08:24 25/10/2022 Cách đây 70 năm từ tháng 10/1952, Trung ương Đảng đã quyết định tiến hành chiến dịch Tây Bắc. Chủ trương "tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh" đã góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng. Chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi gần 2 tháng sau đó, đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường.
Bài 1-Chủ động chiếm lĩnh chiến trường
Sau Chiến dịch Biên giới 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình có nhiều biến đổi lớn. Trên thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ Nhân dân ngày càng được củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt.
Trong bối cảnh đó, được sự giúp sức của Mỹ, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Đờlát Đờ Tátxinhi, tư lệnh lục quân khối Tây Âu sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh, kiêm chức Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Ngay sau khi đến Đông Dương, Đờlát đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch nhiều điểm, xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh, tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định vùng tạm chiếm, đánh phá ác liệt các căn cứ hậu phương của ta, đẩy mạnh thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh” .
Sau chiến thắng Biên giới 1950, quân và dân ta đã phát huy thế tiến công chiến lược, đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành nhiều chiến dịch và giành được những thắng lợi liên tiếp, có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (12/1950 - 1/1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951), Chiến dịch Quang Trung (1951), Chiến dịch Hòa Bình (12/1951-2/1952), đã khẳng định thế tiến công chiến lược của quân và dân ta tiếp tục giành và giữ vững quyền chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế phòng ngự, đối phó.
Tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc. Mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai - Vân Nam) và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào.
Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng. Từ đây, địch có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Lực lượng địch chiếm đóng ở Tây Bắc có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo bố trí phân tán trên 144 cứ điểm, gồm phần lớn là quân ngụy. Lực lượng Âu - Phi có 3 tiểu đoàn chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động; ngoài ra có tiểu đoàn dù ở Hà Nội khi cần, dùng đường không cơ động đến tăng viện.
Vùng Tây Bắc thời kỳ này gồm 5 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ là vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở, đất rộng, người thưa. Phía Tây giáp với 2 tỉnh của Lào (Phong Xa Lỳ, Sầm Nưa), phía Đông giáp với căn cứ địa Việt Bắc, phía Bắc là biên giới Việt-Trung (đối diện tỉnh Lào Cai là tỉnh Vân Nam), phía Nam giáp với tỉnh Hòa Bình, thông với Liên khu 3 và Liên khu 4.
Sông Thao, sông Mã, sông Đà là ba con sông lớn, quanh năm nước chảy xiết và chia cắt Tây Bắc thành các khu vực. Đường vào Tây Bắc chỉ có hai trục lớn là đường số 41 từ Hòa Bình đi Mộc Châu (Sơn La) và đường số 13 từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ. Các cộng đồng tộc người vùng Tây Bắc chủ yếu là Mông, Dao, Thái, Mường và Kinh có lịch sử phát triển lâu đời, có truyền thống yêu nước, cách mạng nhưng kinh tế phân tán, văn hóa xã hội chậm phát triển.
Thực hiện chủ trương chuyển hướng tiến công chiến lược, từ tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị toàn quân và toàn dân ta xúc tiến công tác chuẩn bị chiến dịch với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc. Ngày 06/9/1952, Bộ Tổng Tư lệnh mở hội nghị cán bộ phổ biến quyết tâm chiến dịch.
Ngày 09/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên và nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch chiến dịch Tây Bắc, Người căn dặn “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ, chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi”, “gặp thuận lợi thì phải quyết tâm phát triển, gặp khó khăn thì phải quyết tâm khắc phục”.
Cùng ngày, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ nhiệm Cung cấp.
Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm các đại đoàn 308, 312, 316 (thiếu), tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội Sơn pháo 75 ly, 3 đại đội súng cối 120 ly, 1 Trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương thuộc các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai. Dân công cần huy động phục vụ chiến dịch khoảng 35.000 người. Về nhân lực, vật lực, Trung ương giao các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc trực tiếp phục vụ hướng Nghĩa Lộ; các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam… phục vụ hướng Sơn La.
Trên địa bàn Liên khu 3 và Việt Bắc, Bộ Tổng Tư lệnh có kế hoạch nghi binh lớn, Trung đoàn 238 ở Bắc Ninh, Bắc Giang mang tên mới là Đại đoàn 316, Trung đoàn 246 ở Vĩnh Yên, Phúc Yên lấy bí danh Đại đoàn 308, Trung đoàn 91 ở Sơn Tây, Phú Thọ được gọi là Đại đoàn 312… Các đơn vị trên đều có phương án hoạt động, liên lạc công khai với Bộ Tổng Tư lệnh bằng điện đài làm cho địch rất khó phán đoán hướng tiến công.
Hoàng Minh (Còn nữa)
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh