Làng nghề mây tre đan Tiên Cầm nhộn nhịp vào mùa

17:42 24/08/2017

Làng Tiên Cầm thuộc xã An Thái, huyện An Lão vốn nổi tiếng là làng nghề mây tre đan, đặc biệt là đan cốt tre làm ngựa mã và con vật trong bộ các con vật tâm linh của Việt Nam. Về làng Tiên Cầm những ngày này, bà con trong làng đang tất bật, hối hả cảnh vót tre, làm khung, dán giấy, hoàn thiện các sản phẩm đồ thờ cúng để cung ứng ra thị trường dịp rằm tháng 7.

Nghề đan ông mã đã giúp bà con địa phương có thu nhập ổn định

Làng nghề Tiên Cầm trước kia chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre, nứa như rổ, rá, giần sàng… phục vụ đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường, làng Tiên Cầm được biết đến như một đại công xưởng sản xuất “phương tiện đi lại” cho người cõi âm.

Vào thời điểm này, dù mới đầu tháng 7 âm lịch nhưng trên con đường dẫn vào làng Tiên Cầm, những chiếc xe chở theo cốt ngựa mã ra thành phố và các tỉnh lân cận để giao hàng ra vào tấp nập. Vừa đi giao hàng từ thành phố trở về, chị Đặng Thị Hiền (thôn Tiên Cầm 1, xã An Thái), chủ một cơ sở sản xuất ngựa mã tại địa phương cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, số lượng hàng bán ra lên đến hàng vạn ông ngựa mã. Nhiều khi sản phẩm làm ra còn không đủ để cung ứng cho thị trường mặc dù gia đình đã tích trữ hàng từ trước đó nhiều tháng”.

Đôi tay thoăn thoắt đan nứa

Nghề đan ngựa mã đã giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định và cuộc sống tốt hơn. Công việc không quá khó, chỉ cần sự cần cù, khéo léo, siêng năng của người làm nghề. Nghề đan mã tại đây cũng không kén người, từ người lớn đến trẻ nhỏ, người mất sức lao động đều có thể đan mã. Người đan ít cũng đan được 10 con/ngày, người nhiều được 20 con/ngày. Thu nhập bình quân một ngày công đạt 60.000 -150.000 đồng/người.

Vừa thoăn thoắt đan thân ngựa, bà Ngô Thị Toan (79 tuổi) - người gắn bó lâu năm với làng nghề này chân tình bộc bạch: “Nghề làm mây tre đan của làng có từ trăm năm nay, nó đã gắn liền với cuộc sống của chúng tôi. Mỗi ngày, tôi đan được khoảng 20 ông ngựa, thu nhập khoảng 150.000 đồng/ ngày. Đợt này đang vào mùa cao điểm nên cả nhà tôi đều tranh thủ đan mã”.

Mỗi ngày, người dân tại đây có thể đan được từ 10 - 20 ông mã

Những công đoạn cuối cùng để hoàn thành ông mã

Những ông mã được xếp ngay ngắn trước khi chuyển đi tiêu thụ

Cốt ngựa mã chuẩn bị được chuyển đến nơi tiêu thụ. Tại đó, người bán buôn sẽ gián giấy để có một ông mã hoàn chỉnh

Từ một làng trong xã với đời sống thấp, thu nhập của người dân chỉ từ 15 – 17 triệu/người/năm; giờ đây nhờ đan đồ thờ cúng tâm linh, đời sống của nhân dân trong làng đã được cải thiện. Hiện nay, toàn xã có 580 hộ chuyên sản xuất các con vật trong thế giới tâm linh với số lao động trực tiếp hơn 1000 người, thu nhập người tăng lên từ 30 – 35 triệu đồng/người/năm. 

Theo ông Vũ Viết Thịnh – Chủ tịch UBND xã An Thái cho biết: “Nghề đan ngựa mã ở Tiên Cầm diễn ra quanh năm, nhưng vào những dịp lễ Tết, rằm tháng 7, tết ông công ông táo là đông vui, nhộn nhịp hơn cả.

Ngựa mã làm rất dễ, đến cả các cháu nhỏ khoảng 5 – 6 tuổi cũng có thể giúp gia đình tăng thêm thu nhập nhờ nghề này. Ngoài đan ngựa mã, người dân địa phương còn đan các con vật trong bộ con vật tâm linh như rắn, voi…

Hiện tại, không chỉ làng Tiên Cầm mà hầu hết các gia đình trong xã An Thái đều làm nghề đan mã. Cũng nhờ có nghề này mà người dân địa phương có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn. Kinh tế xã An Thái cũng vì thế mà có sự chuyển dịch lớn”.

Ngân Phạm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông