16:38 26/06/2023 Sau 23 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thành công hết sức tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cả yêu cầu cấp bách trước mắt và yêu cầu mang tính chiến lược, lâu dài. Dư luận cử tri và nhân dân Hải Phòng, cả nước đánh giá rất cao kết quả kỳ họp và cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng bám sát thực tiễn cuộc sống, giải quyết những vấn đề của cuộc sống một cách kịp thời, thấu đáo, xứng đáng với sự mong mỏi và kỳ vọng của cử tri.
Kỳ họp nhiều kỷ lục
Cho đến ngày cuối cùng của kỳ họp, lịch làm việc của Quốc hội cũng dày đặc. Vừa biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết, vừa thảo luận tại hội trường về dự án luật khác, vừa bế mạc kỳ họp. Đây cũng chính là tinh thần làm việc chủ đạo của cả kỳ họp, 23 ngày làm việc đều được tranh thủ từng phút, từng giờ để giải quyết được nhiều nhất những công việc trọng đại của đất nước và đời sống kinh tế xã hội.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp thứ 5 là kỳ họp có thời gian làm việc dài nhất của Quốc hội kể từ đầu nhiệm kỳ khoá 15 đến nay với số lượng kỷ lục các nội dung được trình Quốc hội xem xét, quyết định trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật, gồm 6 luật đã cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc hội cũng đã thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu rất quan trọng đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đây là những dự án Luật rất quan trọng, xuất phát từ đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, tháo gỡ căn cơ, toàn diện nhiều khó khăn, vướng mắc và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, mới chỉ 2 năm, Quốc hội đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%. Điều đó cho thấy sự quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng của Quốc hội trong công tác lập pháp.
Hoạt động giám sát của Quốc hội trong kỳ họp này cũng được nhận định là rất sâu sát, hiệu quả với chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Từ thực tế này, Quốc hội chỉ đạo đẩy nhanh việc chuẩn bị, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng để bảo đảm có hành lang pháp lý đầy đủ cho lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các hoạt động chất vấn tại kỳ họp được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao. Quan trọng hơn, từ đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm túc các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước. Trong đó có một số mục tiêu cụ thể được người dân rất quan tâm như trong năm 2023 đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT, hoạt động đăng kiểm. Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Cũng rất đáng chú ý khi tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Đồng thời, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với 2 nội dung rất quan trọng. Một là, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Hai là, Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sửa đổi bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và kích cầu du lịch…
Cùng với đó, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…; xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…, báo cáo kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023); kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.
Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiều đóng góp quan trọng, tích cực
Hòa chung với không khí sôi động, khẩn trương của kỳ họp, đại biểu Quốc hội Hải Phòng tham gia tích cực, hiệu quả tất cả các nội dung của kỳ họp. Rất vinh dự khi Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mặc dù có rất nhiều việc nhưng vẫn dành thời gian tham dự các phiên họp tổ và có những ý kiến đóng góp quan trọng vào các dự luật được cử tri và nhân dân đang rất quan tâm như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi)…
Các đại biểu: Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố và các đại biểu: Nguyễn Chu Hồi; Tống Văn Băng… đóng góp nhiều ý kiến vào các dự án luật; các phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội; hoạt động giám sát…
Các đại biểu Quốc hội đã mang hơi thở cuộc sống từ Hải Phòng, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Hải Phòng tới diễn đàn Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của cử tri./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh