15:01 31/12/2023 Những ngày cuối năm 2023, tin vui dồn dập bay về khi các khoản thu ngân sách nội địa của Hải Phòng, cả số thu do ngành Thuế đảm nhiệm và số thu tiền sử dụng đất đều đã hoàn thành, vượt mức trông đợi 42.500 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu quan trọng, quyết định, liên quan trực tiếp tới nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác nên việc hoàn thành vượt mức kế hoạch có ý nghĩa vô cùng to lớn. Như vậy, năm 2023, bất chấp mọi khó khăn, thách thức, Hải Phòng tiếp tục đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, thể hiện rõ bản lĩnh của một thành phố luôn vững vàng vượt qua mọi gian nguy, trở ngại để bứt phá và thành công.
Bình tĩnh, tự tin, quyết liệt hành động
Chỉ tiêu thu ngân sách nội địa năm 2023 được coi là thách thức nhất đối với Hải Phòng khi có một loạt khó khăn bủa vây. Trong tất cả các cuộc họp, thu ngân sách bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu để bàn luận, phân tích rõ nguyên nhân và tìm giải pháp. Có thời điểm, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ tiêu thu ngân sách nội địa năm nay khó hoàn thành nhưng lãnh đạo thành phố xác định quyết tâm phải hoàn thành bằng được và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Và quả ngọt đã tới khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2023 chưa rơi xuống nhưng Hải Phòng đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi chỉ tiêu quan trọng và khó khăn nhất đã hoàn thành.
Số thu ngân sách nội địa, đặc biệt là số thu tiền sử dụng đất hoàn thành đã góp phần tháo gỡ nhiều lĩnh vực kinh tế khác của thành phố. Bởi năm 2023, thành phố đặt chỉ tiêu số thu tiền sử dụng đất 13.000 tỷ đồng và nhiều công trình, dự án đầu tư công được cơ cấu một phần bằng nguồn tiền đất. Nay số thu tiền đất hoàn thành đã khơi thông được các điểm nghẽn để các dự án đẩy nhanh tiến độ.
Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn chịu ảnh hưởng khá nặng nề của đại dịch COVID-19, việc Hải Phòng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu được coi là kỳ tích. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, một số địa phương đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu và cũng có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh cả chỉ tiêu của thành phố. Tuy nhiên, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khẳng định quan điểm nhất quán của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố là kiên định giữ các chỉ tiêu đã đề ra và hành động quyết liệt để hoàn thành, tuyệt đối không có tư tưởng bàn lùi.
Ngay như chỉ tiêu thu ngân sách nội địa, đến giữa năm mới đạt ở mức rất thấp nhưng Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định “như đinh đóng cột” nhất quyết phải đạt bằng được con số 42.500 đồng, không chấp nhận bất cứ lời đề nghị nào giảm thu tiền đất hay giảm chỉ tiêu thu thuế. Đối với một số dự án có khó khăn, ách tắc do chưa có nguồn tiền đất để giải ngân, lãnh đạo thành phố cũng rất bình tĩnh, kiên trì tìm các giải pháp thay thế, đồng thời đề nghị chủ đầu tư các dự án chuẩn bị sẵn sàng mọi hồ sơ, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công, có khối lượng hoàn thành để ngay sau khi có nguồn tiền đất vào ngân sách là giải ngân ngay, không vì thế mà làm chậm trễ tiến độ.
Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng Lê Gia Phong vui mừng cho biết, đến ngày 28-12, khi các số liệu thống kê về tình hình KTXH của Hải Phòng năm 2023 cơ bản hoàn tất, các mũi tên xanh chỉ lên thể hiện mức tăng trưởng chiếm đa số. Ngay cả một số chỉ tiêu mà cách đây 1-2 tháng được dự báo là khó hoàn thành thì tới thời điểm này đã tăng trưởng. Theo Cục trưởng Cục Thống kê Lê Gia Phong, đây là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện rõ kết quả sau 1 năm liên lục nỗ lực, cố gắng của toàn thành phố. Với mức tăng trưởng GRDP 10,34%, Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước; thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ nhất so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay cả chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng hơn 13% tuy chưa đạt kỳ vọng (15%) nhưng cũng là một trong những kỳ tích của Hải Phòng vì nhiều tỉnh, thành phố bạn có mức tăng trưởng công nghiệp rất thấp do thị trường thế giới và trong nước khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Cảng Hải Phòng không ngừng được mở rộng và phát triển (ảnh: Nguyễn Hồng Phong)
Cũng rất đáng phấn khởi khi chỉ tiêu sản lượng hàng qua Cảng tưởng chừng không hoàn thành nhưng tới những ngày cuối cùng của năm đã vượt lên, đạt hơn 170,08 triệu tấn, tăng 1,19% so với kế hoạch. Nhờ đó, kinh tế xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có sự tăng trưởng cao so với năm 2022. Một số chỉ tiêu tuy tăng thấp hơn năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao và vẫn đứng trong tốp đầu của cả nước như chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng thứ 5; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) đứng thứ 9; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD đứng thứ 2; thu nội địa đạt chỉ tiêu HĐND giao và vượt cao so với chỉ tiêu Trung ương giao. Hải Phòng còn là điểm sáng của cả nước trong giải ngân vốn đầu tư công; các hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi rõ nét; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo và phát huy hiệu quả. Rõ ràng, sự bình tĩnh, tự tin, quyết liệt hành động đã giúp thành phố vượt qua mọi gian nan, thử thách và thành công.
Bừng sáng những công trình mới
Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, chỉ cần qua cầu Hoàng Văn Thụ, tới khu vực bắc sông Cấm là đã có thể hình dung một Hải Phòng rất khác, một diện mạo hoàn toàn mới của Hải Phòng. Tại đây, 2 công trình thế kỷ của thành phố là Trung tâm Chính trị- Hành chính và Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn đã được thi công hết sức nhanh chóng, khẩn trương, tất cả các hạng mục đều đang vượt trước tiến độ, về tổng thể vượt trước kế hoạch khoảng 3 tháng.
Có được điều đó chính là nhờ thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu KTXH chủ yếu, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách và tập trung nguồn lực cho đầu tư công, cho các công trình, dự án trọng điểm và 2 công trình thế kỷ được ưu tiên đặc biệt về mọi mặt. Lãnh đạo thành phố khẳng định chắc chắn, tới năm 2025, sẽ hoàn thành việc chuyển trung tâm hành chính chính trị sang bắc sông Cấm. Đồng thời tổ chức nhiều sự kiện lớn tại đây như Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17; Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025…
Song song với đó, tiến độ đưa Thủy Nguyên lên thành phố đang được thúc đẩy rất nhanh; nhiều dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ thực hiện như cầu Rừng, cầu Lại Xuân, đường Đỗ Mười kéo dài; đường 10 từ cầu Đá Bạc tới cầu Kiền… Khu vực bắc sông Cấm sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới để Hải Phòng cất cánh.
Trung tâm Chính trị- Hành chính và Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn bắc sông Cấm đang được khẩn trương xây dựng (ảnh: Nguyễn Hồng Phong)
Cùng với đó là một loạt dự án khác cả trong và ngoài ngân sách như nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng- Máng nước- quốc lộ 5; cầu Máy Chai; tuyến đê biển Nam Đình Vũ; dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2; tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường kết nối từ Vĩnh Bảo, An Lão, Đồ Sơn ra đường ven biển và một loạt dự án giao thông khác. Năm 2023 cũng là năm đặc biệt thành công về phát triển nhà ở xã hội Hải Phòng với các dự án tại tổng kho 3 Lạc Viên; KCN Tràng Duệ; khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam; chung cư 5 tầng quận Đồ Sơn… Các dự án công viên, vườn hoa, cây xanh tiếp tục được quan tâm, đã hoàn thành công viên thể thao Hồ Sen và phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án khác tại các quận.
Năm 2023 cũng chứng kiến sự bứt phá về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; cảng biển; du lịch… Ngoài việc khởi công Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, thành phố chỉ đạo thúc đẩy tiến độ song song với thu hút đầu tư vào các KCN VSIP; nam cầu Kiền; An Dương; Tiên Thanh; nam Đình Vũ khu 1 và khu 2; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; thành lập các cụm công nghiệp Dũng Tiến- Giang Biên (Vĩnh Bảo); Quang Phục (Tiên Lãng); An Thọ (An Lão) và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập 4 KCN nam Tràng Cát; Thủy Nguyên; Tràng Duệ 3; Giang Biên 2.
Tiến độ các bến cảng Lạch Huyện 3,4,5,6 được đẩy nhanh để hoàn thành cuối năm 2024. Các bến 7,8 đang chuẩn bị khởi công; bến 9,10,11,12 đã có nhà đầu tư đề xuất.Các dự án: đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2; dự án mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn 2 và nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi được đấy nhanh hơn. Việc Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới góp phần mang lại những giá trị khác biệt cho du lịch Hải Phòng, cùng với những hành động quyết liệt nhằm quy hoạch, sử dụng hiệu quả đất đai tại Đồ Sơn và những sản phẩm du lịch mới đã làm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Hải Phòng. Hải Phòng cũng đang dần khẳng định vai trò trung tâm thương mại của vùng duyên hải Bắc bộ với nhiều hội chợ, hội thảo tầm quốc gia, khu vực và sự hiện diện của các trung tâm thương mại tầm cỡ.
Thành phố cũng dành nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng ưu tiên đầu tư xây dựng NTMKM, đến nay đã có 22 xã đạt chuẩn NTMKM; 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng 70 xã NTMKM theo kế hoạch năm 2022 và 2023.
Tiềm lực kinh tế tiếp tục được củng cố và nâng cao, Hải Phòng có điều kiện chăm lo phát triển y tế, giáo dục với những cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt. Thành phố tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãigia đình chính sách; thăm, tặng quà cho 174.655 lượt người có công với cách mạng với tổng kinh phí 541,6 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được quan tâm. QPAN được giữ vững.
Khép lại năm 2023, người dân Hải Phòng hoàn toàn có quyền tự hào về thành phố của mình, luôn vững vàng trước mọi sóng gió và luôn bừng cháy khát vọng phát triển. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thành phố bước vào năm 2024 với khí thế mới, động lực mới và quyết tâm vươn tới đỉnh cao mới./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh