08:28 09/01/2020 Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (tư liệu)
Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào XôViết - Nghệ Tĩnh, đã làm rung chuyển chế độ thống trị của đế quốc Pháp và tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quần chúng cách mạng đã vùng dậy trừng trị bọn cường hào, phản động, tay sai thực dân Pháp, thành lập chính quyền cách mạng ở một số nơi theo hình thức Xô-Viết.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Ðảng đề ra là đúng đắn và để lại những bài học quý báu về xây dựng liên minh công-nông, về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, về phát động phong trào quần chúng đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền.
Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 -1939), khởi đầu tại Hội nghị thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.
Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cao trào đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng; Đảng đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng Mặt trận dân tộc Thống nhất, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp...
Nổi bật nhất là Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự đoàn kết hăng hái, chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trước đó, ngay từ năm 1930, Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Tháng 11-1939, Hội nghị Ban chấp hành của Đảng được tổ chức, xác định nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc.
Thời kỳ này, tình hình thế giới chuyển biến mau lẹ. Tháng 9-1939 Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phát xít Đức chiếm được Pháp, chính phủ Pháp đầu hàng. Lúc này chính sách của Pháp ở Đông Dương thay đổi, chúng ra sức vơ vét sức người, sức của dốc vào chiến tranh.
Cuối tháng 9-1940, Nhật xâm lược nước ta, Pháp đầu hàng và câu kết với Nhật để cai trị nhân dân ta. Ở trong nước diễn ra nhiều cuộc đấu tranh quan trọng, tiêu biểu như khởi nghĩa Bắc Sơn tháng 9-1940, khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940, binh biến Đô Lương tháng 1-1941…
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nên các cuộc đấu tranh đều chưa đem lại thắng lợi cuối cùng, một bộ phận không nhỏ lực lượng cách mạng bị tổn thất, nhiều lãnh tụ kiệt xuất của Đảng đã anh dũng hy sinh.
Lực lượng cách mạng chiếm lĩnh Bắc Bộ Phủ tháng 8-1945 (tư liệu)
Đúng thời điểm này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) vào tháng 8-1941.
Hội nghị đã đề ra những quyết sách hết sức kịp thời, khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của nước ta lúc đó là giải phóng dân tộc, nhấn mạnh khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, hình thái vận động từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tiến tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hội nghị cũng chủ trương thành lập Mặt trận độc lập đồng minh (Việt minh) thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Kết quả của hội nghị là bước ngoặt đặc biệt quan trọng, đề ra chủ trương sáng tạo, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược của Đảng ta.
Từ cuối năm 1944 sang đầu năm 1945, quan phát xít thất bại liên tiếp trên các chiến trường, ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Ngay đêm đó Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng được triệu tập tại Đình Bảng (Bắc Ninh), nhận định về thời cơ, ban hành chỉ thị phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong.
Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức Uỷ ban dân tộc giải phóng các cấp và trong phạm vi cả nước, thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức chính quyền cách mạng lâm thời của nước Việt Nam mới).
Ngày 13-8-1945, ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên nhân dân ta mấy mươi thế kỉ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Khái quát ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Hoàng Minh (còn nữa)
23:13 03/01/2025
14:35 01/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh