18:22 28/04/2022 Thực hiện Kế hoạch số 385/KH-BGDĐT ngày 06/4/2022 của Bộ GD&ĐT về xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú (thay thế nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ), chiều 27-4, tại Trung tâm hội nghị thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội thảo. Về phía thành phố Hải Phòng có đồng chí Lê Anh Quân, Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cùng đại diện các Vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo; thường trực thi đua khen thưởng 63 tỉnh, thành trên cả nước tham dự.
Ngành Giáo dục đang triển khai Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo, thực hiện Luật 2019 và các Luật chuyên ngành, điều đó đòi hỏi cần phải đổi mới chính sách để đãi ngộ, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Từ năm 1986 đến năm 2020 đã qua 15 lần xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu cho 650 Nhà giáo nhân dân và 9.081 Nhà giáo ưu tú. Điều đó thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng. Tuy nhiên, qua 2 đợt xét tặng gần đây cho thấy Nghị đinh 27 bộc lộ những hạn chế, tồn tại. Vì thế, việc xây dựng Nghị định mới thay thế là phù hợp với thực tiễn.
Tháng 6/2022, Luật thi đua khen thưởng sẽ được xem xét thông qua. Để có một Nghị định mới phù hợp, hiệu quả, Bộ Giáo dục và đào tạo đang quyết tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung, thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Nghị định. Đây là Nghị định liên quan đến nhiều bộ, ngành và đối tượng rộng từ cấp mầm non đến cấp học khác, từ giáo viên mầm non đến giảng viên đại học. Vụ Thi đua khen thưởng, phối hợp với các vụ, cục của Bộ, các địa phương có đợt khảo sát, các cuộc toạ đàm trao đổi trực tuyến diễn ra từ năm 2021, chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định mới.
Tháng 3 vừa qua, Ban soạn thảo đã họp xây dựng dự thảo, tiến hành xin ý kiến của 2 miền. Trước đó, Bộ đã có cuộc Hội thảo xin ý kiến các trường đại học trên cả nước tại thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình dự thảo, Ban soạn thảo xin ý kiến các chuyên gia, tổ chức các cuộc toạ đàm, trao đổi, dành nhiều công sức nhưng không thể có góc nhìn đầy đủ, toàn diện được hết nên trong Hội thảo này đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục và đào tạo của 63 tỉnh, thành đóng góp những góc nhìn khác nhau để dự thảo khả thi, đạt kết quả tốt nhất.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Anh Quân, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố nhấn mạnh: Sau nhiều năm thực hiện đổi mới, sự nghiệp giáo dục - đào tạo thành phố Cảng đạt được những kết quả quan trọng. Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển giáo dục - đào tạo. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia luôn đạt kết quả cao và đứng trong tốp đầu của cả nước. Hải Phòng là địa phương duy nhất trên cả nước 24 năm có học sinh đoạt giải quốc tế. Thành phố đã có nhiều chính sách để phát triển Giáo dục và Đào tạo, trong đó có chính sách khuyến học, khuyến tài; đầu tư cơ sở vật chất; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp; các chế độ khen thưởng cho học sinh giỏi, giáo viên giỏi…
Đặc biệt, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố Hải Phòng; về chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố; chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105 ngày 08/9/2020 của Chính phủ… Các chính sách này đã nhận được sự đồng tỉnh, ủng hộ của Nhân dân thành phố, đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội thành phố.
Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo vừa đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức. Nhiều Nhà giáo là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ; đạt danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Chiến sỹ thi đua thành phố, Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố có 08 Nhà giáo Nhân dân, 165 Nhà giáo Ưu tú.
Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19, học sinh phải nghỉ học trong một thời gian dài, chuyển sang hình thức học trực tuyến, nhưng Giáo dục và Đào tạo thành phố vẫn duy trì ổn định và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2021 - 2022, Hải Phòng có 85 thí sinh đạt giải, đứng thứ hai cả nước sau Thủ đô Hà Nội. Có 02 dự án đạt giải Ba và giải Tư trong cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Kết quả này đã kéo dài chuỗi thành tích của Hải Phòng - là một trong những địa phương luôn dẫn đầu trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận nội dung dự thảo Nghị định đưa ra khắc phục nhược điểm Nghị định 27 và có nhiều điều mới.
Sau hội thảo, bộ phận thường trực Vụ thi đua khen thưởng sẽ tổng hợp các ý kiến. Ban soạn thảo sẽ trình Bộ trưởng và dự kiến tháng 11 sẽ hoàn thiện, báo cáo Chính phủ.
Thiên An
10:41 22/12/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh