20:28 18/12/2024 Chiều 18-12, Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị công bố nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng và nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự. Cùng dự có các đồng chí Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Về phía lãnh đạo thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ; Phó chủ tịch HĐND; UBND thành phố; lãnh đạo các ban, ngành; các địa phương…
Tại hội nghị đã công bố nghị quyết số 169 ngày 30-11-2024 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; nghị quyết số 1232 ngày 24-10-2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023- 2025.
Thành uỷ Hải Phòng ban hành chỉ thị; quyết định thành lập các BCĐ; UBND thành phố ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nghị quyết.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của Hải Phòng, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tiết kiệm chi cho ngân sách, nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nhân dân; giữ vững QPAN.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và nhân dân.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thành phố Hải Phòng tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo đúng tinh thần của nghị quyết, đảm bảo tính ổn định, thống nhất, không gây gián đoạn trong hoạt động quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp sau khi sắp xếp, bảo đảm tính thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thành phố Hải Phòng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa các Nghị quyết. Cùng với đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến thay đổi giấy tờ, hồ sơ của người dân và doanh nghiệp sau sắp xếp; giải quyết thấu đáo các vướng mắc, kiến nghị phát sinh trong quá trình triển khai; bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động, nhất là những người chịu tác động từ việc tinh giản biên chế hoặc sắp xếp lại vị trí việc làm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quan trọng nhất trong việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là kinh tế xã hội của địa phương phát triển hơn, doanh nghiệp được phục vụ thuận lợi hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tốt hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, trao truyền và phát huy hiệu quả hơn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hải Phòng cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền thành phố trong các lĩnh vực như quản lý đô thị, quy hoạch, đầu tư, tài chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội phù hợp với quy mô, đặc thù của các đơn vị hành chính sau sắp xếp. Đồng thời, tập trung nguồn lực vào phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo sức hút các nhà đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là chú ý bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy việc, chạy chức, chạy quyền.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để xứng đáng là một cực tăng trưởng, động lực phát triển cho khu vực và cả nước; trở thành một thành phố hiện đại, đi đầu, sớm hoàn thành sự nghiệp CNH- HĐH, khẳng định vị thế đối với đất nước và cả khu vực và quốc tế, Hải Phòng cần có chính sách, cơ chế đặc thù để đáp ứng được yêu cầu phát triển, cất cánh, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể của thành phố cần quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả chỉ đạo, mong muốn của Tổng bí thư Tô Lâm khi về làm việc với Hải Phòng ngày 14-11. Theo đó, Hải Phòng cần tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò và vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng", tinh thần sáng tạo, tiên phong, Hải Phòng sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực; cải cách, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trước mắt, Hải Phòng thực hiện tốt Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; chuẩn bị chu đáo để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp của thành phố, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Đồng chí Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu nêu rõ, các nghị quyết đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Theo đó, thành phố Hải Phòng sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; tại các quận và phường sẽ không tổ chức HĐND. Đồng thời, Hải Phòng sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thành lập thành phố Thủy Nguyên và quận An Dương trực thuộc thành phố Hải Phòng; giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã (tương ứng 23% tổng số đơn vị hành chính cấp xã toàn thành phố, giảm nhiều thứ 2 cả nước).
Việc triển khai thực hiện đồng thời 2 Nghị quyết nêu trên là bước đột phá trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản trị, điều hành của chính quyền thành phố Hải Phòng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong giai đoạn tới, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của tổ chức chính quyền thành phố hiện nay.
Đồng thời, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương của thành phố; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đồng chí Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh, đây chính là cơ hội, tiền đề để thành phố Hải Phòng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tự tin bứt phá như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Biến Hải Phòng thành Singapore thứ hai”. Đồng thời thể hiện quyết tâm của thành phố Hải Phòng thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội.
Nhân dịp này, UBND thành phố tặng bằng khen 35 tập thể và 61 cá nhân./.
Hồng Thanh
20:15 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh