16:19 28/08/2014 Xe khách chạy tuyến Tam Bạc - Lương Yên Đầu tư ồ ạt
Đầu tư ồ ạt Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển vận tải khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội, các cơ quan quản lý bến, tuyến đều thừa nhận rằng, đỉnh điểm của sự bùng phát tới mức không thể kiểm soát được như hiện nay xảy ra chỉ trong thời gian 2 năm (2003-2004). Khi đó số lượng phương tiện vận tải khách theo tuyến cố định Hải Phòng - Hà Nội đăng ký đưa vào khai thác tăng gấp 4-5 lần cả về đầu xe và lượt chuyến so với năm 2000. Nguyên nhân, khi đó 2 địa phương Hải Phòng - Hà Nội tổ chức thành công mô hình xe khách “Chất lượng cao” chạy tuyến Tam Bạc - Kim Mã (đây là mô hình thí điểm trên cả nước), đã thu hút hành khách, đem lại thương hiệu cho một số doanh nghiệp (điển hình như Cty TNHH vận tải Hoàng Long). Rồi nữa, thời điểm đó, cả 2 TP Hải Phòng và Hà Nội đều xây dựng thêm những bến xe khách mới như: Bến xe khách Cầu Rào, Bến xe khách Lạc Long (Hải Phòng); Bến xe khách Lương Yên (Hà Nội). Việc cấp phép cho các doanh nghiệp tăng đầu xe, tăng nốt chạy và mở tuyến mới diễn ra ồ ạt, không còn có sự định hướng từ phía cơ quan lý chuyên ngành vì Luật Doanh nghiệp không cấm doanh nghiệp mở rộng đầu tư mua sắm phương tiện đưa vào khai thác kinh doanh như trước.
Về khía cạnh quản lý nhà nước, thời điểm đó, quy định chuyên ngành về vận tải khách rất cởi mở. Mục đích chính của việc này là giải quyết hậu quả của thời kỳ bao cấp, xóa bỏ độc quyền của các cty xe khách nhà nước, khắc phục tình trạng thiếu xe, tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận tiện. Rõ nét nhất, từ những năm 90 của thế kỷ 20, chủ trương mở rộng dịch vụ vận tải ô tô khách cho tất các các thành phần kinh tế tham gia đã thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động. Theo Luật Doanh nghiệp, đơn vị (doanh nghiệp) kinh doanh vận tải có quyền quyết định phương án đầu tư, lựa chọn tuyến khai thác đã có, hoặc đầu tư khai thác chạy thử sau khi đã xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ có chức năng tham gia góp ý cho doanh nghiệp, không có quyền định đoạt để tránh “gây cản trở khó khăn cho doanh nghiệp”. Việc nữa là sự đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực vận tải hành khách bằng ô tô từ khi Bộ GTVT ban hành quyết định số 09 (ngày 10-1-2005). Theo quyết định này, các cá nhân chỉ cần tham gia vào HTX, cty cổ phần là có thể ung dung một mình một xe chạy trên tuyến đường vài km đến hàng nghìn km mà không chịu sự kiểm tra, giám sát của chính doanh nghiệp “cho mượn thương hiệu”. Hậu quả là dịch vụ vận tải khách bằng ô tô lúc đó rất manh mún, nhỏ lẻ, 80% là xe thuộc sở hữu cá nhân, kinh doanh hầu hết theo kiểu “chộp giật”, bỏ qua việc xây dựng uy tín, thương hiệu, chỉ cần nhanh hoàn vốn đầu tư mua sắm phương tiện. Bùng nổ bến, tuyến Tại Hải Phòng, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì yếu kém lớn nhất trong vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định liên tỉnh Hà Nội - Hải Phòng là 2 vấn đề bến, tuyến. Lý do, vào thời điểm vận tải khách nở rộ nói trên thì thành phố chưa có quy hoạch bến, tuyến. Việc quy hoạch tuyến, bến chồng chéo, đan xen dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây mấy TTATGT, mất ANTT và lãng phí xã hội. Ví dụ, từ Bến xe Tam Bạc có 2 tuyến xe xuất bến đi Hà Nội là Tam Bạc - Gia Lâm và Tam Bạc - Lương Yên.
Về hình thức, đây là 2 tuyến xe chở khách liên tỉnh cố định rõ rệt, nhưng bản chất thì 2 tuyến này có lộ trình chạy chồng chéo đến 90% (chỉ tách từ đoạn hơn 10km địa phận Hà Nội). Xe chở khách chạy tuyến Tam Bạc - Gia Lâm hầu như không có khách bởi không chạy sâu vào trong nội thành như xe chạy tuyến Tam Bạc - Lương Yên và chất lượng xe, thái độ phục vụ cũng không được tốt như xe chạy trên tuyến Tam Bạc - Lương Yên. Vì vậy, hầu hết xe khách chạy tuyến Tam Bạc - Gia Lâm dở trò cạnh tranh bằng cách… chạy lòng vòng đón, trả khách ở cả 2 đầu bến. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này là phải sắp xếp lại hoạt động vận tải khách tại bến Tam Bạc. Cụ thể là chỉ quy hoạch 1 tuyến xe khách Tam Bạc - Lương Yên trong bối cảnh chưa có bến mới thay thế bến xe Tam Bạc này. Nhưng đặc biệt là tình trạng, cả cơ quan cấp phép và doanh nghiệp vận tải tìm mọi cách “lách luật” để mở tuyến, tăng chuyến, gây ra phức tạp và dư thừa phương tiện như hiện nay. Ví dụ, việc Sở Giao thông vận tải cấp phép “tạm” cho tuyến xe chạy từ An Lão (thực chất là từ cầu Quý Cao, Tiên Lãng) đến Bến xe Lương Yên đã tồn tại nhiều năm nay.
Bản chất của việc “cấp tạm” này là lách luật, vì theo quy định mới nhất (Nghị định 93/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô) thì tuyến này không được cấp phép vì không có bến đi mà chỉ là 1 điểm đón khách cố định. Sở GTVT “cấp tạm”, mục đích là để tránh cơ quan cấp trên khi có thanh tra, kiểm tra. Rồi cũng tại tuyến này, lúc đầu Sở GTVT cho phép lộ trình chạy: An Lão - Kiến An (tại ngã tư đèn tín hiệu giao thông Cống Đôi) - An Dương (qua cầu Kiến An - tỉnh lộ 352) - QL5 (ngã tư đèn tín hiệu giao thông Long Thành, An Dương). Tuy nhiên sau đó, Sở GTVT đã điều chỉnh lại lộ trình phức tạp hơn: An Lão - Kiến An (qua cầu Niệm) - đường vòng Hồng Quang - Nguyễn Văn Linh - QL5. Tính chất phức tạp càng tăng thêm khi xe khách chạy tuyến này gây “nhiễu”, không chấp hành lộ trình trên mà thường xuyên chạy thẳng vào nội thành cầu Niệm - Trần Nguyên Hãn - Tôn Đức Thắng - QL5 với mục đích “bắt” thêm khách đón xe ở khu vực cổng Bến xe Niệm Nghĩa, tranh giành khách với các xe khác, gây bức xúc dư luận và gây ra sự “khó chịu” cho hành khách, vì lẽ họ không muốn mất nhiều thời gian chạy lòng vòng trên xe mà muốn chạy theo đúng lộ trình An Lão - Lương Yên (Hà Nội). Rõ ràng, việc bùng nổ các tuyến, sự cấp phép tràn lan chính là nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng thừa xe, thiếu khách, dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh, lộn xộn, mất ANTT trong vận tải khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội hiện nay. (còn nữa) Nhóm phóng viên nội chính |
23:14 20/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết