Kỷ niệm 29 năm Báo An ninh Hải Phòng xuất bản số đầu (12/6/1991-12/6/2020): Chuyện nghề báo

15:17 12/06/2020

Tôi nhớ, năm đầu tiên chuyển về công tác ở Báo An ninh Hải Phòng, cũng đúng là năm thành phố phát động cuộc thi báo chí về gương “người tốt, việc tốt”, tôi hăm hở vào cuộc…

Phóng viên Báo ANHP ( ngoài cùng bên trái) trong sự kiện đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về làm việc tại Hải Phòng

          “Hụt giải”

Mọi việc diễn ra tương đối thuận lợi, tài liệu dày dặn, bởi gương sáng mà tôi lựa chọn tiếp cận là một trong những điển hình tiên tiến nhất thành phố lúc đó, rồi tác phẩm của tôi lọt vào vòng chung khảo, được đề cử giải rất cao. Nhưng sau đó bài viết bị một thành viên quan trọng phản đối quyết liệt vì “tít có vấn đề”, thế là tác phẩm của tôi “bay” luôn, đến danh sách giải phụ cũng không có mặt.

          Thoạt đầu tôi cũng thấy hụt hẫng, rồi bình tâm lại, quyết chí phấn đấu, bằng cách trau dồi ngòi bút cho nhuần nhuyễn hơn, xem như câu chuyện “hụt giải” ban đầu chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Một thời gian sau, tôi được gia nhiệm vụ tham gia “khơi sáng” vụ việc tham nhũng liên quan đến đất đai rất lớn.

Thật trớ trêu, người chủ mưu của vụ sai phạm này lại chính là nhân vật “tiên tiến” nêu trên. Tôi thở phào nhẹ nhõm, dù những gì mình viết trước đó từ nguồn tài liệu đã được rất nhiều cơ quan chuyên trách thẩm định, hóa ra bài viết “hụt giải” lại là cái may. Từ đó tôi được dịp tự soi, từng bước hình thành bản lĩnh, ngẫm rằng làm báo không chỉ là độ dài về tuổi nghề, mà quan trọng là vốn sống và hiểu những gì mình viết.

Phóng viên Báo ANHP (mặc quân phục đứng giữa) nhận giải Nhất cuộc thi viết về du lịch Hải Phòng năm 2019

Đối với mỗi sự kiện, tôi tiếp cận thận trọng hơn, nghiên cứu kỹ cho đến khi hiểu hết mọi chuyện mới triển khai thành tác phẩm, quả thật cách làm này tự tin và hiệu quả. Chỉ một năm sau vụ “hụt giải” đầu tiên, tôi vui mừng tột độ khi biết một tác phẩm mới của mình được trao giải báo chí quốc gia, được đứng trên sân khấu ngang hàng với nhiều tên tuổi làng báo cả nước.

Tôi nhớ có một lần, khi nghe tin hàng trăm người dân đang “vây” một trường mầm non đòi đuổi nghề một nữ hiệu trưởng có nhiều sai phạm. Tôi chuẩn bị rất cẩn thận, giấu kín dụng cụ hành nghề rồi đột nhập vào trường… Nhưng ngay lập tức bị phát hiện, đơn giản vì trường của xã, làng trên xóm dưới người ta biết mặt nhau hết, lạ hoắc như tôi hèn gì không bị lộ? Lúc ấy bà con xúm lại, người túm tay, kẻ túm nhiều chỗ khác, khênh tôi ra khỏi hiện trường, trước sức nóng của đám đông, tôi mặc kệ cho họ muốn khênh đi đâu thì đi.

Đến lúc lực lượng an ninh đến giải cứu, tôi mới xuất trình giấy tờ, khi biết tôi là nhà báo thì mọi chuyện quay ngược ngay lập tức, bà con cũng xúm lại, nhưng là xoa bóp, xin lỗi, động viên, cung cấp thông tin…

Sau vụ ấy, tôi trở về không những có được một bài hay, tràn trề sức sống mà còn có thêm đôi gà của bà con tặng nữa. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, tôi ngày càng bình tĩnh hơn, cố gắng tránh sự vồ vập trước những vấn đề được coi là “nóng sốt” như thế.

Một trong những hoạt động thường niên của Báo An ninh Hải Phòng

          Đề cao trách nhiệm, lương tâm của người làm báo

          Những năm gần đây, công nghệ thông tin đã khiến người người làm báo chuyên nghiệp không còn vị trí dộc tôn trong làng truyền thông. Hơn thế, mỗi sự kiện gây sự chú ý, lập tức được lan truyền đến mức chóng mặt, có khi “bé xé thành to”, và vì thế người ta nói nhiều đến đạo đức báo chí.

Có nhiều nguyên nhân chi phối đạo đức nghề báo hiện nay, có thể là lòng tham, có thể vì sức ép từ công việc, có thể do nôn nóng nổi tiếng hoặc áp lực này nọ. Cũng có nhà báo tâm huyết, nhưng vì vốn sống quá ít, nhìn nhận vấn đề không thấu đáo, nên khi đứng trên danh nghĩa công lý, để chỉ trích, để phán xét, để giáo huấn… có khi lại là thảm họa.

Nhìn lại thời gian qua, Hải Phòng có không ít vụ việc bị thổi phồng nhờ sự suy diễn nhiệt tình. Điển hình có thể kể đến vụ cưỡng chế đầm tôm ở xã Vinh Quanh (Tiên Lãng), vụ “Liệt sỹ trở về” cũng xảy ra ở Tiên Lãng, vụ “rồng lạ” trên đường Lê Hồng Phong, vụ “hàng nghìn cây chuối bị giang hồ đất cảng đốn gục trong đêm” ở Thủy Nguyên… Các vụ việc đã được xử lý nhưng bản chất xa với nội dung phản ánh, đáng buồn là truyền thông đã tạo ra dư luận tiêu cực, gây không ít khó khăn cho việc khắc phục hậu quả.

Theo dõi các vụ việc, tôi thấy nổi lên mấy dạng bài viết: dạng thứ nhất là nhóm những bài viết có chủ ý, lộ rõ động cơ vụ lợi; dạng thứ hai là nhóm những bài viết hùa theo để “câu view” hoặc theo kiểu không bị hớ trước một sự kiện quan trọng; dạng thứ ba có cách tiếp cận thận trọng hoặc trung dung; dạng thứ tư đối lập với phương pháp tư duy của dạng thứ nhất… Mâu thuẫn giữa các dạng phản ánh dẫn tới thông tin bị nhiễu loạn, rất nhiều vụ việc đã đi lệch hướng.

Giải bóng đá Cúp Báo An ninh Hải Phòng đã trở thành một "thương hiệu" của thể thao thành phố

Tục ngữ có câu “Không có lửa thì sao có khói”, người làm báo thấy khói là mô tả, tìm được lửa lại càng tốt, nhưng để dập nó hay thổi bùng lên lại là chuyện khác, bởi thế nên xã hội mới đòi hỏi đến trách nhiệm, lương tâm của người làm báo. Sức lan tỏa của báo chí là thế, người viết là một chuyện, nhưng đáng tiếc là  không ít người người giữ trách nhiệm, có quyền lực cao và công cụ trong tay, lại vội vã bỏ qua những nguyên tắc cơ bản của thể chế, để chạy theo dư luận để xử lý.

Điều đó cũng đồng thời nói lên rằng, báo chí có vai trò định hướng xã hội rất quan trọng. Nhưng dù là ai, là nhà báo, là quan hay là dân, thì cũng phải thượng tôn pháp luật, đấy là nghĩa vụ bình đẳng của mọi công dân đối với bất cứ đất nước nào. Hồ Chủ Tịch đã nói: “Viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào?”, nghĩa là phải thực sự cân nhắc mỗi khi viết, đặt mình vào hoàn cảnh là đối tượng phản ánh, là người tiếp nhận, rồi hậu quả tác động của tác phẩm…

Mới hay, trong câu chuyện “lửa… khói” của nghề báo, chất lượng một bài báo là phải đạt được mục tiêu tích cực, và tác giả phải chịu trách nhiệm đến cùng cho tác phẩm của mình.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông