10:56 23/05/2017 Nhân viên hãng xe Hải Âu thực hiện trực tổng đài thông báo hiện trạng hoạt động lưu thông trên đường đối với lái phụ xe Theo phân tích của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, qua các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, nguyên nhân chính thường do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ luôn gây hậu quả nặng nề và đang có xu hướng gia tăng. Tràn lan vi phạm quy định về tốc độ
Nhân viên hãng xe Hải Âu thực hiện trực tổng đài thông báo hiện trạng hoạt động lưu thông trên đường đối với lái phụ xe
Theo phân tích của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, qua các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, nguyên nhân chính thường do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ luôn gây hậu quả nặng nề và đang có xu hướng gia tăng.
Tràn lan vi phạm quy định về tốc độ
Hiện tại, quy định tốc độ đang thực hiện theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Những vi phạm sẽ được các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát, máy đo tốc độ và mức xử phạt vi phạm rất cao. Cùng với đó, thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô cũng ghi lại thông tin tốc độ xe chạy trên đường.
Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành giao thông cũng như các DN vận tải nắm được tình trạng vi phạm tốc độ của lái xe để có biện pháp chấn chỉnh hoạt động.
Tuy nhiên, do người điều khiển phương tiện thiếu ý thức, vấn nạn vi phạm tốc độ vẫn không hề giảm. Cụ thể, theo thống kê của Trung tâm giám sát hành trình Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, trong quý I-2017, cả nước có 65.500 trường hợp vi phạm tốc độ đã ghi lại được từ thiết bị giám sát hành trình được gắn trên 2 loại phương tiện xe ô tô chở khách và xe ô tô tải đầu kéo công-ten-nơ.
Giống như các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, bộ phận theo dõi của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng đang kiểm tra, giám sát qua phần mềm theo dõi thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với 20.100 phương tiện thuộc 3.163 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, Sở đã ban hành 7 quyết định đình chỉ, thu hồi phù hiệu thời gian 1 tháng đối với 725 phương tiện thuộc 702 đơn vị do vi phạm tốc độ, vi phạm về thời gian lái xe và truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; cảnh cáo 2.974 phương tiện thuộc 1.727 đơn vị vận tải cũng với lỗi trên nhưng chưa đến mức áp dụng biện pháp thu phù hiệu có thời hạn theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng chức năng thành phố còn kiểm tra, xử lý 2.485 trường hợp do vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian lái xe, chạy sai hành trình; ra quyết định phạt tiền theo lỗi khoảng 17,5 tỷ đồng; tước 1.225 giấy phép lái xe.
Nguyên nhân chủ yếu do ý thức con người
Tại cuộc giao ban trực tuyến cả nước về công tác bảo đảm TTATGT quý I-2017, lãnh đạo Cục CSGT - Bộ Công an (C67) một lần nữa chỉ rõ nguyên nhân vi phạm lỗi tốc độ chủ yếu do ý thức của con người.
Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia vận tải có tình trạng cạnh tranh giữa các phương tiện để tranh giành, đón trả khách, hoặc trong hoạt động kinh doanh vận tải, một số DN khoán trắng cho lái xe. Đây cũng là nguyên nhân khiến lái xe thường chạy quá tốc độ. Một vấn đề nữa, do Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn đã được sửa đổi, ban hành năm 2015, song một số người chưa nắm rõ dẫn tới vi phạm.
Lực lượng CSGT kiểm tra phương tiện
Ví dụ, trong Thông tư 91 quy định, ngoài việc tuân thủ tốc độ trên biển báo hiệu tốc độ thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ thấp hơn mức quy định để bảo đảm an toàn khi qua một số khu vực như đường giao nhau, khu đông dân cư, đường dốc quanh co hoặc trong điều kiện trời mưa, đường trơn, khi tránh, vượt xe… nhưng thực tế nhiều lái xe không chấp hành.
Đặc biệt ở khía cạnh quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn ngành tại địa phương, có nơi còn chưa vận dụng hết nội dung Thông tư 91. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những quy định tại Thông tư này là tương đối phù hợp, vừa phát huy được hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vừa khắc phục những bất cập của thông tư trước đây và chỉ điều chỉnh tốc độ tại đường hai chiều có dải phân cách giữa và có 2 làn xe hoặc đường một chiều có 2 làn xe.
Tuy vậy, trong thực tiễn có thể đặt biển tốc độ thấp hơn tốc độ cho phép tại những đoạn đường nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn hoặc điểm đen tai nạn giao thông, nhằm tổ chức giao thông bảo đảm hài hòa, phù hợp với thực tế.
Trở lại vấn đề vi phạm lỗi tốc độ về đêm thường rất phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thảm khốc. Theo số liệu của UBATGT Quốc gia, số vụ tai nạn giao thông xảy ra vào thời điểm này thường lớn gấp 2-3 lần so với số vụ TNGT xảy ra vào thời điểm ban ngày. Và đây cũng là khung giờ các loại xe tải có tải trọng lớn được phép hoạt động. Trên các tuyến quốc lộ, tỷ lệ TNGT ban đêm càng cao.
Ngoài yếu tố khách quan là ban đêm làm giảm sự quan sát thì yếu tố đường vắng, ít sự kiểm soát của lực lượng chức năng cũng khiến người lái xe chủ quan chạy vượt tốc độ quy định và khi gặp chướng ngại vật thì không thể xử lý kịp. Với những lái xe đường dài, ai cũng có chung nỗi lo thiếu ngủ. Chính vì vậy, luật đã quy định sau 4 tiếng phải đổi lái 1 lần đối với những hành trình có thời gian lên đến 10 tiếng.
Các lái xe cho biết, lúc buồn ngủ nhất vào khoảng từ 1-2h và 4-5h sáng. Đó cũng là khung giờ thường xuyên xảy ra những vụ TNGT thảm khốc đã nêu. Ở góc độ xã hội, những người lái xe tuyến đường dài còn có những mối lo khác. Lẽ vì gần đây xảy ra tình trạng “lái xe điên”, tức là điều khiển xe chạy với tốc độ cao do nghiện ma túy, say rượu... Điều này được minh chứng qua công tác kiểm tra sức khỏe lái xe trên cả nước với tình trạng nhiều người dương tính với các chất ma túy, chất gây nghiện hoặc sức khỏe “có vấn đề” như báo chí, truyền thông đã phản ánh.
Nâng cao trách nhiệm khi tham gia giao thông
Để đấu tranh với vi phạm tốc độ, hạn chế thấp nhất những vụ TNGT thảm khốc xảy ra, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xử lý vi phạm vào ban đêm, cả về tốc độ, tải trọng, vi phạm nồng độ cồn.
Cục C67 và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ tăng cường TTKS về ban đêm; sử dụng các phương tiện, thiết bị (máy đo tốc độ, ghi hình, kiểm tra nồng độ cồn), kết hợp với hệ thống giám sát hành trình để xử lý nghiêm các vi phạm.
Mặt khác, qua công tác TTKS, điều tra cơ bản và nắm tình hình, lực lượng CSGT nắm được những điểm, thời gian, đối tượng thường xuyên vi phạm về ban đêm, vi phạm về tốc độ để có kế hoạch xử lý kịp thời với tình hình thực tiễn đang diễn ra.
Không thể phủ nhận vai trò của DN vận tải trong việc quản lý, theo dõi giám sát hoạt động lái xe, nhằm nhắc nhở, phòng ngừa, chấn chỉnh vi phạm về tốc độ. Việc này đã được các văn bản quy định rõ ràng, song trên thực tế hiệu quả còn rất hạn chế về ban đêm, nhất là ở các DN vận tải có lượng phương tiện không nhiều hoặc ở những hộ kinh doanh với vài đầu phương tiện.
Từ thực trạng đó, Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam đã đưa ra kiến nghị cần sớm thành lập các Trung tâm giám sát hoạt động vận tải tại địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW) giống ở cấp TW. Các trung tâm này hỗ trợ các đơn vị, DN vận tải nhỏ, lẻ chưa có điều kiện thành lập Tổ giám sát ATGT, giám sát hoạt động lái xe của mình trực tuyến. Hoặc cần nghiên cứu cho phép chạy với vận tốc tối đa phù hợp với từng loại phương tiện, đường sá nhằm bảo đảm an toàn.
Lời kết của bài viết này, xin được nhắc lại rằng, Liên hợp quốc vừa tổ chức Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 4 với chủ đề “Tốc độ” như một thông điệp để bảo vệ cuộc sống. Tại Việt Nam, thông điệp chính của tuần lễ này là “Tuân thủ quy định về tốc độ khi lái xe”. Điều này càng cho thấy rõ, cả cộng đồng đang mong muốn các lái xe hãy nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về tốc độ nhằm bảo đảm ATGT, an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Vì không có một biện pháp nào có thể triệt để khi vẫn còn có những người lái xe coi thường luật lệ, coi thường tính mạng của bản thân mình và của người khác. Hãy giảm 5% tốc độ chạy xe trung bình thì có thể giảm được 30% số vụ tai nạn chết người và hãy nhớ rằng TNGT ở vận tốc 70km/h thì hậu quả gây ra sẽ thảm khốc gấp 2 lần so với tai nạn ở vận tốc 50km/h như Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và Ủy ban ATGT quốc gia đã khuyến cáo.
Đoàn Lanh
23:14 20/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết