19:17 27/04/2023 Nghị quyết đại hội lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo xác định phát triển công nghiệp là đột phá, nông nghiệp là trọng tâm, từng bước CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, hoàn thành xây dựng xã NTMKM vào năm 2025. Đây là những mục tiêu có tính phấn đấu rất cao bởi từ bao năm nay, Vĩnh Bảo vẫn được coi là huyện thuần nông. Tại cuộc làm việc mới đây của Thường trực Thành ủy với BCH Đảng bộ huyện, những mục tiêu này được nhìn nhận, đánh giá, phân tích, tìm ra những điểm hạn chế và xốc lại quyết tâm, đề ra các giải pháp để Vĩnh Bảo vững vàng trên cả “3 chân”: công nghiệp-thương mại, dịch vụ-nông nghiệp.
Tập trung cao phát triển kết cấu hạ tầng
Là huyện xa nhất của Hải Phòng trên đất liền, với diện tích đất nông nghiệp 12.799 ha, lớn nhất thành phố nên trong rất nhiều năm, Vĩnh Bảo chủ yếu trông chờ vào nông nghiệp là chính. Nhìn rõ điểm mạnh cũng là điểm yếu này nên từ nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020- 2025, thành phố quan tâm, huyện nỗ lực, tập trung cao phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối, quyết tâm thoát khỏi thế thuần nông. Đây chính là điểm đột phá mấu chốt để Vĩnh Bảo có điều kiện bứt phá đi lên, tăng tốc phát triển theo hướng CNH- HĐH.
Về Vĩnh Bảo hôm nay, thật dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt trên mỗi con đường, mỗi thôn xã, làng xóm. Từ năm 2016 tới nay, Vĩnh Bảo đã thực sự đổi khác nhờ một loạt công trình hạ tầng giao thông được thành phố tập trung nguồn lực thực hiện. Đó là tuyến đường từ cầu Lạng Am tới cầu Nhân Mục với tổng vốn đầu tư hơn 1300 tỷ đồng, khánh thành năm 2019, được coi là tuyến đường đôi độc đáo, đẹp nhất của thành phố và cả vùng, là sự khởi đầu cho sự bứt phá tăng tốc của huyện.
Bởi đây là công trình giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía nam thành phố, giúp nâng cao hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37 đi qua huyện Vĩnh Bảo. Đặc biệt, tuyến đường sẽ kết nối các địa phương khác với Khu du tịch quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau khi tuyến đường được hoàn thành, diện mạo huyện Vĩnh Bảo thực sự đổi mới, khởi sắc, giá trị đất đai tăng lên nhanh chóng, là cơ sở để hấp dẫn các nguồn lực đầu tư khác.
Không chỉ có vậy, với mục tiêu phát triển khu vực phía nam, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cầu sông Hóa nối Vĩnh Bảo với Thái Bình; cầu Đăng, cầu Hàn nối Tiên Lãng với Vĩnh Bảo; kêu gọi đầu tư mở rộng tuyến đường 10 theo hình thức BOT cùng các con đường kết nối khác tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, rộng rãi, hiện đại. Đồng thời tiếp tục đầu tư tuyến đường từ cầu Lạng Am tới đường bộ ven biển và một loạt các tuyến đường liên xã, liên huyện khác.
Cùng với đó,huyện Vĩnh Bảo đề xuất và được thành phố tập trung quy hoạch phát triển các KCN, CCN trên địa bàn. Xã Tân Liên là một trong 8 xã đầu tiên của Hải Phòng được đầu tư xây dựng xã NTMKM, được coi là hình mẫu lý tưởng của nông thôn mới hiện đại, là đô thị nông thôn đáng sống. Đến nay, Vĩnh Bảo có thêm 2 xã nữa cơ bản hoàn thành tiêu chí NTMKM là Tam Đa, Hòa Bình; 4 xã Nhân Hòa, Tân Hưng, Liên An, Vĩnh Phong đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao...
Từ đây, sức hấp dẫn của Vĩnh Bảo tăng lên rõ rệt. Là huyện xa nhất thành phố nhưng giá trị đất đai tăng lên nhanh chóng, nhiều khu vực giá đất lên tới 20-30 triệu đồng, thậm chí 50-70 triệu đồng/m2. Quan trọng hơn là đã có nhiều nhà đầu tư tìm về Vĩnh Bảo để phát triển các mô hình nông nghiệp cao như khu VinEco; khu của công ty Hiền Lê; công ty Kỳ Duyên...
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo Phạm Tuyên Dương cho biết, nông nghiệp của huyện thực sự đổi mới, khởi sắc khi được đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, cơ giới hóa, đặc biệt là có các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huyện hiện có 209 ha các vùng sản xuất lúa hữu cơ có liên kết và tiêu thụ sản phẩm tại các xã Đồng Minh, Trấn Dương, Trung Lập, Vĩnh Long, Vĩnh An, Tiền Phong, Vĩnh Phong, Hùng Tiến... Các vùng dưa, vùng ổi, vùng thuốc lào, vùng rươi... của Vĩnh Bảo ngày càng nổi tiếng, giá trị kinh tế tăng cao, góp phần mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Cũng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kết cấu hạ tầng, đường đi lối lại thuận tiện (từ trung tâm thành phố về tới huyện chỉ mất hơn 40 phút) nên Vĩnh Bảo đã có các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị mới (khu dân cư thị trấn Vĩnh Bảo 9,8ha; khu dân cư nông thôn mới Nhân Hòa 47,5 ha; khu nhà ở xứ Đồng Chin, thị trấn Vĩnh Bảo 9,91 ha... Sức hấp dẫn phát triển các KCN, CCN cũng rất lớn, tạo đà cho Vĩnh Bảo đi lên.
Đổi mới, quyết liệt, tăng tốc, bứt phá
Có thể nói, Vĩnh Bảo đã có nền tảng, có cơ sở, điều kiện để phát triển hơn các giai đoạn trước rất nhiều, tiềm năng cũng vô cùng rộng mở. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả qua hơn 2 năm đưa nghị quyết đại hội 26 của Đảng bộ huyện vào cuộc sống, nhiều chỉ tiêu còn đạt thấp; một số chỉ tiêu rất thách thức. Đây chính là điều mà các đồng chí trong Thường trực Thành ủy yêu cầu huyện Vĩnh Bảo phải phân tích, làm rõ và tìm ra giải pháp khắc phục ngay.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ, kết quả phát triển KTXH của Vĩnh Bảo chưa thật nổi trội; sản xuất nông nghiệp vẫn là chính nên ít phát sinh nguồn thu đột biến dẫn tới số thu ngân sách chưa cao. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh, huyện đặt ra 3 khâu đột phá (đổi mới phương thức lãnh đạo; phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) là đúng nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Chỉ số CCHC còn ở mức thấp; GPMB còn chậm, còn nhiều vấn đề, còn “rón rén”, ảnh hưởng tới sự phát triển.
Từ đó, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu Vĩnh Bảo phải đoàn kết, phải có giải pháp, phải quyết liệt để thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra cho tới năm 2025. Cụ thể, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo Vĩnh Bảo cần đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ, bởi có cán bộ tốt thì công việc mới tốt; chú trọng quy hoạch cán bộ, bảo đảm 3 độ tuổi, quan tâm cán bộ trẻ cán bộ nữ; bổ sung cán bộ chuyên ngành đất đai, nông nghiệp, kinh tế...
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, từ mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Thường vụ, Ủy viên BCH, đến cuối nhiệm kỳ đánh giá cán bộ dựa vào kết quả. Đồng thời tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án đầu tư; thực hiện chuyển đổi số; nâng cao thứ hạng CCHC; tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch , đất đai, tài nguyên, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành xây dựng xã NTMKM vào năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, để hỗ trợ Vĩnh Bảo phát triển, thành phố tiếp tục đầu tư một số dự án chiến lược trên địa bàn như cầu Nghìn 2; cầu vượt sông Hóa và đoạn tuyến qua Hải Phòng của tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; đường nối từ CCN Giang Biên tới đường 10; đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến quốc lộ 10 huyện Vĩnh Bảo... Như thế tiềm năng, cơ hội là rất lớn và việc của huyện là phải làm tốt công tác GPMB; rà soát lại các trường hợp vi phạm, lấn chiếm trong phạm vi các dự án và nhanh chóng xử lý... Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, mặc dù Huyện ủy đã có nghị quyết riêng về GPMB nhưng chưa thật quyết liệt, hiệu quả, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến đồng bộ hơn nữa.
Theo đồng chí Đào Trọng Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Vĩnh Bảo có lợi thế rất lớn về lao động (số người trong độ tuổi lao động lên tới hơn 100.000 người); có truyền thống hiếu học nên con đường đi lên của Vĩnh Bảo chính là phát triển công nghiệp đi đôi với CNH nông nghiệp. Thuận lợi cơ bản là Vĩnh Bảo đã có CCN Tân Liên hiện đã đi vào hoạt động rất hiệu quả; được quy hoạch các KCN Giang Biên; Vinh Quang; An Hòa; các CCN Giang Biên; Dũng Tiến- Giang Biên...
Vấn đề đặt ra là Vĩnh Bảo cần tích cực, chủ động phối hợp với các ngành thành phố để nhanh chóng xây dựng các KCN, CCN, tận dụng thế mạnh về nguồn lao động tại địa phương. Đồng chí Đào Trọng Đức cũng gợi mở hướng đề xuất với Chính phủ xem xét đưa các KCN của Vĩnh Bảo nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải để tăng các lợi thế thu hút đầu tư...
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Quang Hải bổ sung thêm,diện tích đất công nghiệp của Vĩnh Bảo là 1200 ha, rất lợi thế. Tuy nhiên, muốn có được các KCN, CCN mới thì CCN hiện có phải được lấp đầy. Do đó, huyện cần đẩy mạnh GPMB, tăng tốc CCHC, thu hút đầu tư mạnh mẽ đối với các CCN đã được phê duyệt để tạo tiền đề phát triển các CCN mới. Giám đốc Sở Tài chính Lương Văn Công nêu rõ, hiện thu ngân sách của huyện Vĩnh Bảo mới đạt hơn 300 tỷ đồng/năm. Để đạt tới con số 600 tỷ đồng vào năm 2025 thì Vĩnh Bảo phải trông vào công nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Như thế, định hướng phát triển của huyện Vĩnh Bảo đã rất rõ ràng và cụ thể. Nghị quyết đại hội 26 của Đảng bộ huyện đề ra cơ cấu kinh tế đến năm 2025 là nông nghiệp, thủy sản dưới 12%; công nghiệp, xây dựng trên 60%; thương mại, dịch vụ trên 28%. Tỷ trọng tương ứng tới thời điểm này mới là 20,5%- 51,4%- 28,1%. Do đó, Vĩnh Bảo cần phải nỗ lực phấn đấu rất cao, phải đứng vững trên cả 3 chân: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp mới hoàn thành các mục tiêu đề ra, xây dựng Vĩnh Bảo phát triển nhanh, vững mạnh như mong muốn của các đồng chí lãnh đạo thành phố và người dân huyện Vĩnh Bảo./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh