17:50 03/01/2022 Với 2 Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển đoạn trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1), huyện Vĩnh Bảo tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB thực hiện dự án.
Những dự án kết nối vùng
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển đoạn trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo (tuyến đường từ Lạng Am đến đường ven biển) được UBND thành phố khởi công từ năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.343 tỷ đồng.
Dự án có nhiệm vụ, nâng cấp tuyến đường cũ từ cầu Lạng Am đang sử dụng đến xã Trấn Dương và tiếp tục làm thêm tuyến đường nối từ xã Trấn Dương vượt sông Thái Bình để kết nối với đường ven biển (trên địa bàn huyện Tiên Lãng).
Theo đó, tổng chiều dài tuyến 9,47km, trong đó mở rộng trên đường cũ dài 5,28km, làm mới 3,85km đường từ xã Trấn Dương đến đường ven biển, chiều dài đoạn trùng dự án 0,34km.
Toàn tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, mặt cắt ngang từ 12 đến 14 m, kết cấu mặt đường cấp cao A1. Trên tuyến đường xây mới 2 cầu vĩnh cửu vượt sông.
Việc tuyến đường từ cầu Lạng Am đến đường ven biển khi đưa vào sử dụng góp phần đưa Vĩnh Bảo trở thành đầu mối giao thông phía Nam thành phố trong quá trình liên kết vùng duyên hải Bắc bộ.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1) cũng là một dự án trọng điểm. Hải Phòng là 1 trong 8 tỉnh, thành có tuyến QL 37 chạy qua với điểm cuối tại ngã ba Cò Nòi thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với tổng chiều dài 485 km. Đây là tuyến đường quan trọng về mặt kinh tế, chính trị và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Do vậy, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường là nhu cầu cấp thiết để phát triển KTXH với các địa phương có tuyến đường đi qua. Theo đó, điểm đầu tuyến tại KM9+593,42 là điểm giao với đoạn tuyến đầu cầu sông Hóa kết nối với địa bàn tỉnh Thái Bình, điểm cuối tuyến tại KM21+220 là điểm giao với QL37 kết nối với địa bàn tỉnh Hải Dương.
Dự án đi qua địa bàn 9 xã với chiều dài 11,627 km, gồm: Vĩnh Long, Hùng Tiến, Tân Hưng, Nhân Hòa, Vĩnh Quang, Đồng Minh, Thanh Lương, Liên Am và Cao Minh. Tổng mức đầu tư dự án là 628.444 triệu đồng, từ ngân sách nhà nước. Hiện chủ đầu tư đang triển khai thi công dự án, đảm bảo tiến độ trong năm 2022 đưa vào sử dụng.
Tập trung đẩy nhanh GPMB
Với việc xác định là dự án trọng điểm nằm trên địa bàn huyện, ngay sau khi khởi công dự án, huyện Vĩnh Bảo chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp với chủ đầu tư thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Bảo cho biết, Dự án đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển bắt đầu triển khai GPMB từ tháng 11-2019. Đơn vị đã phối hợp với 5 xã: Lý Học, Tam Cường, Cổ Am, Vĩnh Tiến và Trấn Dương có tuyến đường đi qua thực hiện các công việc phục vụ cho GPMB.
Qua rà soát, tổng số hộ dân thu hồi đất, tháo dỡ tài sản 686 hộ và 5 tổ chức. Trong đó: đất nông nghiệp 118 hộ; đất hành lang giao thông và đất ở 568 hộ. Đến nay, số hộ đã nhận tiền: 490 hộ đạt 91,4% so với các hộ đã phê duyệt phương án, số tiền đã nhận 144,3 tỷ đồng. Số hộ chưa phê duyệt phương án 150 hộ.
Tam Cường là địa phương có số hộ thuộc diện GPMB lớn với tổng số hộ 129 hộ, chiều dài 2 bên đường là 1.241 m. Tổng diện tích đất thu hồi: 9.551,8 m2, trong đó: đất ở 9.429 m2; đất công trình giao thông 122,8 m 2. Tuy nhiên, theo chính quyền xã Tam Cường đến nay địa phương mới phê duyệt được phương án cho 36 hộ, số tiền phê duyệt là 8,4 tỷ đồng.
Nguyên nhân tình trạng trên do hồ sơ quản lý đất đai chưa đầy đủ, công tác tác xác định nguồn gốc đất của các hộ phía bờ sông gặp khó khăn do UBND xã không có tài liệu trước năm 1980 hoặc không có hồ sơ giao đất vào thời điểm giao đất của các hộ.
Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1), tổng số hộ dân phải thực hiện thu hồi đất, tháo dỡ tài sản là 966 hộ; trong đó: đất nông nghiệp 892 hộ với diện tích là 23,9 ha, đất ở 23 hộ với diện tích là 0,48 ha, đất khác là 51 hộ, diện tích là 2,08 ha.
Tính đến ngày 24-12, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Bảo phối hợp với các địa phương đã chi trả 533 hộ, đạt 65% so với các hộ đã duyệt phương án, tổng số tiền 60,7 tỷ.
Ông Đào Xuân Luân- Chủ tịch UBND xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo cho biết: Ngay sau khi triển khai dự án, địa phương đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật đất đai, chính sách bồi thường GPMB đến nhân dân và các hộ dân có đất thuộc diện GPMB sớm bàn giao đất cho đơn vị thi công, để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo, để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND huyện đề nghị thành phố: hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp thu hồi đất vườn, ao các hộ sử dụng từ trước năm 1980.
Đối với việc di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật cần ban hành cơ chế hỗ trợ để các đơn vị di dời, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn tất thủ tục tiến hành xây dựng khu tái định cư của các xã và bố trí kinh phí chi trả GPMB đối với Dự án nâng cấp, mở rộng QL 37 đoạn chạy qua địa phận Hải Phòng.
TRUNG KIÊN
23:15 11/01/2025
11:33 10/01/2025
20:58 14/12/2024
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh