11:52 20/05/2020
Sáng ngày 20-5, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp được diễn ra với hình thức trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội trong cả nước. Dự phiên khai mạc kỳ họp tại Hà Nội có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Đoàn ĐBQH Hải Phòng thực hiện nghi lễ chào cờ phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu HP
Tham dự phiên khai mạc tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐQBH Hải Phòng. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP; Vũ Anh Thư, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN thành phố; các vị trong Đoàn ĐBQH Hải Phòng.
Đoàn ĐBQH Hải Phòng tham dự kỳ họp tại điểm cầu Hải Phòng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và Việt Nam. Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa,… và đời sống của Nhân dân cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực trong cả nước, như: tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Trước những khó khăn, thách thức đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020;phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó,các vị đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Cũng tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, phê chuẩn 03 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác; khẳng định quyết tâm của nước ta trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các Hiệp định thương mại; thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam.Việc phê chuẩn các điều ước quốc tế này là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, lao động và xã hội.
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ĐBQH TP Hải Phòng) báo cáo trước Quốc hội
Trong phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo bổ sung về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình thế giới, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỳ do tác động của đại dịch Covid-19.Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” – vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Trong khó khăn như vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,02%, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 517 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước vượt 9,9%, dự toán nợ công ở mức 54,7%...
Những tháng còn lại của năm 2020 và trong thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa trao đổi với các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Cũng trong phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; nghe Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9; nghe Trưởng Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; nghe Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định tự do thương mại ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Cùng với đó, Quốc hội cũng đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) và Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV dự kiến bế mạc vào ngày 18-06-2020.
THẾ KHOA
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh