Kiên quyết ngăn chặn tệ nạn gian lận trong thi cử

14:17 07/07/2022

Từ lâu, câu chuyện về gian lận trong thi cử không còn là điều mới mẻ, thậm chí có phần nhức nhối khi tạo ra những hệ lụy bất bình đẳng giữa các sỹ tử tham gia các cuộc thi, làm vẩn đục môi trường giáo dục, đồng thời gây những bất ổn liên quan đến ANTT. Việc lực lượng CATP Hải Phòng vừa triệt phá đường dây buôn bán thiết bị công nghệ cao nhằm phục vụ gian lận thi cử, cho thấy tính chất của vấn đề này ngày càng phức tạp, khi những đối tượng vi phạm ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong các hành vi tiêu cực.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP làm việc với đối tượng buôn bán thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử

          Trước kia, phương tiện gian lận phổ biến là dạng tài liệu được photo thu nhỏ thường gọi là “phao”, được thí sinh mang theo vào phòng thi. Điều này đã khiến cho trước mỗi kỳ thi lớn, các cửa hàng dịch vụ photo copy lại nhộn nhịp.

Thiết bị di động ra đời, lại thêm phương thức lén mang điện thoại để nhắn tin kết nối ra bên ngoài. Và giờ đây, giữa bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ, bên cạnh phương thức truyền thống, mức độ gian lận trong thi cử cũng tinh vi hơn rất nhiều.

          Khảo sát cho thấy, chỉ cần gõ vài từ khóa liên quan, mạng Internet đã tràn ngập quảng bá thiết bị hiện đại, mà nhìn qua cũng thấy người bán chủ yếu nhằm phục vụ cho việc gian lận trong thi cử. Chẳng hạn trên nhiều sàn thương mại điện tử, gõ từ khóa “tai nghe siêu nhỏ”, lập tức tìm được hàng trăm sản phẩm có xuất xứ đa dạng với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng.

Thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử bị lực lượng Công an Hải Phòng thu giữ.

Cũng trên mạng xã hội, còn lan truyền rao bán tai nghe, camera siêu nhỏ được ngụy trang tinh vi với giá lên đến hàng triệu đồng, có nơi rao sẵn sàng cho thuê chỉ từ 200.000 đồng/lần. Đáng chú ý, các mẫu tai nghe không dây siêu nhỏ thông dụng là loại hạt đậu, hạt từ, được ngụy trang thành máy nghe nhạc, hộp diêm, điện thoại, thẻ ATM, chìa khóa... hay thậm chí là dán vai, cài cổ áo hoặc đặt trong máy tính để dễ qua mặt giám thị.

          Tại Hải Phòng, mỗi mùa thi đến, ngành Giáo dục – đào tạo lại phối hợp với các trường học, các hội cha mẹ học sinh tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng, nêu rõ ý nghĩa của của công tác thi cử, cũng như hậu quả nếu thí sinh cố ý vi phạm. Đồng thời ngành Giáo dục – Đào tạo cũng phối hợp với các cơ quan chức năng lên quan, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ, trong đó đặc biệt chú trọng đến nội dung chống gian lận trong thi cử. Cùng với quán triệt nhận thức, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Hội đồng thi, công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát cũng luôn được đề cao.

          Đối với Công an thành phố, một trong những lực lượng nòng cốt đảm bảo an toàn các kỳ thi, một khối lượng công việc rất lớn được đặt ra. Đơn cử như công tác tuyên truyền, quản lý các cơ sở dịch vụ photo copy nhằm ngăn chặn tệ nạn “phao” truyền thống. Hay như việc bảo vệ bí mật quá trình xây dựng, bảo quản, công bố đề thi, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện sự cấu kết gian lận và giám sát quá trình thi.

Sự chủ động vào cuộc của lực lượng Công an đã góp phần đảm bảo an toàn và tạo lên môi trường lành mạnh cho các kỳ thi, trong đó có nhiều chiến công cụ thể, rõ nét đã được ngành Giáo dục – đào tạo nói riêng và cộng đồng xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

          Như mới đây, vào ngày 2/7/2022, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022, trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện đối tượng Lê Xuân Tùng (32 tuổi, trú tại khu 14, xã Tiên Phú, huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ) thực hiện hành vi mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử.

Tang vật thu giữ khi vụ việc được điều tra mở rộng gồm: 29 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ, 3 camera ngụy trang, 1 điện thoại Nokia đã được kết nối dây dẫn có gắn 1 micro nhỏ, 4 tai nghe siêu nhỏ dạng hạt từ, cùng hàng trăm linh kiện điện tử để lắp ráp thành các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ gian lận trong thi cử.

Đại tá Đào Quang Trường - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra CATP Hải Phòng (giữa) kiểm tra tang vật thu giữ trong vụ việc ngày 2/7/2022

Trước đó, vào ngày 7-8-2020, Phòng An ninh chính trị nội bộ - CATP Hải Phòng cùng Công an quận Hồng Bàng và lực lượng Quản lý thị trường thành phố phối hợp kiểm tra tại nhà N.T.T.H (sinh năm 1992 ở Khu tái định cư phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng), phát hiện tại nhà của N.T.T.H  có 26 bộ tai nghe dây, 7 bộ thẻ tai nghe ATM siêu nhỏ. Tại thời điểm kiểm tra N.T.T.H đang cho thuê 1 bộ tai nghe không dây siêu nhỏ cùng thẻ tai nghe ATM với mục đích để gian lận trong thi cử.

Trên đây mới chỉ là những ví dụ điển hình về chiến công của lực lượng CATP trong việc chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử. Nhưng đó cũng đồng thời là sự cảnh báo đối với công tác tổ chức thi của nói chung và trách nhiệm của cộng đồng xã hội cũng như ý thức của mỗi thí sinh nói riêng, nhất là các em tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2022.

Được biết trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thành phố có 22.573 thí sinh tham dự. Ngành giáo dục thành phố điều động 3.024 cán bộ, công chức, viên chức tham gia kỳ thi, huy động 343 cán bộ, công chức, viên chức chấm thi. Cả cộng đồng đã vào cuộc, hy vọng rằng các em sẽ thực hiện kỳ thi thành công, xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình, xã hội cũng như nỗ lực của chính các em.

Tuy nhiên, nếu thí sinh nào không ý thức được, vướng phải những hành vi gian lận trong thi cử, rất có thể sẽ phải nhận bài học vô cùng đắt giá, liên quan đến cả tương lai của mình.

Lê Minh Thắng

         

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông