14:19 25/10/2021 Từ năm 2013 đến nay, thực hiện chuyển đổi Hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX năm 2012, các HTX yếu kém, tồn tại hình thức trong nhiều năm trước đó đã dần dần “khai tử” thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình HTX kiểu mới khẳng định rõ vai trò quan trọng là cầu nối đảm bảo nhiều khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, một số HTX kiểu mới đã khẳng định vai trò của mình trong phát triển KT-XH khu vực nông thôn, có đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM…
Đồng bộ các giải pháp…
Thi hành Luật HTX năm 2012, gần chục năm qua, UBND TP đã ban hành một loạt các văn bản thực hiện Nghị quyết của Thành uỷ về phát triển KT-XH của địa phương trong lĩnh vực HTX. Với vai trò là cơ quan tham mưu, thường trực, chủ trì trong quá trình thực hiện, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các quyện, huyện tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến các phường, xã, HTX, các thành viên HTX trên địa bàn thành phố. Đồng thời cùng các địa phương hỗ trợ, giúp đỡ các HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX mới; tham mưu cho UBND TP ban hành các kế hoạch về phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; công tác tổ chức, hướng dẫn đăng ký HTX nông nghệp, liên kết HTX trên địa bàn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được thành phố chú trọng. Trong năm 2017, toàn thành phố có 185 cán bộ là Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán HTX được bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn.
Để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hàng năm, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương, Liên minh HTX & Doanh nghiệp thành phố tổ chức đoàn công tác tham gia các chuyên đề tại hội chợ, triển lãm trong, ngoài thành phố; hỗ trợ các HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức một số diễn đàn, hội chợ nông nghiệp thương mại vùng Đồng bằng Sông Hồng với hàng nghìn lượt người tham dự nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của thành phố và các tỉnh bạn đến tay người tiêu dùng. Qua đó, tạo điều kiện tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và nhà khoa học, doanh nghiệp có sự trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Việc ứng dụng KHKT, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh của các HTX, thành viên HTX luôn được quan tâm. Đến nay, Hải Phòng đã có nhiều mô hình ứng dụng KHCN phát huy hiệu quả, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, thành viên HTX.
Tiêu biểu có thể kể đến HTX Nông nghiệp Lưu Kiếm (Thuỷ Nguyên). Triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn, mùn hữu cơ từ rơm, rạ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng dụng chất xử lý nước PAC-HAPI trong sản xuất nước sinh hoạt”, HTX đã tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình với 3 quy trình: sản xuất nấm ăn, ứng dụng chế phẩm Bioaktiv-PB xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp (bã nấm, rơm, rạ) thành mùn hữu cơ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng dụng chất xử lý nước PAC-HAPI trong sản xuất nước sinh hoạt.
Hay mô hình sản xuất nấm ăn, lúa hữu cơ, chuối, ổi, rau các loại, quy mô 60,5 ha. Đã có 4/5 mô hình có sự tham gia của tổ hợp tác, HTX, như: tổ hợp tác trong sản xuất nấm ăn tại xã Vĩnh Phong (Vĩnh Bảo); HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Thuỵ Hương (Kiến Thuỵ) tổ chức sản xuất, thu mua lúa hữu cơ; HTX Liên Khê (Thuỷ Nguyên) tổ chức sản xuất, tiêu thụ chuối Liên Khê… Các mô hình trên tập trung sản xuất sản phẩm hàng hoá, gắn xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Đến nay, các mô hình đang triển khai theo kế hoạch, dự kiến năng suất, giá trị thu nhập tăng 10-15% so với sản xuất đạt trà.
Đáng chú ý, thành phố đã hỗ trợ xác lập 63 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 1 chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản, làng nghề của thành phố, các HTX, tổ hợp rác và xã viên được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các thủ tục xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Hỗ trợ tạo lập nhãn hiệu, thành phố đã đẩy mạnh việc quảng bá 34 sản phẩm đặc sản làng nghề của 10 địa phương để các HTX từng bước tạo dựng thương hiệu. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị giá tăng của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế.
76 mô hình HTX mới được xây dựng…
Nhờ chú trọng triển khai chính sách thành lập mới, liên hiệp HTX, tính đến nay, toàn thành phố có 244 HTX nông nghiệp, tăng gần 30% so với năm 2013. Trong đó, có 113 HTX đã chuyển đổi, 52 HTX yếu kém ngừng hoạt động thay vào đó là 76 mô hình HTX mới được xây dựng, từng bước khẳng định vai trò là cầu nối đảm bảo nhiều khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra trong sản xuất mà trước đây người dân chưa làm được hoặc làm được nhưng chưa hiệu quả, như: dịch vụ giống, phân bón, sấy, trữ lúa và dịch vụ đầu ra thông qua việc tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, gắn với sản phẩm chủ lực trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức, đăng ký lại hoạt động theo quy định của Luật HTX. Tổ chức bộ máy được củng cố, công tác quản lý, điều hành dịch vụ tại các HTX dần ổn định, nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của các hộ thành viên, hộ nông dân trong một số khâu sản xuất. Thông qua HTX, các hộ thành viên, nông hộ có điều kiện tham gia và được hỗ trợ từ các chương trình, dự án, phát triển KT-XH, như: chương trình khuyến nông, hỗ trợ giống mới, xúc tiến thương mại, VSATTP, VSMT…
Tính đến hết tháng 7-2021, toàn thành phố có 35.183 thành viên HTX, giảm 4,75 lần so với cuối năm 2013 nhưng tổng số vốn hoạt động của HTX đạt trên 245,53 tỷ đồng, tăng gấp 5,96 lần so với cuối năm 2013. Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp năm 2020 đạt 1,025 tỷ đồng/HTX, tăng gấp gần 1,4 lần; thu nhập trung bình của 1 HTX năm 2020 đạt 51,2 triệu đồng/HTX, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2013.
Thực hiện chính sách phát triển HTX, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và OCOP, các HTX được hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ KTKT, cơ giới hoá vào sản xuất, tham gia mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến theo mô hình HTX kiểu mới, như mô hình: HTX chăn nuôi Thái Sơn, HTX dịch vụ nông nghiệp Thuỵ Hương, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật HTX năm 2012 của thành phố còn vấp phải một số hạn chế, bất cập nhất định. Nhưng nhìn chung, hầu hết các mô hình HTX kiểu mới đều mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng yêu cầu về sản xuất, quy mô hoạt động của kinh tế thành viên. Đồng thời, góp phần tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, nhất là vùng nông thôn. Nhiều HTX làm ăn có lãi, hàng năm tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương chăm lo làm tốt công tác xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới thành phố.
Khánh Chi
23:15 11/01/2025
11:33 10/01/2025
20:58 14/12/2024
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh