09:42 03/11/2019 Như tin đã đưa, vào ngày 26-1-2019, Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức ký giao kết hợp tác phát triển giữa hai địa phương. Từ đó đến nay, dù thời gian chưa nhiều những kết quả đạt được đã khẳng định những ý nghĩa hết sức thiết thực, trong mối quan hệ kết nối phát triển vùng đồng bằng Bắc Bộ, như tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị
Thành phố Thái Bình
Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp với các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; phía Tây và Tây Nam giáp với các tỉnh Nam Định và Hà Nam; phía Đông giáp biển. Tỉnh có diện tích đất tự nhiên 1.546,54 km2, bao gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện là: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư và thành phố Thái Bình. Dân số Thái Bình hiện có 1.860.447 người, trong đó nông thôn chiếm đa số với khoảng 89,4%.
Trong một thời gian dài, Thái Bình luôn là một vùng nông nghiệp trọng điểm của miền Bắc. Đất đai Thái Bình phì nhiêu màu mỡ, nổi tiếng “bờ xôi ruộng mật” do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, cùng với công trình thủy lợi tưới tiêu thuận lợi, là những điều kiện hoàn hảo để phát triển vùng lúa.
Bên cạnh đó, Thái Bình cũng rất nổi tiếng với những sản phẩm cây trồng, vật nuôi, hầu hết đất đai đã được cải tạo hàng năm có thể cấy trồng được nhiều vụ, cho nhiều loại củ quả có giá trị và các loại gia súc, gia cầm. Với bờ biển dài trên 50 km và 4 sông lớn chảy qua, Thái Bình có có nhiều tiềm năng nuôi thả, đánh bắt thủy sản, sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm.
Những năm gần đây, cùng với sự trở mình của cả nước, Thái Bình đã có bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội, với định hướng tái cơ cấu ngành, phát triển mạnh các dạng hình công nghiệp, dịch vụ, song hành với thế mạnh có sẵn của nông nghiệp.
Tính theo số liệu năm 2018, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,53% so với năm 2017, với tổng sản phẩm trên địa bàn khoảng 49,87 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đều cao hơn so với nông nghiệp, cụ thể nông nghiệp và thủy sản chiếm cơ cấu 25,82%, công nghiệp-xây dựng chiếm 38,24% và dịch vụ chiếm 35,94%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp đang hoạt động hiệu quả.
Hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng kết nối Hải Phòng-Thái Bình
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, thì với định hướng tái cơ cấu kinh tế như vậy, Thái Bình đã được đặt vào điểm xuất phát chung theo xu thế của cả vùng, lấy kinh tế biển là mũi nhọn. Trong bối cảnh như vậy, việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác phát triển với Hải Phòng có ý nghĩa hết sức thiết thực, đã được Trung ương chỉ rõ trong Nghị quyết 32-NQ/TW trước kia cũng như Nghị quyết 45-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Trên tinh thần ấy, tỉnh Thái Bình xác định rõ lấy Hải Phòng là trung tâm và Thái Bình là vùng đệm, là thanh truyền quan trọng, làm đậm thêm vai trò động lực vì sự phát triển không riêng của Hải Phòng hay Thái Bình, mà của cả vùng và cả nước.
Trên thực tế, với vị thế địa lý tự nhiên, Thái Bình và Hải Phòng đã có mối liên kết chặt chẽ về mọi mặt, được hình thành từ lâu qua thời gian. Hai địa phương có chung một dải ven biển, có diện tích giáp giới trên bộ lớn, có chung hai tuyến đường bộ là quốc lộ 10 và quốc lộ 37 đi qua.
Chính bởi vậy, lịch sử đã tạo dựng mối quan hệ giao thoa giữa cư dân hai địa phương, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn cả văn hóa và nhiều lĩnh vực khác. Nguồn nhân lực giữa Hải Phòng và Thái Bình cũng được trao đổi qua lại, thấu hiểu lẫn nhau, đóng góp lớn cho công cuộc chung từ nhiều thế hệ.
Hiện tại, thông qua các tuyến giao thông, hàng hóa trao đổi giữa hai địa phương cũng giữ vị trí tác động rất lớn, trong việc chi phối thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Mặc dù vậy, đánh giá chung cho thấy nhưng năm qua dấu ấn hợp tác phát triển giữa Hải Phòng và Thái Bình chưa thực sự rõ nét, chưa hình thành một cơ chế để điều chỉnh các mội quan hệ cho thật sự hiệu quả. Từ nhận định này, đầu năm 2019, Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Thái Bình đã quyết định cụ thể hóa các ý tưởng thành chương trình hợp tác phát triển.
Đáng chú ý, đó cũng chính là thời điểm Nghị quyết 45-NQ/TW được ban hành, trong đó Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.”
Từ quan điểm này, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng, việc giao kết hợp tác kinh tế giữa hai địa phương là chương trình hành động thiết thực đầu tiên để thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW. Đồng chí đề xuất hai địa phương cần tập trung chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ, đi vào cụ thể các công việc hợp tác, phân công rõ việc cho các ngành, nhất là trong sản xuất, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…
Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định, việc ký kết giao kết hợp tác giữa hai địa phương là sự khởi đầu cho một tương lai phát triển mới không chỉ của hai địa phương mà của cả khu vực và cả nước.
Lê Minh Thắng (Còn nữa)
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh