15:13 16/09/2019 Vừa phóng xe về đến đầu ngõ, chưa kịp giảm ga đã thấy ông hàng xóm vẫy chào, tôi đi chầm chậm lại thì ông bám theo cho đến khi tôi dừng hẳn trước cửa nhà. Mặt hơi đỏ, giọng nói của ông có vẻ ngượng nghịu: “May quá, có tiền ở đấy cho anh mượn 500 nghìn, mấy hôm nữa anh trả…”.
Ảnh minh họa mùa cưới
Lo nợ đồng lần
Dù tôi không đòi hỏi gì, nhưng ông Khoa (tên người hàng xóm) vẫn trình bày: “Có cái đám cưới con thằng bạn, không bảo trước với vợ nên chuẩn bị đi mới biết nhà hết tiền…”.
Rồi ông vò đầu bứt tai nói tiếp: “Khổ lắm chú ạ, lương hưu không đủ đi vài cái đám, biết làm sao được!”. Hơi bất ngờ nhưng tôi vẫn cố giữ thái độ bình thản, chứ chả nhẽ lại nói: “Chẳng phải hưu như anh, mà tại chức như em cũng còn chịu không nổi…”. Kìm lòng, tôi lấy ra 500 nghìn đồng trong phần nhuận bút vừa lĩnh đưa cho ông Khoa.
Kể ra thì đúng là khổ thật, ông Khoa vốn là công nhân, mới 55 tuổi nhưng sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ hưu sớm. Lương hưu công nhân, hưởng theo chế độ tối thiểu lại chưa đủ độ tuổi nên ông Khoa chỉ được lĩnh gần ba triệu đồng/tháng. Chi tiêu của cả nhà, ngoài phần lương hưu ít ỏi kể trên, còn trông cả vào thu nhập của vợ ông với chiếc bàn bán bánh mỳ - trứng –sữa buổi sáng.
Cũng may là hai cô con gái đã gả được chồng, nhà giờ ba miệng ăn gồm vợ chồng ông và một mẹ già, nhưng ngày nào cũng lâm vào cảm giác cạn tiền. Ông Khoa bộc bạch: “Từ đầu tháng 8 âm đến giờ đã dính 5 cái đám cưới, con mình cưới người ta đi đủ, đến lượt con người ta cưới thì mình trốn đi đâu được”.
Thu chẳng đủ bù chi
Ông Khoa vừa về, tôi chưa kịp đóng cửa thì chị Ngân, một hàng xóm khác chạy sang: “Bác Khoa vừa vay tiền anh à, bác ấy cũng hỏi em trước rồi nhưng em làm gì có…”.
Tiện theo chủ đề, tôi tiếp chuyện chị Ngân, nghe chị trải lòng: “Thì anh tính, ăn bây giờ có đáng bao nhiêu đâu…”. Quả vậy, để chứng minh, chị chạy về lấy cho tôi xem quyển sổ chi tiêu, trong đó tính chi li, cộng tiền gạo, thịt, cá, rau, dầu, mắm, muối, mì chính, gas, điện, nước… sinh hoạt cả tháng cho nhà 4 khẩu ăn mới hết gần 7 triệu đồng.
Nhưng lật sang phần chi tiêu ngoài sinh hoạt, chị Ngân chỉ vào những khoản đã được cộng trong nửa đầu tháng 8 (AL): 5 đám cưới 2,5 triệu đồng, 2 đám ma 300 nghìn đồng, 2 đám bốc mộ 400 nghìn đồng, 2 lần thăm người ốm 400 nghìn đồng, 1 lần thăm người đẻ 200 nghìn đồng, góp cúng bố chồng 500 nghìn đồng, tiền quà 3 lần về quê hết 500 nghìn đồng, chữa ổn áp hết 300 nghìn đồng…
Sinh ra ở quê, chị Ngân ra phố làm công nhân giầy da được hơn chục năm nay, lấy chồng cùng nhà máy, thu nhập bình quân cả hai vợ chồng mỗi tháng được 7 triệu đồng. Từ ngày có con, cuộc sống trở thành túng bấn, chỉ riêng tiền học cho hai đứa đã hết 3 triệu đồng/tháng. Trong khi nhà máy nhiều lao động, cứ đến mùa cưới là lại lo rầu lo rĩ.
Khổ thế mà chưa hết, lẽ ra dịp Quốc khánh vừa rồi chị cũng có đám họp lớp ở quê, nhưng bí quá nên đành vắng mặt, mấy đứa bạn gọi điện ra nói mát: “Ra phố ở rồi quên bạn bè ở quê phải không?”, họ có biết đâu hoàn cảnh nhà chị, thì đành chấp nhận vậy thôi, chứ cứ có tiền mới được coi là sống đẹp, thì phận mình biết đến bao giờ…
Nhiều chuyện vì thiếu tiền không thực hiện, nhưng nỗi buồn lớn nhất mà anh chị phải âm thầm day dứt là hai bên bố mẹ đều đã già, nhưng tự nhiên chẳng bao giờ anh chị gửi về biếu được đồng nào. Họa chăng đến tết mới dám biếu các cụ vài trăm nghìn đồng.
Cầm cuốn sổ nhỏ ghi chép chi tiêu trên tay, chị lẩm nhẩm, thế là lại thêm một tháng nữa khoản chi bị “âm” so với tổng thu nhập của gia đình, trong khi còn bao nhiều việc lỡ dở không thực hiện được. Chị kết thúc câu chuyện bằng giọng ngậm ngùi: “Đã thế dạo này công ty em ít việc, ngày làm ngày nghỉ, mỗi lần lĩnh lương xong lại xót hết cả ruột”.
Lo ngay ngáy lúc… động phòng
25 tuổi, ngay từ khi tốt nghiệp đại học Kiên đã được tuyển làm việc tại một quận nội thành, đến nay là công chức đã gần 3 năm, bạn bè ai cũng bảo số Kiên may mắn. Thêm nữa, cô vợ mới cưới cũng là viên chức hợp đồng của một đơn vị sự nghiệp cùng quận, suôn sẻ như thế khối người ghen tỵ cũng đáng.
Nhưng hôm vừa rồi, tình cờ gặp Kiên trên đường, nhìn cậu ta đầu tóc rối bời, mắt trũng xuống thâm quầng, tôi đùa: “Mới được mấy hôm mà để vợ nó hành khổ nhỉ?”, Kiên cười, nhưng không còn vẻ tươi tắn vô tư như ngày nào nữa: “Vợ hành đã khổ, nhưng tiền nó hành khổ hơn anh ạ!”.
Rồi Kiên tâm sự rất thật: “Anh lạ gì nhà em, lo được cho em cái việc, lại lo cưới vợ, chẳng biết đến bao giờ thu lại được vốn…”.
Thì ra, ngay cái mác “công chức” mà Kiên được coi là có năng lực và chút may mắn mấy năm trước, thì bố mẹ cậu cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mới đổi được. Giờ đây lương nhân viên quèn không đủ chi cho bản thân hàng tháng, nói gì đến bù đắp trả cho bố mẹ, Kiên nhếch mép: “Chẳng có màu mè gì anh ạ, chả trách chỗ khác cứ có điều kiện là người ta tham nhũng, vì vốn bỏ ra không tham thì lấy gì mà hồi…”.
Kiên cho biết thêm, ngay như cô vợ mới cưới, chỉ xin suất hợp đồng từng năm một mà đã hết hơn 70 triệu tiền quà cáp, “Biết vậy những vẫn phải chi, vì còn đầy người mơ cũng chả được, nằm phục chờ cơ hội biên chế anh ạ”, Kiên giãi bày lý do “đầu tư”.
Lại kể về vụ “cưới vợ”, Kiên nói: “Em cũng chẳng muốn làm to tát, nhưng bố mẹ hai bên đều bảo không to cũng phải đàng hoàng, hơn nữa nhà mình đi đến nhà người ta nhiều rồi, giờ phải “đòi” lại chứ…”. Cưới xong, tiền mừng tưởng để ra được một chút, nhưng sau khi tính toán trừ cỗ bàn, thuê nhà hàng, xe, mua sắm từ ăn hỏi đến cưới, vẫn còn “lõm” hơn hai chục triệu đồng.
Đã thế, bố mẹ Kiên vốn tính cẩn thận, chưa cưới đã tính đến lễ cho hai vợ chồng tết này đi nhận họ, tổng cộng cả hai họ gần một trăm nhà thuộc diện bề bậc. Kiên đã thử gạt đi nhưng bị bố mẹ thuyết cho một trận, các cụ bảo sống mà không lễ nghĩa thì sống làm cái gì, để người ta cười vào mặt cho à? Tính ra, một lễ nhận họ chỉ hộp bánh, gói trà cũng hơn trăm nghìn đồng, nghĩa là tết này phải chi thêm hơn chục triệu đồng cho cái vụ “dâu, rể mới” nữa.
“Anh biết không, vừa cưới mà chúng em đã phải lo sống để trả nợ, chưa nói đến sau này có con cái…” – Kiên cười nhưng nét mặt thảng thốt buồn. Từ nay đến tết chả còn mấy tháng, chuyện nhận họ cũng phải đi trước, tốn công là một nhẽ nhưng “của” thì chưa biết moi đâu ra. Kiên chua chát than: “Thú thực với anh, hôm cưới hai vợ chồng em vừa động phòng vừa lo ngay ngáy”.
Hoàng Minh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết