Khát vọng sống phi thường của một người tàn tật

16:06 19/02/2011

Những ngày đầu năm, tôi có dịp đến thăm Trung tâm Bảo trợ Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Trong cuộc tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh nơi đây, có một nhân vật khiến tôi xúc động và cảm phục về nghị lực sống phi thường. Đó là Phạm Minh Giắng (62 tuổi) đã 45 năm bị bại liệt trên giường bệnh, nhưng ông vẫn lạc quan, khao khát sống để được làm thơ và vui với cuộc đời…
Những ngày đầu năm, tôi có dịp đến thăm Trung tâm Bảo trợ Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Trong cuộc tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh nơi đây, có một nhân vật khiến tôi xúc động và cảm phục về nghị lực sống phi thường. Đó là Phạm Minh Giắng (62 tuổi) đã 45 năm bị bại liệt trên giường bệnh, nhưng ông vẫn lạc quan, khao khát sống để được làm thơ và vui với cuộc đời…

Ông Phạm Minh Giắng
Ông Phạm Minh Giắng

Cuộc đời nghiệt ngã

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, tuổi thơ của Phạm Minh Giắng là một chuỗi dài đầy nghiệt ngã và bất hạnh. Chưa đầy 1 tuổi, cậu bé Giắng đã phải chịu cảnh tang tóc, đau thương bởi mồ côi cha. Cha Giắng là một chiến sỹ xung kích của Trung đoàn 42, đã anh dũng hy sinh khi cùng đơn vị tấn công vào một đoàn xe của lính Pháp. Năm 2 tuổi, mẹ Giắng lại đột ngột ra đi sau cơn bạo bệnh, để lại một mình cậu bơ vơ trong căn nhà tranh vách đất.

Không cha, không mẹ, Giắng được bà nội đem về nuôi dưỡng. Cuộc sống miền quê nghèo, bà cháu rau cháo nuôi nhau. Khi bà nội bị bệnh mất, Giắng được người bác ruột và họ hàng đùm học, cưu mang. Tưởng rằng, số phận éo le cướp đi niềm hạnh phúc của Giắng như thế đã là quá đủ. Thế nhưng, năm 13 tuổi, khi đang học lớp 5 ở trường làng thì Giắng mắc bệnh thấp khớp nặnga, các khớp chân tay, và hoàn thân đau nhức đến tê dại. Ông Giắng tâm sự: “Lúc đó, tôi thường xuyên bị những cơn đau hành hạ và phải bỏ học giữa chừng để điều trị căn bệnh quái ác. Mặc dù người thân đã đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi nhưng cũng đành bất lực, căn bệnh nan y đã quật ngã và buộc tôi phải nằm liệt giường đến nay đã gần 45 năm”.

Anh em họ hàng thân thiết không còn ai để nương tựa, nên đã 26 năm nay, Phạm Minh Giắng sống nhờ vào tình thương và sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên và những mảnh đời bất hạnh khác ở Trung tâm Bảo trợ tỉnh Thái Bình. Với tấm thân teo tóp, hình hài dị dạng, chân tay khẳng khuyu bởi nằm liệt lâu ngày, lại liên tục bị như cơn đau vò xé cơ thể khiến Giắng phải sống trên giường bệnh với tư thế duy nhất là nằm ngửa. Mọi sinh hoạt cá nhân như: ăn, uống, vệ sinh của ông bị bó hẹp trên chiếc giường rộng 1,2m. Đó là một chiếc giường rất đặc biệt, được Trung tâm bảo trợ thiết kế riêng cho ông có gắn hệ thống công trình phụ phía dưới.

Những lúc cơn đau hành hạ khiến cơ thể ngày càng tiều tuỵ, nhiều lúc Giắng muốn buông xuôi. Nhưng ông lại nghĩ, trên thế gian này còn có nhiều người đau khổ bất hạnh hơn, mình phải cố gắng vượt lên, phải sống lạc quan hơn nữa. Ông bộc bạch: “Nỗi tủi thân của một kiếp người không cha, không mẹ, không người thân đã ở trong tôi từ nhỏ. Đến lúc ốm đau quá, đêm khuya nằm một mình vật vã thì cái nỗi tủi thân ấy tưởng đã ngủ chìm, lại thức dậy và nước mắt từ đâu lại tràn ra…”.

Vượt lên số phận

Tuy cuộc sống bó hẹp trên giường bệnh, nhưng đối với ông mỗi ngày mới là một ngày sôi động, ngọt ngào đầy hương sắc của tình yêu, sự giao hòa của đất trời, cây cỏ và chim muông. Với một nhựa sống căng đầy, những bài thơ của ông cũng ra đời từ đó. Với tư thế nằm ngửa, đôi bàn tay co quắp nhưng nét chữ của Giắng đẹp đến lạ thường, ngay cả người lành lặn nhìn vào nét chữ ấy cũng phải khâm phục. Năm 1999, Phạm Minh Giắng được in bài thơ đầu tay trên báo Nhân dân.

Nhận được đồng tiền nhuận bút mà Giắng xúc động trào nước mắt. Từ đó, ông có thêm một nghề để vui để sống, đó là làm thơ, tiểu phẩm hài và viết báo. Tính đến năm 2010, ông đã sáng tác được trên 250 bài thơ, 60 bài báo chủ yếu là tiểu phẩm hài. Đặc biệt, nhiều bài thơ của ông được website Lucbat.com đăng tải và thu hút được nhiều bạn đọc gần, xa. Bạn đọc biết đến ông không chỉ bởi nghị lực sống phi thường mà còn ở sự thông minh, dí dỏm, hóm hỉnh của một con người không may mắn.

Năm 2010, được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo trợ Xã hội Vũ Thư - Thái Bình cùng bạn đọc, ông Giắng đã mua được máy vi tính trị giá 4 triệu đồng. Đầu năm 2010, ông tiếp tục được bạn đọc ủng hộ mua thêm 1 laptop để tiện cho việc đọc báo và sáng tác thơ, văn. Để sử dụng máy vi tính thành thạo, ông tự mày mò thuộc các ký tự trên bàn phím, mua sách về học cách tạo văn bản cũng như cách vào mạng tra cứu tài liệu và đọc báo. Với đôi tay co quắp, ông phải cố hết sức dùng tay trái ghì chặt máy tính vào phần ngực, tay phải dùng chiếc que dài 30cm để gõ chữ.

Đã có nhiều tiểu phẩm hài của ông được Đài phát thanh truyền hình tỉnh Thái Bình, Đài tiếng nói Việt Nam sử dụng và được tặng nhiều giải thưởng khi ông tham dự các hội trại sáng tác… Chia tay Phạm Minh Giắng, tôi thầm cảm phục trong ông một nghị lực sống bất tận. Cầu chúc cho ông duy trì được sức khỏe, chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo của một kiếp người, một mảnh đời không may mắn.


HỒNG HẢI


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông