22:24 31/12/2022 Thời gian gần đây, việc phát triển các khu công nghiệp xanh- nhà máy xanh được thành phố Hải Phòng, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Như một xu thế tất yếu, mỗi KCN, mỗi nhà máy trong các KCN đều lấy tiêu chí xanh, phát triển bền vững là hàng đầu. Bởi vậy, tới các KCN của Hải Phòng bây giờ đều mát một màu xanh, tạo cảm giác thư thái, an bình và ít ô nhiễm.
Những khu công nghiệp xanh
Đến Khu công nghiệp nam cầu Kiền, bất cứ ai cũng có cảm thấy thư thái đến kỳ lạ, dường như không có cảm giác đây là khu công nghiệp với nhiều nhà máy công nghiệp, trong đó có một số nhà máy sản xuất thép, nhựa, xử lý rác… Tại đây có khu vườn theo phong cách Nhật Bản với rất nhiều cây xanh, có hồ cá koi với cả đàn cá bơi lội tung tăng; có khu vườn mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặc biệt là nơi nào cũng có cây xanh.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec cho biết, ngay từ khi bắt tay xây dựng KCN, ông đã hướng tới mô hình KCN sinh thái và kiên trì thực hiện trong mấy chục năm qua. Để giờ đây, ông Phạm Hồng Điệp có thể tự hào: KCN nam cầu Kiền là KCN sinh thái đầu tiên do người Việt Nam đầu tư. Hiếm có KCN nào có tới 31% diện tích đất được sử dụng cho các công trình cây xanh như nam cầu Kiền, vượt 6% theo tiêu chí xác định một khu công nghiệp sinh thái trong Điều 42, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tại đây có các chuỗi cộng sinh ngành Nhựa, ngành Thép…, có Câu lạc bộ Eco nam cầu Kiền với sự tham gia của lãnh đạo 70 doanh nghiệp trong khu, từ bảy quốc tịch gồm Ý, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hong Kong) và Việt Nam nhằm hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn “đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác”.
Tại tổ hợp KCN DEEP C, đưa màu xanh vào KCN được coi là bắt buộc, liên quan tới sự sống còn của KCN. Bởi vậy, tại đây không chỉ mát một màu xanh mà còn có rất nhiều giải pháp liên quan tới phát triển xanh như đầu tư hàng triệu USD phát triển điện gió; thực hiện dự án pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của khách hàng. KCN cũng đang có kế hoạch thay thế xe thu gom rác chạy xăng, dầu bằng xe điện… KCN cũng đã triển khai thí điểm xây dựng 200m đường từ nhựa phế thải đầu tiên tại Hải Phòng. Dự kiến các tuyến đường nội bộ của KCN sẽ được trải nhựa từ phế liệu. Ngoài ra, KCN Deep C còn triển khai các hoạt động khác hướng tới xây dựng KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn như sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp, xây dựng trang trại hữu cơ…
Tại KCN VSIP, có cả một khu vực rộng lớn được quy hoạch thành công viên với hồ nước trong xanh; vườn hoa, cây xanh bóng mát, liễu rủ ven hồ, ghế đá, các dụng cụ luyện tập thể thao ngoài trời… Bởi vậy đã thường xuyên thu hút người dân tới đây dạo chơi, ngắm cảnh, thư giãn… Đi trên các tuyến đường nội bộ của KCN, cây xanh luôn được ưu tiên và tới các nhà máy, màu xanh cũng giữ vai trò chủ đạo.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Hải Phòng hiện có 12 KCN đang hoạt động, thu hút hơn 500 dự án đầu tư với số vốn lên tới hơn 20 tỷ USD. Theo xu hướng phát triển bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế và yêu cầu phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, hầu hết các KCN đều rất chú trọng tới trồng cây xanh và phát triển bền vững.
Những nhà máy xanh
Chung tay vì mục tiêu môi trường xanh, các doanh nghiệp trong các KCN đã chủ động thay đổi công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thay thế những công nghệ cũ, lạc hậu, chú trọng tăng tỷ lệ cây xanh, xây dựng môi trường sản xuất xanh sạch đẹp, không khí trong lành.
Đến với Công ty CP DAP – Vinachem (KCN Đình Vũ) hiện nay, có thể dễ dàng ấn tượng và choáng ngợp với khung cảnh hồ cây ao cá, với những vườn rau tươi xanh ngút mắt, với những vườn cây ăn trái đang mùa nảy lộc. Có được kết quả đó là do từ nhiều năm nay, công ty không ngừng đầu tư thực hiện các biện pháp giảm thiểu các nguồn thải ra môi trường; gia cố các tuyến bờ bao bãi thải, đê bao các hồ chứa; tổ chức trồng cây theo kiểu bậc thang phủ xanh các bãi chứa; đầu tư bọc phủ màng HDPE bảo đảm an toàn các bãi chứa; trải màng HDPE các hồ chứa nước mưa; thu gom nước thải từ bãi chứa về nhà máy để sử dụng lại theo quy trình thiết kế…
Quan trọng nhất là xử lý triệt để bã thải gyps bằng việc chế biến để làm VLXD và vật liệu san lấp mặt bằng. Năm 2022, công ty tiếp tục đầu tư thêm nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, trồng phủ xanh khu vực bãi chứa thạch cao PG; cải tạo nâng cấp một số tiện ích phục vụ công nhân, cải thiện môi trường làm việc tại các khu nhà xưởng xanh – sạch – đẹp.
Đồng thời, với định hướng trở thành một nhà máy công viên trong tương lai, công ty đã triển khai xây dựng các vườn cây, ao cá, hồ sinh thái, nuôi chim bồ câu tại các khu vực sản xuất, vừa để tạo môi trường lao động thân thiện, vừa là chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng môi trường sống trong nhà máy. Đặc biệt, thời gian qua, công đoàn nhà máy đã triển khai nhiều giải pháp vận động đoàn thanh niên và công đoàn viên nhà máy để xây dựng nhà máy xanh. Hoạt động này được cụ thể hóa thành từng nhiệm vụ tới từng tổ ca, kíp sản xuất.
Trong đó có cam kết, giao chỉ tiêu về các công việc trồng và chăm sóc cây xanh, vệ sinh công nghiệp, môi trường; có các mô hình vườn cây ao cá công đoàn, vườn hoa thanh niên, giàn máy thanh niên…gắn với mục tiêu xây dựng các mô hình nhà máy công viên, môi trường xanh sạch đẹp… Mỗi công nhân đều là một thành viên tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng nhà máy xanh.
Theo Phó Giám đốc Công ty CP DAP- Vinachem Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, công ty xác định sẽ triển khai mạnh các các giải pháp để tiếp tục xây dựng mô hình nhà máy xanh.
Cụ thể, tiếp tục phát huy phong trào trong cán bộ, người lao động về tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng nhà máy xanh một cách thường xuyên, hiệu quả. Đồng thời, tìm hiểu, tham quan học tập và áp dụng những mô hình tốt, cách làm hay để xây dựng phong trào trong các đơn vị thành viên và công ty; đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng nhà máy xanh sạch đẹp.
Để đạt mục tiêu 100% chất thải trong khu công nghiệp đều phải được xử lý nội khu, KCN nam cầu Kiền thu hút công ty TNHH Tân Thuận Phong, công ty TNHH Phát triển Thương mại và Sản xuất Đại Thắng, công ty cổ phần Thành Đại Phú Mỹ về mở nhà máy. Đến nay, Đại Thắng và Tân Thuận Phong phụ trách xử lý, tái chế chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp cho toàn bộ doanh nghiệp trong nam cầu Kiền và các dự án lớn bên ngoài như LG, Samsung… với công suất trung bình từ 500-1.500 kg/tiếng/quy trình.
Trong khi đó, Thành Đại Phú Mỹ xử lý và tái chế phụ phẩm ngành luyện kim, với công suất lên tới 300.000 tấn/năm. Hai năm sau khi xây dựng nhà máy, Thành Đại Phú Mỹ đi vào hoạt động tại nam cầu Kiền từ năm 2020. Doanh nghiệp này xử lý khoảng 10.000 tấn nguyên liệu đầu vào mỗi tháng. Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc kinh doanh Thành Đại Phú Mỹ cho biết khoảng 92% xỉ thép đầu vào sau khi xử lý được dùng để làm phụ gia xi măng…
Như vậy, với xu hướng phát triển xanh, các KCN và các nhà máy công nghiệp tại Hải Phòng đã có các giải pháp thiết thực hiệu quả để bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, giảm phát thải ra môi trường, sử dụng, chế biến các nguồn thải thành các vật liệu có ích cho sản xuất, đời sống. Với ý thức trách nhiệm và sự tự giác tự thân đó, Hải Phòng chắc chắn sẽ bảo đảm được các mục tiêu phát triển công nghiệp, một trong 3 trụ cột kinh tế chính của thành phố mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh