08:31 08/12/2017 Huyện Vân Đồn đang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng các mô hình sản xuất hợp lý, theo hướng sản xuất hàng hoá nông sản, khuyến khích người dân phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Một vườn đào tại Vân Đồn
Định hướng phát triển
Là một địa phương có lợi thế thiên nhiên, đủ khả năng cung cấp nguồn nông hải sản sạch cho thị trường, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vân Đồn đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 16-12-2015 về phát triển các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Vân Đồn giai đoạn 2016-2020 nhằm xây dựng các vùng sản xuất tập trung về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân đồng thời phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ; tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho một số sản phẩm hàng hóa sản xuất tập trung quy mô lớn tại địa phương. Cụ thể, vùng trồng trọt tập trung gồm: Trồng cam tại các xã Bản Sen, Vạn Yên nhân rộng diện tích sản xuất tại Đài Xuyên, Đoàn Kết, Bình Dân với tổng diện tích 450-500ha; trồng đào tập trung ở xã Hạ Long, nhân rộng diện tích sản xuất tại Đài Xuyên, Đoàn Kết, Bình Dân, Vạn Yên phấn đấu mở rộng diện tích hằng năm từ 10-15ha đạt diện tích trồng đào đến năm 2020 là 120-150ha; vùng nuôi nhuyễn thể đến năm 2020 diện tích ổn định đạt 1.550ha; vùng nuôi cá và thuỷ sản khác tập trung ở các xã Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Bản Sen, Hạ Long.
Đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tập trung trồng các loại cây chủ lực, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình, từng bước giảm nghèo vươn lên làm giàu. Hộ ông Lê Xuân Lộc ở thôn 5, xã Hạ Long hiện đã có trên 1.000 gốc đào. Ông cho biết, từ đầu năm 2013 huyện triển khai dự án áp dụng kỹ thuật trồng cây đào bằng ghép nhánh từ cây đào gốc Vân Đồn thay thế cho cách trồng đào truyền thống trước đây. Theo đó, kỹ thuật mới đã lai tạo ra đào có thế đẹp, thời gian trồng chỉ 2 đến 3 năm là có thể bán trên thị trường, rút ngắn thời gian từ 3 đến 5 năm so với trồng đào ươm hạt truyền thống. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới cho toàn bộ diện tích trồng đào của nhà mình, vườn đào của ông đã cho giá trị kinh tế cao vào vụ hoa Tết năm trước. Cùng với các hộ trồng đào, những hộ trồng cam, nuôi trồng thủy sản cũng cho thu nhập khá. Hiện các xã cũng đã khuyến khích người dân phát triển sản phẩm thế mạnh của mình, bước đầu hình thành được nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Tiêu biểu như xã Vạn Yên đã xây dựng đề án trồng cây cam bản địa theo hướng VietGAP, giai đoạn đầu (từ năm 2013-2015) đã trồng được gần 100ha cam; xã Hạ Long đã quy hoạch được 30ha trồng đào, quy hoạch vùng nuôi nhuyễn thể, cá lồng bè ở Bản Sen, Thắng Lợi, Đông Xá… Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện; đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 85%; hệ thống kênh mương nội đồng được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ lãi suất tín dụng theo cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, để hỗ trợ đối với một số sản phẩm đặc thù trên địa bàn, trong 2 năm huyện đã hỗ trợ sản xuất 15 dự án với kinh phí phê duyệt hỗ trợ là trên 3,85 tỷ đồng. Hiện Vân Đồn đang tiếp tục thẩm định 4 dự án khác với kinh phí xây dựng trên 1,5 tỷ đồng. Huyện cũng hỗ trợ lãi suất vốn vay tín dụng cho 86 hợp đồng tín dụng với kinh phí hỗ trợ là 2,29 tỷ đồng, đang thẩm định 47 hợp đồng tín dụng khác với kinh phí dự kiến hỗ trợ trên 900 triệu đồng. Từ việc ưu tiên hỗ trợ các dự án đã khuyến khích nhiều hộ gia đình tham gia phát triển sản xuất tập trung. Đến nay, diện tích cây cam được mở rộng lên đến trên 300ha. Sản lượng cam ước đạt 700-800 tấn/năm với mức thu nhập bình quân ước đạt từ 300-450 triệu đồng/ha. Tổng diện tích trồng đào toàn huyện ước đạt 68,7ha, tăng 10,7ha so với năm 2016, đạt 53,3% so với quy hoạch vùng sản xuất đào tập trung trên địa bàn huyện đến năm 2020. Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy hoạch vùng nuôi nhuyễn thể tại xã Bản Sen 750ha, Hạ Long 250ha, Thắng Lợi 150ha, Đông Xá 230ha, Ngọc Vừng 100ha với đối tượng nuôi chủ yếu là hàu Thái Bình Dương, ngao giá, ốc các loại...; diện tích quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè 200ha, với trên 4.700 ô lồng nuôi cá biển, đối tượng nuôi chủ yếu là cá song, cá giò, cá hồng…
Trong năm 2016-2017, 7 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 21 HTX; 6 tổ hợp tác có hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Một số HTX đã phát huy vai trò, lợi thế liên doanh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp làm tăng giá trị hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các xã viên và HTX, điển hình như : HTX 10-10, HTX Nông trang tại xã Vạn Yên… Những kết quả bước đầu về phát triển vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Vân Đồn sẽ tạo bước đột phá trong nông nghiệp của huyện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần cải thiện đời sống của nông dân theo hướng làm giàu bền vững.
HẢI HẬU
23:13 03/01/2025
14:35 01/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh