08:22 27/04/2023 Ngày 14-4, tại Hải Phòng, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ tại BHXH Việt Nam”. Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan gồm: Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, năm 2014, Quốc hội Khóa 13 thông qua Luật BHXH trong đó giao BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH.
Cùng với sự phát triển của Ngành, hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã từng bước khẳng định và đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Ngành. Trong đó hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT đã kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Trong 7 năm thực hiện, đã bảo vệ quyền lợi cho 370 nghìn lao động với số tiền truy đóng 1.020 tỷ đồng, xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trên 170 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định trình Bộ Tư pháp thẩm định, trong đó, có đề xuất việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH Việt Nam. Tinh thần là để cơ quan thanh tra của BHXH Việt Nam ngày càng chính quy, hiện đại, có đủ thẩm quyền, quyền thực hiện chức năng.
Tại Hội thảo các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành đã tập trung phân tích, làm rõ về cơ sở lý luận, căn cứ pháp lý, sự cấp thiết, các quy định pháp luật phù hợp, thực tiễn tổ chức thực hiện và đặc biệt là phân tích sâu về các giải pháp thực hiện thành lập cơ quan thanh tra trong giai đoạn tiếp theo của ngành BHXH Việt Nam.
Qua các nội dung tham luận, ý kiến tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhận định, việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam là một tất yếu trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay, đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra ngày 14/11/2022. Ngành BHXH Việt Nam, với nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách xã hội quan trọng là BHXH, BHYT, BHTN cần tiếp tục khẳng định và tiên phong trong thực hiện thanh tra chuyên ngành, đảm bảo quyền lợi thích đáng cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Việc thành lập cơ quan thanh tra phải đảm bảo được đúng việc, đúng người, đúng nơi, tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT, đồng thời phải có sự gắn kết, liên thông, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để thay đổi căn bản về quy trình, cách thức vận hành, mang lại giá trị mới cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cũng như tăng năng suất lao động, năng lực quản trị của ngành BHXH Việt Nam.
Thái Bình
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh