LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỂ CÁN BỘ “TỰ SOI, TỰ SỬA” (Bài 3): SỨC NẶNG CỦA LÁ PHIẾU TÍN NHIỆM

16:34 08/08/2023

Quy định số 96 và Nghị quyết của Quốc hội quy định rất rõ và chặt chẽ về quan điểm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, đối tượng, thành phần ghi phiếu và thời điểm lấy phiếu; tiêu chí lấy phiếu; trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, thành công của việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ phụ thuộc vào người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn là trách nhiệm, sự công tâm, khách quan của người ghi phiếu tín nhiệm. Bởi vậy, mỗi lá phiếu tín nhiệm mang trên mình trọng trách rất quan trọng và to lớn.

                                                                                       Đánh giá đúng, nhận xét thật

          Quy định số 96 và Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, việc đánh giá mức độ tín nhiệm dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật của cán bộ; thông qua việc chấp hành sự phân công của tổ chức, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả thực hiện quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quốc hội khoá 15 sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào cuối năm 2023.

           Ngoài ra, mức độ tín nhiệm còn được đánh giá dựa trên kết quả công tác của cơ quan trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc.

          Rõ ràng, với nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thể hiện rõ tính nghiêm minh, quyết liệt, Quy định số 96 và Nghị quyết của Quốc hội  là một bước tiến quan trọng, khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng trong lãnh đạo đổi mới công tác cán bộ ngay từ khâu đánh giá cán bộ. Thực hiện tốt quy định thì mỗi lá phiếu tín nhiệm sẽ thực sự phát huy giá trị trong công tác đánh giá cán bộ, phản ánh đúng chất lượng đội ngũ cán bộ và cá nhân từng cán bộ. Có lấy phiếu tín nhiệm đúng thì mới đánh giá đúng cán bộ, mới biết được uy tín, năng lực, phẩm chất của cán bộ nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa tinh thần “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ.

           Do đó, lá phiếu tín nhiệm thực sự có “sức nặng” và có vai trò rất quan trọng. Dẫn câu nói: “Quan thì xa, bản nha thì gần”, đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải, công tác cán bộ không chỉ là công việc của cấp trên mà còn là công việc của cấp dưới, những người gần với “bản nha” nhất, khi mà “quan” thì ở quá xa, khó lòng nghe được ý kiến của họ.  Nói cách khác, những ý kiến của cán bộ công chức, viên chức đối với lãnh đạo của mình, dù không phải là tất cả, nhưng cũng là kênh thông tin quan trọng để  đánh giá, xem xét, sắp xếp, bố trí cán bộ.

          Vì vậy, cần phải có cơ chế rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ ngay từ các cấp cơ sở. Cụ thể là  phát huy được sức mạnh dân chủ, tạo cho cán bộ công chức, viên chức có tiếng nói phản hồi với những người được bầu, được bổ nhiệm. Chính cán bộ công chức, viên chức tại cơ sở là những người hiểu rõ nhất lãnh đạo của mình.  Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, cũng chính nhờ áp lực từ cấp dưới, chứ không chỉ từ cấp trên, sẽ tránh được tình trạng cán bộ “nịnh trên, nạt dưới”, chỉ biết cách đối phó với cấp trên bằng những báo cáo thành tích, lời lẽ hoa mỹ, không thực chất, giúp cán bộ gắng sức nhiều hơn trong công việc, quan tâm nhiều hơn đến cấp dưới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Quốc hội khóa 14 lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn

          Nhiều ý kiến khác cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm có độ tin cậy cao hay thấp phụ thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của người ghi phiếu. Cần có sự công tâm, khách quan, hết sức tránh tình trạng bỏ phiếu một cách hình thức, cảm tính theo kiểu “thích người này thì bỏ phiếu cao mà không thích thì để thấp”. Sức nặng của lá phiếu còn thể hiện ở chỗ, nó không chỉ là thước đo năng lực, phẩm chất, uy tín cán bộ mà còn góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong bộ máy. Nên người bỏ phiếu không nên bị chi phối bởi cảm tình, nể nang hay vì bất cứ một lý do nào khác.

Như thế mới thực sự tạo ra một thước đo uy tín, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; đấu tranh với cán bộ “ngồi nhầm chỗ” hoặc có biểu hiện thiếu trung thực, “dối trên nạt dưới”, hạn chế, yếu kém về năng lực trình độ; có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có tâm lý hưởng thụ, quan cách khi đạt được vị trí. Đồng thời cũng cần tránh việc cán bộ “ngủ đông”, đi theo lối mòn, giữ an toàn trong suốt thời gian tại vị  nhưng số phiếu tín nhiệm có khi lại cao; còn những người dám nghĩ, dám làm, xông xáo, trách nhiệm nhưng lại có số phiếu thấp hơn.

                                                     Làm tốt không sợ phiếu tín nhiệm thấp

          Trên thực tế, qua 2,5 năm của nhiệm kỳ cũng đã đủ thời gian để nhận xét, đánh giá cán bộ. Những người lãnh đạo thực sự công tâm, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân; sự phát triển của cơ quan, đơn vị lên trên hết, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân, chắc chắn sẽ không ngại lấy phiếu tín nhiệm và không sợ có số phiếu tín nhiệm thấp. Và ngay cả những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng là dịp để “tự soi, tự sửa”, tự nhìn lại mình, nhận rõ hạn chế, yếu kém để phấn đấu khắc phục, sửa chữa. 

Ngày 5-12-2018, tại kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố Hải Phòng khóa 15 đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với 28 chức danh do HĐND thành phố bầu.

           Các cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương và địa phương những năm qua cho thấy, kết quả phản ánh khá chính xác về năng lực, trình độ, phẩm chất và đạo đức cán bộ. Người ghi phiếu tín nhiệm thực sự có cách nhìn khách quan, công tâm và những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp đều có những hạn chế nhất định.  Sau mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao càng được thể hiện rõ ràng hơn,  chẳng những hình ảnh, uy tín bản thân của các chức danh lãnh đạo được củng cố mà công việc chung của đơn vị, ngành, và cả đất nước cũng được lợi rất nhiều. 

          Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ trở thành công việc thường xuyên, bình thường, định kỳ trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng; hoạt động của Quốc hội; HĐND cũng như của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Sau các hoạt động bầu, bổ nhiệm thì lấy phiếu tín nhiệm là thêm một kênh thông tin nữa để đánh giá cán bộ, là một trong những cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm cán bộ, đáp ứng được kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Thế nên, mỗi cán bộ được bầu, bổ nhiệm càng phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách; xóa bỏ tư tưởng “đã lên là không có xuống” thì sẽ luôn giành được sự tín nhiệm cao trong tất cả các cuộc lấy phiếu tín nhiệm. Quan trọng hơn, thành phố, đất nước sẽ có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần đắc lực xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, giàu mạnh./.

                                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông