19:28 17/01/2018 Sáng 17-1, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã tiếp đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ tại thành phố Hải Phòng.
Quang cảnh buổi làm việc
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phạm Văn Hà; Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Bùi Thanh Tùng và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Trên địa bàn thành phố hiện có 13 đơn vị được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó có 2 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và 11 doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn có các đơn vị của quân đội, trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Các tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ kịp thời cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường trên địa bàn thành phố.
Trang thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ được quan tâm đầu tư hiện đại nên công tác đo đạc, lập bản đồ được thực hiện nhanh chóng, chính xác và đầy đủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu
Cuối năm 1995, TP Hải Phòng được Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng và bàn giao mạng lưới địa chính cơ sở phủ trùm toàn thành phố, tổng số điểm 284 điểm; xây dựng 799 điểm lưới địa chính cấp 1 và 1569 điểm địa cấp 2. Tình trạng các mốc địa chính cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình, dự án lớn của thành phố. Hồ sơ lưới khống chế tọa độ được lưu trữ ở Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đủ đáp ứng yêu cầu khai thác của các tổ chức, cá nhân.
Năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho thành phố 510 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1/2.000 (chiếm khoảng 43% diện tích thành phố) và 67 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 phủ trùm toàn thành phố.
Thành phố hiện có 108/224 xã, phường, thị trấn được đo vẽ bàn đồ địa chính với diện tích là 71.878,2/152.336,9ha đạt 48,2% về số xã, phường, thị trấn và 47,2% về diện tích.
Thành phố thành lập 3 bộ hồ sơ và bản đồ địa giới hành chính cấp thành phố; 52 bộ hồ sơ cấp huyện và 1.080 bộ hồ sơ cấp xã. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có dữ liệu về hệ thống bản đồ chuyên đề: Bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng, giao thông, nông nghiệp; Bản đồ thổ nhưỡng, các bản đồ chuyên đề khác.
Trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, thành phố đã ban hành các văn bản về: mức thu phí đo đạc lập bản đồ địa chính, phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất, phí khai thác sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn thành phố; Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố; Đơn giá khảo sát, xây dựng; Giá dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mới hoặc cho phép thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có tọa độ trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại cuộc họp
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, thành phố đề xuất Quốc hội sớm thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ; các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành Dự án 513 về phân định địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố, xác định địa giới khu vực biển với địa phương giáp biển trình Quốc hội phê duyệt làm căn cứ thực hiện quản lý theo địa giới hành chính cùng nhiều nội dung khác.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chúc mừng những kết quả thành phố đạt được trong thời gian qua, đã hoàn thành xuất sắc vượt mức các kế hoạch đề ra.
Liên quan đến công tác đo đạc bản đồ, đồng chí đánh giá hoạt động này đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý, giám sát tài nguyên môi trường; đồng thời Hải Phòng đã có những góp ý cụ thể về các nội dung của dự án luật, Đoàn sẽ tiếp thu báo cáo trình Quốc hội.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cảm ơn Đoàn công tác đã giành thời gian và có ý kiến thông tin trao đổi với thành phố để thực hiện tốt hơn; tiếp thu các ý kiến đoàn và sẽ hoàn thiện báo cáo gửi chính thức cho Đoàn trong thời gian tới.
HẢI HẬU
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh