08:45 21/12/2019 Từ địa thế sông núi hiểm trở quanh bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên vừa được khai quật, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu Việt Nam nhận định, nơi đây có thể là chiến trường chính, một "gọng kìm" để ngăn bước quân xâm lược Nguyên Mông, dập tắt tham vọng xâm lược nhiều quốc gia khác trong khu vực...
Từ địa thế sông núi hiểm trở quanh bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên vừa được khai quật, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu Việt Nam nhận định, nơi đây có thể là chiến trường chính, một "gọng kìm" để ngăn bước quân xâm lược Nguyên Mông, dập tắt tham vọng xâm lược nhiều quốc gia khác trong khu vực....
Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành khảo sát bãi cọc Bạch Đằng mới phát lộ
Chiều 20-12, Đoàn các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực Sử học, Khảo cổ học, Địa chất, Khoa học Xã hội và Nhân văn đã khảo sát tại khu vực khảo cổ bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã tiếp đoàn. Cùng tham gia đoàn khảo sát, về phía thành phố Hải Phòng còn có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, Sở Văn hóa và thể thao, Bảo tàng Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên và xã Liên Khê.
Trải qua nghìn năm, bãi cọc - vũ khí bí mật đánh tan quân Nguyên - Mông hùng mạnh - bị vùi lấp bởi nhiều lớp sa bồi
Trước đó, như Báo An ninh Hải Phòng đã đưa tin, vào chiều 1-10, ông Nguyễn Tuân Triệu, ở thôn 3, thuộc làng Mai Động, xã Liên Khê, Thủy Nguyên trong lúc đào vườn bất ngờ phát hiện 2 cọc gỗ được chôn sâu dưới lòng đất tại khu vực trên.
Khi phát lộ, 2 chiếc cọc có bề mặt màu nâu đen, thân hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng và hơi vát nghiêng. Chiều dài một cọc hơn 4 mét, cọc còn lại hơn 3 mét và cùng đường kính hơn 30cm, đóng vào lớp phù sa màu hồng. Ngay khi nhận tin báo, UBND xã Liên Khê đã cử lực lượng, thống nhất cùng gia đình ông Triệu chuyển 2 cọc gỗ trên để lưu giữ tại xã.
Bảo tàng Hải Phòng đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học Việt Nam giám định niên đại. Kết quả giám định bằng Các- bon 14 (C14) cho niên đại vào những năm 1270-1430.
Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã xuống hiện trường khảo sát và phát hiện chín đầu cọc tương tự. Được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hải Phòng đã khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ.
Nhiều nhà khoa học đã lý giải về các lớp trầm tích lịch sử được ghi dấu trên các lớp đất bao bọc cọc Bạch Đằng
Kết quả khai quật 950 m2, với ba hố khai quật đã phát hiện 27 cọc. Nghiên cứu địa tầng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn hoặc đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ. Trên các cọc có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang...
Trong quá khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, các dòng sông cổ, các bến cổ thuộc xã Liên Khê. Trong quá trình khảo sát được nhân dân địa phương cho biết, trước đó tại cánh đồng Cao Quỳ và cánh đồng Quỳ Khê (tại đầu Núi Chẹo và Hang Trê) cùng xã phát hiện hàng chục cọc gỗ có hình dáng tương tự...
Các nhà khảo cổ đánh dấu mẫu khai quật tại Bãi cọc Cao Quỳ
Ngoài việc khảo sát hệ thống cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ và cánh đồng làng Quỳ Khê, Bảo tàng Hải Phòng và Viện Khảo cổ còn nghiên cứu các di tích đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Mông - Nguyên năm 1288.
Qua khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê cho thấy, các cọc phân bố theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26 - 46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo, các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy các cọc gỗ có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.
Tại các hố khai quật còn nhiều lớp trầm tích khác thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu
Chiều 20-12, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã tham quan khu vực khảo cổ và đưa ra nhiều nhận định về bãi cọc mới phát lộ này. GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Giáo dục ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học nhiệm kỳ 2018 - 2019, nhấn mạnh về ý nghĩa của trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288) với "vũ khí" huyền thoại là những cây cọc trồng dưới lòng sông Bạch Đằng. Ông cho biết, trận chiến không chỉ mang ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền nước ta mà còn mang ý nghĩa quốc tế.
Dấu ấn thời gian để lại trên "vũ khí" một thời hào hùng của người xưa
Theo tài liệu lịch sử, Liên Khê xưa kia thuộc tổng Trúc Động, huyện Thuỷ Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là vùng đất phù sa có lịch sử lâu đời, nằm trên mạch núi già của vòng cung Đông Triều. Con người đến sinh cơ lập nghiệp tại mảnh đất này từ rất sớm. Đặc biệt, nơi đây còn lưu truyền nhiều câu chuyện, huyền tích lịch sử về những chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Trúc Động (tên cũ của Liên Khê) làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống đạo thuỷ binh của đế quốc Nguyên - Mông.
Liên quan đến chiến thắng trên sông Bạch Đằng, Chủ tịch UBND xã Liên Khê Nguyễn Tiến Tập cho biết, hiện xã có cụm di tích gồm 3 điểm được công nhận là di tích cấp quốc gia là Chùa Mai Động, Chùa Thiểm Khê và Đền Thụ Khê. Khu vực phát lộ 2 cọc gỗ đầu tiên dẫn đến cuộc khảo cổ nằm trên cửa một dòng kênh của sông Đá Bạc...
Dựa trên kết quả khảo sát khảo cổ học kết hợp với các tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian… còn lưu giữ tại địa phương, các nhà khoa học bước đầu nhận định di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1288.
Ngày 21-12, Thành ủy Hải Phòng sẽ tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn về nhận định này.
HẢI HẬU
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh