03:06 08/06/2017
Mua bán đồ cũ tại chợ Hàng, Hải Phòng
Những năm gần đây, người chơi cổ vật ở Hải Phòng ngày một nhiều, lối chơi cũng đa dạng, tùy “gu” và kiến thức mà sưu tầm, lưu giữ. Người mới chơi thường mua đồ sứ cuối triều Thanh (Trung Hoa) ít tiền và không cầu kì kén lựa món đồ kỹ thuật hay lành “tít”. Người trong nghề ví chúng như “giấy thông hành vào đời hoặc biên lai học phí” cho bất cứ ai khi bước vào lãnh địa kì thú này.
Có điều, không phải cứ chơi lâu là giỏi, lượng đồ nhiều thành vua đồ cổ, thành đại gia hay nhà sưu tập lớn hoặc cái này không ai có mà giá trị. Chỉ người trong cuộc, giỏi nghề theo đúng nghĩa mới hiểu thấu căn cơ, cốt lõi của giới sưu tầm, mua bán cổ vật trong bối cảnh ồn ã của sân chơi cổ vật ngày nay.
Sự lầm tưởng - do suy nghĩ đơn giản chưa thấu đáo, chưa nhận thức rõ về đồ cổ, đồ cũ dẫn tới việc lầm lẫn ở cả hai phía: người mua và người bán. Có người biết tôi cũng là dân chơi cổ vật, gặp và than phiền: “Mình mua một chiếc nậm vẽ rồng, đáy có chữ Thọ lam, tưởng nậm cổ ai dè vài người tới xem nói nậm mới nên rất buồn. Buồn không phải tiếc tiền mà vì mới chơi đã bị “bịp”.
Rõ là, người mới chơi mua món đồ làm theo lối cổ cho rằng mình mua được đồ quý giá hời. Người bán đâu cần nghĩ “thượng đế” biết đồ hay không nên bán vô tư giá nào của nấy không dẫn giải. Lại có người tuổi đã cao, chơi đồ cũng có thâm niên nhưng không biết học đâu kiến thức mà phân biệt định đời theo lối: Đồ sứ vẽ chàm là Khang Hy, vẽ màu là Càn Long còn đã men mờ da rạn hẳn là đời Minh, quý lắm.
Anh Trung, một tài danh trong làng cây cảnh nghệ thuật của thành phố gần đây cũng mon men bước vào sân chơi này bộc bạch: “Con là lính mới không hiểu đồ lắm muốn mua đôi lọ hỏi xuất xứ, niên đại thì chủ nhân không đáp, rồi bằng cử chỉ thân tình, vỗ vai - Đồ này chú em chơi rất hợp, anh bảo đảm với em là đúng đồ. Con chưa hiểu và đem điều phân vân này tới hỏi chủ một cửa hàng bán đồ cổ thì được nghe - Có nói chú cũng không hiểu, cứ chơi dăm ba năm sau sẽ rõ. Chả lẽ chơi đồ cổ khó thế sao?”.
Mới hay, khi chưa biết, cần hướng dẫn thì lời chỉ bảo lại như đưa ta dấn sâu thêm trong mông lung khó hiểu. Tác giả bài viết cũng từng có lần hỏi một người buôn bán đồ cổ thuộc loại “xông pha” đây đó (xin được giấu tên): “Ông không biết đồ mà vẫn đi mua đi bán được là làm sao?”. Ông nhìn tôi, cười thản nhiên đáp: “Anh nói đúng, tôi là người không biết đồ, tôi mua để bán cho những người không biết đồ, vẫn trôi vẫn lãi”. Thế đấy, quá chí lý.
Kiểu mập mờ gian lận quả đã khiến chơi đồ cổ là một trong nhiều lạc thú của con người. Đã bao đời và ở mọi quốc gia đồ cổ đều có đồ giả, đồ thật. Mà nếu không có đồ giả đồ thật thì theo tôi đâu còn thú vị. Vui, buồn, say mê, cay cú, trình độ cao thấp, hơn kém cũng từ vấn đề thật, giả này.
Đồ giả hay được các “quái nhân” lựa mua, đặt làm theo đúng mẫu đồ cũ từ kiểu dáng, kích thước, họa tiết, minh văn…, sau đó làm bớt độ bóng của men, mới của cốt, thậm chí còn tạo xước, tạo vỡ, bôi bẩn. Đó là “chiêu” thức thường thấy. Kẻ lịch sự thì đem cài cắm ở nơi nào đó mà nơi ấy là “tổ con chuồn chuồn” rất phù hợp với bối cảnh bán đồ này. Tiếp đến là “chiêu” đi giới thiệu, nhỏ to với ai đấy có nhu cầu thích chơi, đóng vai người tư vấn, góp ý cho “khách quan”.
Có trường hợp cả nhóm người tung, kẻ hứng tán thưởng làm người mua đinh ninh đồ thật, giá hời. Một kiểu khác nữa là tạo dựng lai lịch cho món đồ đó, nào trước kia của gia đình giàu có, tư sản, ông to bà lớn nay phải bán đi bởi trăm ngàn lý do mà người nào có duyên mới mua được.
Để thật hơn kiểu “nói có sách, mách có chứng”, họ còn có cả giấy viết, ảnh chụp kèm theo. Tội cho khổ chủ nào nếu sưu tầm, mua đồ chỉ nghe bằng tai mà bỏ qua khâu kiểm chứng. Nên biết rằng chính hiện vật mới minh chứng cho giá trị thật về kinh tế, niên đại chứ không phải chủ sở hữu là ai, được mua ở đâu qua các mĩ từ tán tụng.
Có cầu ắt có cung, đồ cổ cũng không là ngoại lệ. Phải có trao đổi, mua bán, song cái đáng nói là những người bỏ tiền thật để mua về đồ giả. Người mới chơi thường hoang mang bởi các chiêu trò trong “mê hồn trận” của cả người có nghề lẫn kẻ a dua đục nước béo cò. Dân gian có câu: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Cái công phu của ai đó mới chơi khác với người có bề dày trải nghiệm. Người mới chơi thường bị thuyết phục, “gục đổ” trước giảo ngôn của người bán thổi hồn cho hiện vật, bị quyến rũ bởi điển hay tích đẹp vẽ trên món đồ nên phần lớn đồ mua là đồ mới, được làm ở trình độ kỹ thuật cao, đồ phỏng cổ, chung chiêng bởi nhầm tưởng đồ quý, giá hời.
Ông Đ., người giỏi làm kinh tế, khôn khéo trong quan hệ ứng xử, lọc lõi chốn thương trường cũng là người sưu tập chơi cổ vật có hạng chia sẻ chút trải nghiệm: “Chơi đồ cổ phải tự mình mua món đồ mình thích, đắt rẻ không quan trọng bằng chân, giả, tốt, xấu bởi việc mua đồ cổ thì giá hôm nay mua là đắt, hợp giá. Ở ngày mai và tương lai sẽ là rẻ. Còn nếu mua phải đồ “rởm” thì như bị tâm bệnh làm ta bứt rứt, khó chịu suốt cuộc chơi. Có những mâu thuẫn mà ta rất khó lý giải. Ấy là người chơi, nhất là mới chơi thường cho mình lắm tiền, sành điệu, có văn hóa.
Giới chuyên môn lại hợm hĩnh có kiến thức uyên thâm kim cổ. Người đời nhìn nhận ai đó chơi đồ cổ là dư tiền, lập dị. Xã hội lại xếp người chơi, buôn bán cổ vật là loại sắc sảo, mưu chước hơn đời. Điều cơ bản ở đây là cần nhận thức rõ việc quan hệ, chơi với ai, học hỏi ai để bớt phải trả giá, lãng phí thời gian. Chơi, mua đồ bằng các lời phỉnh nịnh, thông tin mạng thì thật thảm hại và tối kị chơi cổ vật bằng tai”.
Nói vậy chứ trường hợp người mua nhầm hay bị “bịp” chỉ là số ít. Người mua đồ rất cẩn thận xem kĩ trước khi mua. Đồ giả cổ cho dù ảo thuật gia siêu đến đâu cũng khó lừa được người có nghề. Ví như đồ sứ hoa lam cổ màu chàm trong và sâu, cốt không mịn nhưng trông đanh, cứng. Cách chế tác theo lối thủ công lại được nung bằng lò đốt củi nên đồ có nước men bóng, lung linh, bắt mắt.
Trong nghề chơi thử hỏi có ai chưa từng bị “dính”? “Dính” mà vẫn vui vẻ cho qua bởi lẽ thường: Học chữ, học nghề, học chơi đều phải đóng học phí. Cái chính là biết cầu thị không bảo thủ. Điều thuận lợi cho những người chơi đồ cổ hiện nay là xã hội có một thị trường mở. Luật Di sản văn hóa công nhận quyền sở hữu cá nhân đối với cổ vật không thuộc Nhà nước quản lý. Cho phép được chuyển nhượng, trao đổi nên kẻ mua, người bán không phải kín đáo, giấu diếm như trước kia. Có thông tin trên mạng, sách báo, tạp chí, có hội sưu tầm cổ vật..., các yếu tố này hỗ trợ, bổ sung kiến thức rất nhiều cho người chơi để khi họ mua luôn là “nhà thông thái”.
Nguyễn Bá Thanh Long
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết