16:02 10/05/2021 Những ngày này, dù dịch bệnh Covid-19 xuất hiện những những tình huống mới phức tạp, nhưng không vì thế mà công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hải Phòng bị gián đoạn. Ngược lại, toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố đang tập trung cao độ, đoàn kết, thống nhất, thể hiện quyết tâm tổ chức Ngày hội non sông với hiệu quả cao nhất.
(Hình ảnh minh họa)
Ngày 17-11-2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23-5-2021 trên phạm vi cả nước.
Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, thực hiện cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.
Cách đây đúng 75 năm, vào ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người dân Việt Nam đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân.
Trước đó, vào ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “… Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng đó, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền Ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã đi bỏ phiếu.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi.
Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ.
Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) có tính chất hợp pháp, dân chủ – nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Từ đó đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa hoạt động, theo suốt cuộc cách mạng trường chinh xây dựng và bảo vệ đất nước do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, làm, tập hợp thành sức mạnh vĩ đại toàn dân, đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, trong đó, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng từ đó đến nay, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đã trở thành ngày hội lớn của non sông, “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà” như khẳng định của Hồ Chủ tịch
Tiếp nối những truyền thống đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 nhằm bầu ra đại biểu đại diện cho nhân dân trong Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Thông qua cuộc bầu cử sẽ góp phần tạo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước và của mỗi địa phương trong năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng thời là sự thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta, tính nhân dân sâu sắc của Nhà nước ta thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân với Nhà nước mà việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trực tiếp biểu hiện.
Đối với Hải Phòng, cuộc bầu cử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới trên cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, với những mục tiêu cao hơn, trên tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điều đặc biệt là, cùng với cả nước, Hải Phòng đang chịu những áp lực rất lớn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng với niềm tin “Trung dũng – Quyết thắng”, Hải Phòng nhất định sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Quan trọng hơn, để người dân Hải Phòng được thể hiện quyền làm chủ, bầu ra cơ quan quyền lực đại diện xứng đáng, hiện thực hóa khát vọng, vì một Hải Phòng phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh