15:14 09/05/2022 Để bảo đảm nguồn cung trong nước trong điều kiện mùa vụ thất thu vì nắng nóng, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch hạn chế xuất khẩu lúa mỳ.
New Delhi đang xem xét hạn chế xuất khẩu lúa mỳ khi thời tiết nắng nóng khiến sản lượng mùa vụ suy giảm, làm trầm trọng thêm vấn nạn căng thẳng nguồn cung toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine khiến lạm phát lương thực tăng cao.
Ấn Độ vừa trải qua tháng 3 nắng nóng nhất trong lịch sử, làm giảm năng suất mùa vụ lúa mỳ - nguồn cung vốn được thế giới trông đợi nhiều để làm dịu thiếu hụt lương thực. Theo nguồn thạo tin ẩn danh trong chính quyền Ấn Độ, để bảo đảm cung ứng trong nước, nước này đang xem xét hạn chế xuất khẩu lúa mỳ. Nguồn tin cho biết, giới chức hàng đầu tại New Delhi đang thảo luận về hướng đi này và sẽ trình đề xuất lên Thủ tướng Narendra Modi – người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng thu hoạch lúa mỳ tại Ấn Độ suy giảm.
Theo Bộ trưởng Lương thực Sudhanshu Pandey, Ấn Độ ở thời điểm hiện tại chưa cần áp hạn chế xuất khẩu, khi nguồn cung vẫn bảo đảm đủ nhu cầu trong nước. Người phát ngôn Bộ Tài chính Ấn Độ không trả lời cuộc gọi của phóng viên tờ The Economist đề nghị làm rõ thông tin, trong khi Bộ Thương mại nước này cũng không phản hồi đề nghị gửi qua thư điện từ muốn xác minh thông tin chính phủ có kế hoạch hạn chế xuất khẩu lúa mỳ.
Hạn chế xuất khẩu sẽ là cú đánh mạnh vào tham vọng của Ấn Độ về nguồn thu lớn đến từ đà tăng giá mạnh của lúa mỳ trên thị trường toàn cầu – xu hướng nổi lên ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine làm đứt gãy dòng thương mại tại vựa lúa mỳ tại khu vực Biển Đen. Các quốc gia nhập khẩu từng trông đợi nhiều vào nguồn cung từ Ấn Độ, với việc khách hàng lớn Ai Cập mới đây đã phê duyệt kế hoạch nhập khẩu lúa mỳ của Ấn Độ.
Bước đi này nếu được triển khai trên thực tế cũng sẽ làm gia tăng làn sóng của chủ nghĩa bảo hộ mùa vụ trên thế giới, khi chính phủ nhiều nước tìm cách bảo vệ nguồn cung trong nước giữa thời điểm giá tăng cao, lo sợ thiếu hụt nguồn cung. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến lạm phát lương thực toàn cầu tồi tệ hơn sau khi giá tăng mạnh, nhanh lên mức cao kỷ lục trong thời gian qua.
Một trong những chiến lược mà Ấn Độ có thể theo đuổi là áp mức giá xuất khẩu tối thiểu. Bằng cách này, chính quyền New Delhi tránh được việc bị mang tiếng là cấm xuất khẩu, đồng thời vẫn có thể thúc đẩy nguồn cung trong nước, giữ giá ổn định. Bộ Lương thực Ấn Độ ngày 4/5 cắt giảm dự báo sản lượng thu hoạch lúa mỳ vụ này xuống còn 105 triệu tấn, gaimr so với mức 111 triệu tấn như dự báo trước đó và thấp hơn mức sản lượng 106,9 triệu tấn của vụ trước.
Sản lượng thu hoạch giảm đang gây ra nhiều quan ngại với thị trường trong nước, khi có hàng triệu người Ấn Độ sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, coi đây là sinh kế chính và nguồn cung lương thực chủ đạo. Nó cũng làm giảm thu nhập của nông dân. Chính phủ cũng mua lúa mỳ theo chương trình phúc lợi, một chương trình cung cấp trợ giá lương thực cho khoảng 2/3 dân số Ấn Độ. Nhưng số lượng mua có thể giảm xuống còn 19,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, chưa bằng 50% so với năm trước – Bộ trưởng Pandey cho biết.
Nông dân Ấn Độ hiện có xu hướng bán lúa cho các công ty tư nhân – số chào mức giá cao hơn giá tối thiểu được chính phủ đặt ra. Nguyên nhân là do nhu cầu trong nước và các thị trường nước ngoài tăng. Theo Bộ Lương thực Ấn Độ, các đầu mối xuất khẩu tại nước này đã ký hợp đồng xuất khẩu 4 triệu tấn lúa mỳ trong niên vụ 2022-2023. Sau Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông qua quyết định nhập khẩu lúa mỳ của Ấn Độ.
Trong một diễn biến phản ánh lo ngại của nhà chức trách New Delhi về làm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ ngày 4/5 đã bất ngờ tăng lãi suất chủ chốt, đẩy thị trường cổ phiếu, trái phiếu mất giá mạnh. Sức ép lạm phát kéo dài đang ngày một rõ, nhất là với lương thực và đây là nguy cơ khiến giá mặt hàng này đứng ở mức cao trong thời gian tới.
Theo báo Tin tức
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh