18:05 18/12/2014
Từ ngày 15-12, cả nước mở chiến dịch kiểm soát tình trạng người vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Thông điệp của chiến dịch đưa ra: “Tính mạng con người là trên hết”; “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Hành động này đặt ra trước mắt nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra do “ma men”, đặc biệt trong dịp cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán ất Mùi 2015 đang đến gần; tiếp đó là kỳ vọng sẽ từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Kỳ 1: Quán nhậu và ATGT? Khi đời sống sinh hoạt vật chất ngày một nâng cao thì mặt trái của nó là tệ nhậu nhẹt, uống rượu bia xay xỉn cũng ngày càng phát triển mạnh. Các nhà hàng, quán bar, quán nhậu mọc lên như nấm cả ở khu vực nông thôn lẫn thành thị. Việc bán rượu, bia phục vụ thượng khách từ nhà hàng, quán ba, vũ trường đến... quán cơm bình dân đều không hạn chế, thậm chí còn khuyến khích, tiếp thị dưới mọi hình thức. Dạo qua tuyến đường Lạch Tray, từ 15h chiều, trên dọc tuyến phố này, hàng trăm hàng quán bùng phát, chen chúc căng bạt, ô dù, kê bàn ghế, lấn chiếm vỉa hè để bán rượu, bia, đồ nhậu phục vụ khách. Trên đường Nguyễn Văn Linh, trước đây hàng quán thưa thớt, chủ yếu là quán cơm bình dân, thế nhưng hiện nay, trên tuyến này có hàng chục nhà hàng lớn nhỏ đua nhau mọc lên. Xe cộ, phương tiện của khách để tràn lan, lấn chiếm cả vỉa hè lẫn lòng đường, cản trở giao thông. Tuyến đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), ngoài hàng chục nhà hàng sang trọng các loại, còn được mệnh danh là phố “bia, mực”, phố “thịt cầy”, phục vụ thực khách cả ngày lẫn đêm. Tuyến đại lộ Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân, quán rượu, bia mọc san sát lấn chiếm cả lối vào cổng chính trường học hoặc quán rượu bia choán hết khu vực mặt tiền Bến xe Niệm Nghĩa vào các buổi tối... Chạy xe một vòng qua các tuyến đường khu vực nội thành vào buổi tối, ta sẽ thấy nhà hàng, quán nhậu đều chật kín ô tô, xe máy. Theo nhiều người nhận định, người dân có thói quen uống rượu, bia nhậu nhẹt như ở thành phố Hải Phòng chỉ xếp sau các thành phố lớn, đông dân là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hơn nữa, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia quá mức đang có xu hướng gia tăng nhanh và trẻ hoá độ tuổi. Do chẳng có quy định nào hạn chế quán nhậu, nhà hàng bán rượu bia cho khách nên dân nhậu cứ thoải mái gọi rượu, bia và hò “zô, zô, zô” để uống. Có hàng trăm lý do để nhậu nhẹt; thậm chí là ép nhau uống. Để khuyến khích dân nhậu uống thêm bia, gọi thêm rượu, hàng đêm tại các quán nhậu, nhà hàng đông khách, đội ngũ nhân viên tiếp thị của các hãng rượu bia thay nhau toả đi khắp nơi, đến từng bàn mời chào, quảng cáo trực tiếp với khách. Khi đề cập đến vấn đề chốt chặt, kiểm tra xử phạt khách nhậu quá đà từ quán nhậu, nhà hàng ra tham gia giao thông, đại diện các cơ quan chức năng như CSGT, CSTT, Thanh tra giao thông đều có chung nhận định rằng vấn đề này không khó. Tuy nhiên trong khi địa bàn thành phố có đến hàng nghìn quán nhậu, nhà hàng, vũ trường, quán bar lớn nhỏ thì lực lượng chuyên trách không đủ quân số để đồng loạt dàn quân chốt chặn, kiểm tra xử lý. Mà nếu như chỉ xử lý tại một số nhà hàng thì sẽ dẫn tới phức tạp, nảy sinh tiêu cực. Trở lại vấn đề về hiện trạng sử dụng rượu bia trên cả nước, tại hội nghị triển khai chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn do Bộ Y tế tổ chức ngày 7-5-2014 đưa ra con số “khủng” về sức ăn nhậu của người Việt Nam. Cụ thể, mỗi năm cả nước tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia và gần 68 triệu lít rượu. Chi phí cho việc uống rượu, bia của người Việt Nam ta lên đến 3 tỷ đô-la Mỹ/năm. Và chỉ tính lượng bia/ tổng dân số cả nước thì trung bình cứ 1 người đã sử dụng khoảng trên 30 lít/năm - đứng số 1 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Còn theo con số mà Bộ Công thương đưa ra, sản lượng rượu bia trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, sản lượng bia, rượu sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam là khoảng 2,4 tỷ lít (gồm 2 tỷ lít bia và 400 triệu lít rượu). Trong đó, Cty Sabeco sản xuất, cung cấp 1 tỷ lít bia; Cty Habeco sản xuất tiêu thụ khoảng 650 triệu lít. Về rượu, các cơ sở sản xuất công nghiệp cung cấp 100 triệu lít. Rượu tự nấu trong dân là 200 triệu lít. Hơn 100 triệu lít rượu còn lại có nguồn gốc nước ngoài, được nhập khẩu bằng nhiều cách vào nội địa. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực trạng bia, rượu đang trở nên đáng báo động và nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời thì những nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ bị “hòa tan” cùng với rượu bia. Cùng với sự gia tăng sử dụng rượu bia là sự gia tăng TNGT, bạo lực gia đình, các bệnh mãn tính. Các khoản đóng góp từ ngành sản xuất rượu bia vào ngân sách được 1 đồng thì phải chi tới 2-3 đồng để giải quyết hậu quả của nó…
BOX: Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra cảnh báo: Việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến, với khoảng 70% đàn ông uống rượu bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc “bia hơi” mỗi ngày. Trong khi đó, biện pháp kiểm soát vĩ mô mới chỉ là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. Động thái tích cực mới chỉ là quy định cấm cán bộ công chức sử dụng rượu bia trong giời làm việc, bữa ăn trưa. Việc cấm hoặc hạn chế bán rượu tại các quá ăn, nhà hàng đã đến lúc phải tính đến. (còn nữa) Đoàn Lanh |
23:14 20/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết