12:20 12/07/2024 Từ tháng 7- 2024, lương cơ sở tăng 30%, từ mức 1,8 triệu đồng tăng lên 2,34 triệu đồng. Cùng với đó, lương hưu cũng tăng 15%. Nhiều người lao ngại khi lương tăng thì giá cũng tăng, khó kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo dõi thị trường những ngày qua cho thấy, thị trường vẫn khá ổn định, trừ một số mặt hàng (như xăng dầu) điều chỉnh hàng tuần theo điều hành của liên Bộ Tài chính- Công Thương. Nhiều chuyên gia nhận định, những yếu tố tác động từ tăng lương tới tăng giá không nhiều và tin tưởng với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Việt Nam vẫn kiềm chế được lạm phát, giữ được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức hợp lý trong năm 2024.
Tăng lương nhưng ít tác động tới tăng giá
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 50 triệu lao động nhưng tỷ trọng người lao động khu vực công (được tăng lương cơ sở) chỉ chiếm khoảng 8%. Vì vậy, phần lương tăng thêm tác động lên mặt bằng giá cả không đáng kể.
Cụ thể, 3 nhóm đối tượng được tăng lương gồm: tăng 30% lương cơ sở cho lao động trong lĩnh vực công; tăng 15% lương hưu và dự kiến tăng lương tối thiểu 6%. Tổng số tiền tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2024, tương đương mỗi tháng có gần 3.000 tỷ đồng từ tăng lương. Theo đánh giá, số tiền lương tăng này không quá lớn nên sẽ không tác động quá nhiều đến giá hàng hóa tiêu dùng.
Thực tế những ngày qua, giá cả hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, các chợ tại Hải Phòng vẫn giữ mức bán bình thường, không tăng giá. Các siêu thị Mega Market, Aeon, Go… đều chuẩn bị lượng hàng hóa rất phong phú với mức giá bán bình thường, thậm chí nhiều loại hàng hóa còn được khuyến mại, giảm giá. Tại các chợ, giá thịt lợn giữ mức 130.000 đồng/kg; thịt bò 320.000 đồng/kg; gà ta chưa làm giá 140.000 đồng/kg; trứng gà 5000 đồng/quả; tôm rảo, tôm sú khoảng 300.000 đồng/kg; cá trắm trắng 80.000- 100.000 đồng/kg; cá trắm đen 140.000 đồng/kg; cá song 220.000 đồng/kg… Các loại rau xanh, trái cây, đường, sữa… cũng khá sẵn và dễ mua.
Chị Lê Hồng Hạnh ở quận Lê Chân cho biết, đi chợ những ngày này, chị thấy giá cả hàng hóa vẫn bình thường, không tăng giá như nhiều người vẫn lo ngại khi tăng lương. Đây là điều người dân rất mong đợi và kỳ vọng các cấp, các ngành sẽ có biện pháp để giữ ổn định thị trường lâu dài.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI tăng 4,39% trong quý 2 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do tác động từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3- 2023. Bởi vậy, trong quý 3-2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh lương giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.
Theo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, hiện nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ lệ lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng - CPI) giá cả tương đối ổn định. Các chuyên gia nhận định, lạm phát trung bình cả năm 2024 có thể chỉ quanh mức 3,2 - 3,6%.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tăng lương cơ sở lần này tuy có thể làm cho giá cả tăng đôi chút nhưng chỉ một thời gian sau giá cả sẽ ổn định trở lại và không gây áp lực đáng kể đến lạm phát. Bên cạnh đó, mặc dù tăng lương nhưng Việt Nam vẫn đang có mức tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào cùng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất của Chính phủ sẽ góp phần ổn định giá cả thị trường. Vì thế, về tổng thể mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay từ 4% - 4,5% đã đặt ra là khả thi.
Còn tại Hải Phòng, Cục trưởng Cục Thống kê Lê Gia Phong cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố ổn định. Tại các chợ, siêu thị và các cửa hàng trên địa bàn thành phố, hàng hóa dồi dào, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,34% so với cùng kỳ. So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 6- 2024 tăng 0,28% (khu vực thành thị tăng 0,37%; khu vực nông thôn tăng 0,16%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm có chỉ số giá tăng, 3 nhóm có chỉ số giá giảm, 1 nhóm có chỉ số giá không đổi so với tháng trước. So với tháng 12-2023, CPI tháng 6-2024 tăng 1,49% và tăng 3,64% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu rất quan trọng cho thấy sự bình ổn của thị trường.
Tăng cường kiểm soát lạm phát, không lơ là, chủ quan
Mặc dù vậy, các ngành quản lý nhận định, tình hình giá cả thị trường vẫn có những diễn biến khó lường không hoàn toàn do tăng lương mà là do những tác động từ bên ngoài. Cụ thể là giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới; giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì được mức giá cao trên thị trường thế giới; giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ giá giữa VND và USD tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Cùng với đó là rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi…
Do đó, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Các đơn vị chủ động rà soát phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ, ngành cần chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm 2024 (thời điểm chuẩn bị Tết âm lịch 2025), hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát. Quan trọng nhất là chuẩn bị đủ nguồn hàng hóa để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và UBND các địa phương.
Ngày 22-6-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 61 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Công điện nêu rõ, thời gian tới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.
Cùng với đó, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật.
Công điện cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhất là việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; giáo dục...
Với những động thái đó, giá cả hàng hóa dịch vụ sẽ cơ bản được kiểm soát, bảo đảm để kiềm chế lạm phát ở mức mong muốn, góp phần quan trọng ổn định và nâng cao đời sống người dân./.
Hồng Thanh
08:20 09/01/2025
15:07 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh