Kiểm soát quyền lực: Nhận diện rõ, cơ chế chặt, xử lý nghiêm, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh (Kỳ 1)

12:09 15/09/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo nguy cơ những cán bộ có chức, có quyền dễ mắc phải là “căn bệnh” lạm quyền, lộng quyền. Đồng chí cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt quan tâm và thường xuyên đề cập tới việc kiểm soát quyền lực trong các bài phát biểu, bài viết, trong các tác phẩm. Trong đó, khái niệm “tha hóa quyền lực”, “lợi ích nhóm” được phân tích rất sâu sa. Điều đó cho thấy, kiểm soát quyền lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của Đảng ta; là biện pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, vì dân và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Kỳ 1: Nhận diện rõ những biểu hiện lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực

Cha ông ta có câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Ứng với thời nay, câu nói này vẫn đúng trong rất nhiều trường hợp. Quyền lực là một thứ ma lực mà ít có người có thể chống đỡ, nó có sức hấp dẫn tới kỳ lạ và không ít người đã bất chấp tất cả, thậm chí sử dụng cả những thủ đoạn đen tối, đớn hèn để giành cho được quyền lực trong tay. Có quyền lực rồi, họ sẽ lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực là lẽ đương nhiên. Bởi vậy, nhận diện rõ những biểu hiện này là một trong những yếu tố quan trọng để có các biện pháp xử lý, ngăn chặn, không để những người “ham hố” quyền lực lọt vào các vị trí lãnh đạo.

 Muôn vàn biểu hiện dễ nhận biết, khó xử lý

Thực tế, quyền lực trong công tác cán bộ hay quyền lực Nhà nước không phải chỉ có ở những cán bộ “cấp to”, nghĩa là tương đương với một đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, phường, xã, quận, huyện, cấp ngành, cấp tỉnh, thành phố và cả ở cấp Trung ương mà có cả ở những cán bộ, công chức, viên chức bình thường nhưng được giao giải quyết, xử lý những công việc liên quan tới doanh nghiệp, người dân.

Mặc dù những năm gần đây, việc giáo dục liêm chính trong đội ngũ CBCC, viên chức đã được thực hiện thường xuyên; “tai, mắt” của Nhân dân cũng nhiều; tinh thần CCHC,  chuyển đổi số lan rộng đã hạn chế được rất nhiều tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà nhưng nếu không liêm chính thì công chức nhỏ cũng có thể sử dụng quyền lực của mình để hành dân.

Nhiều người khi có việc phải tới cơ quan công quyền, dù là xin xác nhận đi làm, đi học; làm những giấy tờ liên quan tới nhà, đất, chế độ chính sách… cũng phải “chịu trận” bởi một bộ phận CBCC, viên chức. Họ có thể xác nhận, đóng dấu ngay nhưng vẫn cố tình kéo dài, viện lý do lãnh đạo đi vắng hoặc còn phải nghiên cứu, xem xét mặc dù chỉ là những việc rất bình thường, hồ sơ giấy tờ đầy đủ.

Đây là thứ quyền lực mà người dân phải va vấp rất ngại, cho dù nó không lớn lao nhưng cũng có thể ví là “ăn mòn” niềm tin của Nhân dân đối với một bộ phận CBCC, viên chức. Điều đáng nói, sự lạm dụng quyền lực hay lộng quyền kiểu này ai cũng nhận ra, ai cũng biết nhưng rất khó để bắt lỗi, phần vì không muốn dây dưa, phần vì cũng không đủ chứng cứ khiến những người này có thể bị kỷ luật và hầu hết đều tặc lưỡi cho qua. Và cũng như cái vòng luẩn quẩn, nó sẽ liên tục tái diễn mà chưa biết bao giờ kết thúc.

Nhiều người vướng vòng lao lý trong vụ án AIC (ảnh: CAND)

          Sự lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực còn hiển hiện khá rõ ở nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay. Có những người giấu mình rất khéo, rất thân thiện, gần gũi khi chưa có chức, quyền. Nhưng khi họ đạt được mục đích, trở thành người đứng đầu cơ quan thì lập tức “hiện nguyên hình”, thể hiện rõ bản chất của kẻ hám danh lợi, quyền lực; kênh kiệu, kẻ cả, quan cách. Họ sẵn sàng quay lưng lại với những người từng giúp đỡ mình và lập nên một đế chế mới, xây dựng ê kíp riêng để phục vụ cho việc bảo vệ quyền lực và mưu cầu lợi ích cá nhân. Họ dùng thuyết “lấy ngu để trị”, không quan trọng năng lực; chỉ sử dụng người biết “ngoan ngoãn” và phục tùng. Người nào có ý không tuân thủ là lập tức vô hiệu hóa, dùng mọi thủ đoạn để cô lập hóa. Họ dùng quyền lực được giao để ban phát cho cán bộ, nhân viên, “nghe thì sống, chống thì chết”, cho một nhóm người cùng cánh hẩu được hưởng mức thu nhập gấp 3-4 lần người khác; thích  ai thì dù chưa đủ điều kiện, không có năng lực, mọi người không phục cũng cất nhắc bằng được; không thích ai thì dù giỏi cũng không dùng.

Có thể nói, họ tự cho mình quyền cao tối thượng, bỏ qua  vai trò của Đảng ủy, của tập thể lãnh đạo, thích làm gì thì làm, bất chấp tất cả. Ở những cơ quan này, dân chủ chỉ là hình thức, đoàn kết là giả hiệu, quyền lực được thâu tóm và nằm trong tay chỉ một người. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách bị buông lỏng.

Với những người đứng đầu như vậy, cán bộ, nhân viên cơ quan dù hết sức bất bình cũng không dám phản kháng, đành ấm ức chịu đựng và không dám có ý kiến gì. Có thể thấy, với họ, biểu hiện của sự tha hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất rõ, họ biến thành một con người hoàn toàn khác khi nắm giữ quyền lực trong tay.

Đáng buồn là những trường hợp này, dù nhận ra cũng không dễ xử lý bởi họ dùng “quyền hành” được giao để che chắn; luôn biết dối trên lừa dưới, biết “chạy chọt” để che đậy hành vi của mình.

           Có thể nói, đây chính là biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng “lạm quyền”, “lộng quyền”; cá nhân chủ nghĩa, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, lợi ích nhóm, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình..., để nội bộ mất đoàn kết;  lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính, “cua cậy càng, cá cậy vây” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói tới. Từ đây, rất dễ bị sai phạm, trở thành “ông quan” trong mỗi cơ quan, đơn vị và thoái hóa, biến chất.           

                                                                                  Thao túng quyền lực

          Ở cấp độ cao hơn, quyền lực đã làm “hỏng” nhiều cán bộ ở các địa phương và cả cấp Trung ương, trong số đó có những cán bộ rất triển vọng, được đào tạo bài bản; có quá trình cống hiến lâu dài, có nhiều thành tích nổi trội… Nhưng cuối cùng, chính vì không ý thức rõ quyền hạn của mình; với động cơ thiếu trong sáng, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân, lạm dụng quyền lực được Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó để  thao túng doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực phụ trách, làm thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, tới mức phải xử lý kỷ luật, nhiều người phải chịu trách nhiệm hình sự.

          Dư luận cán bộ, đảng viên Hải Phòng và cả nước rất đau xót trước mỗi thông tin có cán bộ bị xử lý kỷ luật; thậm chí có địa phương là cả bộ máy cán bộ lãnh đạo; có những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Thật đau buồn biết bao trước con số hơn 20 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, nhiệm kỳ 2020- 2025  thôi nhiệm vụ. Trong số 11 người bị khởi tố hoặc kỷ luật có Bộ trưởng; Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND… Từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, do vi phạm về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng. 

          Đáng chú ý là vụ  Việt Á có tới 6 người bị truy tố về tội "nhận hối lộ". Những người này giữ các chức vụ quan trọng, có quyền lực lớn và đã sử dụng quyền lực đó để trục lợi. Trong đó có cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo cấp cao ở các địa phương. Các bị can khác gồm nhiều Vụ trưởng, Vụ phó cấp Bộ; cán bộ UBND hoặc Tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố.

     Bị cáo Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án trong phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (ảnh VN Express)

           Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 có tới 86 người phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình; bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng 2 (Cục 2), Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN lĩnh án tù chung thân do nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD cùng mấy chục cán bộ ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước phải lĩnh án. Giai đoạn 2, tiếp tục truy tố 34 người nữa tại các doanh nghiệp, các ngân hàng.

          Vụ Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) cũng có tới mấy chục bị can bị truy tố. Trong đó cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố 4 lần tại 4 vụ án cùng hàng chục cán bộ liên quan bị bắt, bị xử lý kỷ luật vì nhận hối lộ.

          Vụ Tập đoàn Thuận An cũng có nhiều cán bộ bị vướng vòng lao lý. Tập đoàn này chỉ trong 2 năm đã trúng thầu các dự án trị giá 18.000 tỷ đồng chính là nhờ “quyền lực” của những người có chức vụ cao. Trong đó, có ông Dương Văn Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội và nhiều người khác.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng. 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023). Có một số vụ án nổi cộm như buôn lậu đất hiếm; đưa nhận hối lộ xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An; sai phạm ở Bộ Công Thương hoặc liên quan tới xăng dầu của Xuyên Việt Oil…

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết định đưa 107 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý; các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 444 vụ án/1.003 bị can về tham nhũng. Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý, cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp huyện của địa phương, điển hình như: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, An Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Nghệ An...

           Có thể thấy, các vụ đại án tham nhũng thực sự làm nhức nhối dư luận và hầu như tất cả những người vi phạm đều sử dụng quyền lực của mình để tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo, trực tiếp là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phanh phui các vụ đại án và xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội cho thấy sự quyết tâm, đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn này, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai. Rõ ràng, sự tha hóa quyền lực đáng sợ tới mức nào./.

                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông