23:38 14/12/2015
Ngày 9-11-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số170/2015/TT-BTC, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí căn cước công dân (CCCD). Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu; đổi thẻ CCCD đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân thì không phải nộp lệ phí. Các đối tượng là công dân Việt Nam đã được cấp chứng minh nhân dân 9 số và chứng minh nhân dân 12 sô, nay chuyển sang cấp thẻ CCCD theo Luật Căn cước công dân; đổi thẻ căn cước công dân khi nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa thì được miễn lệ phí khi làm thẻ CCCD. Cũng theo thông tư, các đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD thì phải nộp lệ phí. Mức thu lệ phí khi đổi thẻ CCCD là 50 nghìn đồng/thẻ; cấp lại thẻ là 70 nghìn đồng/thẻ. Đối với công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo thì lệ phí cấp thẻ CCCD bằng một nửa so với mức thu trên. Về tổ chức thu, nộp và quản lý lệ phí, thông tư nêu rõ: lệ phí thẻ CCCD là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước và phải nộp 100% về ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành; cơ quan thu lệ phí là Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công an các quận, huyện thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương. Theo đại tá Nguyễn Công Hà, Phó trưởng Phòng PC64 - CATP: Luật CCCD và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định mới thuận lợi hơn đối với công dân, bởi ngoài việc không thu phí khi công dân làm thẻ CCCD lần đầu, công dân còn được hưởng nhiều dịch vụ công tiện ích như: khi công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện nhưng phải ghi cụ thể địa chỉ nơi nhận trên tờ khai cấp thẻ CCCD. Sau đó, thẻ CCCD sẽ được chuyển đến địa chỉ yêu cầu, đúng thời gian và công dân trả phí chuyển phát theo quy định. Như vậy, công dân sẽ không phải chờ đợi, đi lại nhiều, đồng thời cơ quan cấp CCCD cũng tránh được ùn tắc khi thực hiện việc cấp và trả thẻ CCCD. Bên cạnh đó, người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi được cấp thẻ CCCD khi có người đại diện hợp pháp làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại theo quy định. Việc cấp thẻ CCCD lưu động cũng được quy định cụ thể: đối với công dân tại các trường học, xã vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn trong việc đi lại; người già yếu, bệnh tật, ốm đau (công an xã, phường, thị trấn có văn bản đề nghị); nhà tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dưỡng, giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (có văn bản đề xuất của thủ trưởng cơ quan)…, trong trường hợp cần thiết được cấp thẻ CCCD tại chỗ nhưng phải đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ việc cấp CCCD lưu động. PV |
20:43 02/01/2025
18:43 02/01/2025
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024