17:25 13/01/2024 Phát biểu tại hội nghị: “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” tổ chức tại Hải Phòng mới đây, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với truyền thống chịu thương chịu khó, bản lĩnh và ý chí vươn lên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nơi mình sinh sống, bà con kiều bào luôn hướng về quê hương, đóng góp cho đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tri thức, kinh nghiệm quản lý đến nguồn lực vật chất. Vì vậy, huy động nguồn lực kiều bào, góp phần phát triển Hải Phòng và đất nước luôn được quan tâm, coi trọng.
Những nguồn lực quý báu
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, thực sự đã trở thành một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước ta phồn vinh, giàu mạnh.
Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 5%/năm), độ bao phủ rộng (kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển). Đây là nguồn lực rất quan trọng đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Nguồn lực từ kiều bào được thể hiện ở nhiều lĩnh vực rất quý báu. Nổi bật là nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12%, tương đương khoảng 600.000 người. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin, chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng,...
Cùng với đó là lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, khoảng 130.000-150.000 người mỗi năm, đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước khi trở về với kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài.
Về nguồn lực kinh tế, doanh nhân người Việt có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước ở châu Âu, Mỹ, Úc… hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…
Theo thống kê đến cuối năm 2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.
Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Đáng chú ý hơn cả là “nguồn lực mềm". Kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau như nghị sỹ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố. Số người Việt Nam, gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, kiều bào ngày càng phát huy vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam; có đóng góp quan trọng trong kết nối, tăng cường quan hệ đối ngoại, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Có thể nói đây chính sứ giả nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, hiện có gần 50.000 người gốc Hải Phòng đang định cư ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Hải Phòng ở nước ngoài từ lâu đã trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố, tham gia tích cực vào mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, đồng thời góp phần tạo dựng cầu nối mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố với các địa phương, đối tác quốc tế. nhiều cá nhân kiều bào của Hải Phòng đạt được thành công ở nước sở tại, vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, một lòng hướng về xây dựng thành phố quê hương, đất nước. Giá trị kiều hối giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,61 tỷ USD, tăng gần 70% so với giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, năm 2019, lượng kiều hối gửi về đạt 409 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng), tương đương 1/3 tổng ngân sách thu nội địa cùng năm của thành phố. Giai đoạn 2021 - 2022 mặc dù có những tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên giá trị kiều hối gửi về Hải Phòng vẫn đạt 401 triệu USD; năm 2023 ước đạt 309 triệu USD.
Ngoài ra, còn có những giá trị không nhỏ về mặt vật chất mà bà con kiều bào mang lại cho thành phố thông qua việc hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, đầu tư kinh doanh, nâng cao đời sống, phần lớn bà con đều tham gia tích cực và đều đặn các hoạt động nhân đạo, từ thiện, nhất là nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Tăng cường kết nối, huy động nguồn lực
Tại hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp”, đại diện kiều bào để thể hiện mong muốn được chung tay góp sức phát triển thành phố Hải Phòng và đất nước. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị- kiều bào Pháp cho biết: bà sinh ra tại Hải Phòng và dù sang Pháp từ năm 1972 nhưng vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương. Bà đã từng tham gia vào nhiều dự án lớn như dự án xử lý nước thải, rác thải cho phố cổ Hội An; bảo tốn, phát triển cầu Long Biên… Bà còn đang có ước nguyện được tham gia vào dự án bảo tồn khu phố cổ Hải Phòng. Còn ông Phạm Thanh Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu (Nhật Bản) cho rằng, nếu có sự kết nối đưa nông sản Việt Nam và nông sản Hải Phòng vào thị trường Nhật Bản sẽ có rất nhiều tiềm năng…
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, các nội dung thảo luận về đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực, phát triển chuỗi cung ứng tại hội nghị kết nối phù hợp với các ưu tiên hiện nay của Chính phủ, cũng là những lĩnh vực mà kiều bào ta có kinh nghiệm và hiểu biết quốc tế, có thể tư vấn cho các cơ quan chức năng và có dự án hợp tác cụ thể với các địa phương, doanh nghiệp trong nước.
Phó thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng trong nước ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của kiều bào với tinh thần thực sự cầu thị và mục đích cao nhất là phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Hải Phòng luôn chào đón những người con trở về mang theo tình cảm, hoài bão, khát vọng, ý tưởng và nguồn lực để đóng góp với thành phố trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng tâm như đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ; chuyển đổi số, công nghệ vật liệu mới... để thành phố Hải Phòng có một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, trở thành thành phố quốc tế trong tương lai không xa. Đồng thời, thành phố cũng mong muốn mỗi doanh nhân, trí thức kiều bào như một “sứ giả” quảng bá đến bạn bè quốc tế về môi trường đầu tư năng động của thành phố, về mảnh đất, văn hóa, con người Hải Phòng nồng hậu và mến khách.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hàng loạt chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước thông qua, với tinh thần xuyên suốt “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào ổn định cuộc sống ở sở tại và đóng góp cho quê hương, đất nước và luôn mong muốn bà con tích cực hướng về đất nước, góp phần xây dựng quê hương. Trong năm 2024, ngoài các hoạt động đã thành thương hiệu như Xuân Quê hương, tổ chức đoàn kiều bào đi thăm Trường Sa, Trại hè thanh thiếu niên kiều bào, Lớp tập huấn tiếng Việt, dự kiến sẽ tổ chức sự kiện rất quan trọng là Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ tư và các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc củng cố hội đoàn, phát hiện và tạo điều kiện cho những nhân tố mới đóng góp cho cộng đồng, đất nước.
Sự mong muốn và các hành động đã mang lại kết quả cụ thể. Theo đó có 8 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng và Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh và Hiệp hội người Việt Nam vùng Kansai Nhật Bản; Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Hiệp hội người Việt Nam tại vùng Kansai Nhật Bản và Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh; Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Thanh Hoá và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc; Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) và Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam -Hàn Quốc (VKBIA). Đây là sự kết nối quan trọng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thiết thực huy động nguồn lực kiều bào xây dựng quê hương./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh