16:37 23/06/2024
Là một trong những hộ đầu tiên của xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, tiến hành nuôi dê thương phẩm, lão nông Vũ Văn Nhĩ đã thành công với mô hình nuôi dê Boer kết hợp với trồng cỏ voi.
Quanh năm suốt tháng gắn bó với đồng ruộng, ông Nhĩ luôn ấp ủ niềm đam mê phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ chính nghề nông. Bởi thế mà từ ngày còn trẻ, ông đã tìm tòi, học hỏi các kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Thế rồi sau hơn 20 năm từ chỗ chỉ biết nuôi thuần một giống dê cỏ truyền thống, ông Nhĩ dần nhận ra đây là giống dê có trọng lượng nhỏ, chậm lớn, nuôi mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả kinh tế lại không cao như các giống nhập ngoại. Từ nhiều nguồn kênh tìm hiểu khác nhau, thấy giống dê Boer có nhiều ưu điểm như: to, dễ nuôi, dễ chăm sóc, nhanh phát triển, ít bệnh tật, rất phù hợp nuôi ở vùng nông thôn Việt Nam nên ông Nhĩ đã quyết định chuyển hướng.
Và bắt đầu từ năm 2017, không quản đường xá xa xôi, ông Nhĩ lặn lội lên tận Vĩnh Phúc thăm quan mô hình, chăn nuôi rồi mua luôn giống dê trên tại một trang trại ở đây mang về. Đáng nói, không chỉ mua giống dê mới, để chủ động kiểm soát nguồn thức ăn cho đàn dê này được an toàn, sạch sẽ, ông còn mua cả giống cỏ voi của trang trại về trồng trên những diện tích đất bỏ hoang ở địa phương. Các bờ mương, ven đường ngoài cánh đồng cũng được gia đình ông tận dụng hết để đàn dê đủ cỏ ăn quanh năm.
Ông Vũ Văn Nhĩ chia sẻ: Dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên để chúng khoẻ mạnh, phát triển tốt, chuồng nuôi phải được thiết kế phù hợp với đặc tính sinh hoạt, thể chất, bảo đảm môi trường sống cho đàn dê luôn sạch sẽ, khô thoáng. Dê nuôi sinh sản và dê nuôi thương phẩm cũng phải nhốt riêng từng khu riêng biệt. Hằng ngày, ngoài việc chăn thả tự nhiên, nên bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho dê bằng bã đậu trộn lẫn với cỏ. Đáng chú ý, để chủ động nguồn thức ăn cho đàn dê nuôi khi mùa đông đến (nhiệt độ xuống thấp, nguồn cỏ tự nhiên trở nên khan hiếm), hàng năm gia đình ông Nhĩ còn dùng từ 6 - 7 tấn cỏ voi trông được để ủ men vi sinh làm thức ăn dự trữ cho dê.
Được cung cấp thức ăn đầy đủ, lại được vận động ngoài trời nên đàn dê của gia đình ông Nhĩ con nào, con nấy đều khỏe mạnh, không bệnh tật, cho chất lượng thịt tốt, săn chắc, thơm, ngọt đậm đà, được thị trường ưa chuộng.
Nhờ đó, mỗi năm ngoài việc xuất bán dê thương phẩm với giá trung bình từ 130-150 nghìn đồng/kg, ông Nhĩ còn thu một nguồn lớn từ việc bán dê giống. Đàn dê 120 con của gia đình ông lớn tới đâu là được bán hết tới đó, cho thu nhập từ 150-200 triệu/năm. Mô hình trên của ông Vũ Văn Nhĩ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu vật nuôi mà còn tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.
Bình Huệ
20:15 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh