, không nhiều thì ít và họ cũng đang lúng túng trong việc phải trả lãi ngân hàng. Xem ra, ý chí thôi chưa "đủ mạnh" để vượt qua cơn bĩ cực, người trồng cao su, trồng rừng đang rất cần sự quan tâm của cơ quan chức năng, tối thiểu là được khoanh nợ ngân hàng, hỗ trợ phân bón, tiếp tục các chính sách cho vay ưu đãi để tiếp tục tái đầu tư, dành lại những gì đã mất...

Box: Theo UBND tỉnh Quảng Bình thì bão số 10 và mưa lũ từ ảnh hưởng của cơn bão số 11 đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Bình gần 30.000 tỷ đồng, hàng vạn ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, 30 người chết, hàng chục người bị thương. Các cơ sở hạ tầng thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đường liên thôn, liên xã, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A. Hiện nay, dù đã nỗ lực rất lớn, được sự giúp đỡ về nhiều mặt của nhà nước và các tổ chức từ thiện nhưng Quảng Bình vẫn còn 400 căn nhà bị sụp đổ chưa dựng lại được; một số cầu, cống vẫn ngổn ngang, chưa có điều kiện khắc phục, gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông nông thôn. Hàng chục trường học vẫn đang học tạm, hoạt động cầm chừng.

Dù khó khăn nhưng 100% số gia đình trong vùng bị thiệt hại bão lũ vẫn không ai bị đói, rét, thiếu ăn. Hàng nghìn đoàn cứu trợ, cả nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện đã về với Quảng Bình trong gần 2  tháng qua. Công tác tổ chức đón, phân phối hàng cứu trợ tới tay dân cơ bản được thực hiện nghiêm túc.



Quảng Bình


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông