17:29 26/11/2014
Tháng 7-2014, Bộ GTVT chính thức công bố Tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình với lộ trình được thiết lập từ các bến thủy nội địa và cảng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, với các cung đoạn tuyến nối các điểm đã được khảo sát. Đến nay, sau hơn 3 tháng đưa vào khai thác hoạt động, tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình đem lại hiệu quả kinh tế nhất định, quan trọng nhất là việc giải tỏa hàng hóa khu vực cảng biển Hải Phòng. Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, việc vận chuyển hàng hoá giữa 9 tỉnh, thành phố trên tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình (Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình) hiện chủ yếu bằng đường bộ, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 nghìn - 600 nghìn tấn với các loại hàng hoá gồm: bột đá, xi măng, than cám, cát, gạch, đất sét, xăng dầu, sắt thép, thiết bị, mangan… Từ khi thực hiện chủ trương siết chặt trọng tải phương tiện cơ giới đường bộ của Chính phủ (1-4-2014), đã xuất hiện ùn ứ hàng hóa tại cảng biển khu vực các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Ví dụ, tại khu vực cảng Hải Phòng, hàng hóa tăng 30 - 40% do tốc độ giải phóng hàng chậm hơn so với tốc độ nhận hàng. Hoặc tại cảng Xuân Hải (Hà Tĩnh), lượng hàng và tàu tăng lên gấp đôi do hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển vào cảng rồi mới phân phối cho khu vực. Trong khi đó năng lực vận tải của các doanh nghiệp vận tải khu vực Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc khá hùng hậu. Theo khảo sát của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện có khoảng hơn 500 chiếc phương tiện cấp VR-SB (đủ điều kiện an toàn kỹ thuật hoạt động trên các tuyến ven biển Việt Nam) đang có nhu cầu được khai thác. Ngoài ra, cả nước còn có khoảng 5.000 phương tiện VR-SI (phương tiện thủy nội địa) được Bộ GTVT chấp thuận cho phép hoạt động chở hàng xuất khẩu qua khu chuyển tải Vạn Gia đến các cảng phía Nam Trung Quốc sẵn sàng bổ sung chở hàng tuyến pha sông biển khi nâng cấp đủ điều kiện quy định. Với đội ngũ phương tiện này sẽ đủ khả năng đảm nhận được việc vận chuyển hàng hoá với khối lượng lớn, đặc biệt đối với hàng hoá là hàng siêu trường, siêu trọng từ cảng Hải Phòng đến các tỉnh miền Trung. Tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Quảng Bình được thiết lập trên cơn sở liên kết các bến thủy nội địa và các khu vực cảng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình. Trong đó, cung đoạn Hải Phòng - Quảng Bình được xác định đóng vai trò quan trọng nhất vì nhu cầu chở hàng quá khổ, quá tải (máy móc thiết bị nguyên khối) rất lớn, phục vụ cho xây dựng khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), Thanh Hóa, Ninh Bình. Sau hơn 3 tháng mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình, tại Hải Phòng có 18 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh vận tải tuyến ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình đăng ký khai thác với tổng số 21 phương tiện pha sông biển (cấp VR-SB có tải trọng từ 1.000-3.000 tấn/chiếc), tổng trọng tải thiết kế khoảng gần 45.000 tấn và tổng công suất thiết kế khoảng gần 15.000 CV. Còn theo Sở GTVT Quảng Ninh, địa phương có 12 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu chuyển đổi từ VR-S1 lên VR-SB với số lượng hàng chục chiếc. Ngay trong tháng đầu tiên (8-2014) khai thác tuyến, Cơ quan Cảng vụ hàng hải đã làm thủ tục cập cảng bốc hàng cho 20 lượt phương tiện (tổng trọng tải là 44.404 tấn) vận chuyển 28.966 tấn hàng hóa các loại từ khu vực cảng biển Hải Phòng đến các bến, cảng thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Đáng mừng là hàng tháng, số phương tiện làm thủ tục đăng ký khai thác tuyến và làm thủ tục bốc hàng tại khu vực cảng Hải Phòng đều tăng. Đến ngày 31-10-2014, Cơ quan cảng vụ đã làm thủ tục cập bến cho 75 lượt phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải Quảng Ninh - Quảng Bình đến khu vực cảng Hải Phòng bốc hàng với tổng trọng tải 133.212 tấn, đã vận chuyển gần 100.000 tấn hàng hóa các loại (chủ yếu là sắt thép, dầu, máy nguyên chiếc) đến các cảng thuộc Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tĩnh. Tiềm năng tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình sẽ lớn hơn bởi khả năng chuyên chở nhiều, mức độ an toàn hàng hóa cao hơn, hạn chế tối đa chi phí ngoài vận tải (đi lại, tổ chức điều hành...). Theo các chuyên gia ngành giao thông vận tải, để vận chuyển lượng hàng hóa 500-600 nghìn tấn bằng đường bộ (đi bằng xe 30 tấn) cần phải có khoảng 20.0000 lượt phương tiện/tháng, còn nếu vận chuyển khối lượng tương đương bằng tàu (tàu trọng tải 1.000 tấn) cần khoảng 600 lượt tàu/tháng (khoảng 80-100 tàu). Nghĩa là việc mở tuyến vận tải ven biển mới này sẽ giảm áp lực trên đường bộ cho khoảng hơn 20 nghìn lượt phương tiện/tháng, giảm được khoảng 500 - 600 nghìn tấn hàng hóa lưu thông trên đường bộ. Đoàn Lanh |
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024