Lễ dâng hương kỷ niệm 1080 ngày hóa Đức Vương Ngô Quyền tại đình Hàng Kênh (quận Lê Chân)

18:47 24/02/2024

Sáng 24/2, tại đình Hàng Kênh (quận Lê Chân), Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với UBND phường Hàng Kênh (quận Lê Chân) tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 1080 ngày hóa Đức Vương Ngô Quyền. Tham dự Lễ dâng hương có các đồng chí: Phạm Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố; Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan cùng đông đảo Nhân dân và du khách.
Các đại biểu tham dự chương trình

Tại Lễ dâng hương, đồng chí Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đức Vương Ngô Quyền.

Đức Vương Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897) tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, trong một dòng hào trưởng có thế lực tại châu Đường Lâm. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người có trí dũng song toàn. Lớn lên, ông nối chí cha, trở thành một hào trưởng hùng mạnh trong vùng. Ông được Dương Đình Nghệ tin yêu, mời về làm nha tướng và gả con gái cho, đồng thời giao cho trấn giữ Châu Ái, vùng đất phên dậu của họ Dương.

Lễ dâng hương kỷ niệm 1080 ngày hóa Đức Vương Ngô Quyền là hoạt động có giá trị và ý nghĩa sâu sắc, nhằm tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công đức to lớn của Đức vương Ngô Quyền

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng Kiều Công Tiễn giết hại nhằm đoạt ngôi Tiết độ sứ. Nghe tin, Ngô Quyền tập hợp lực lượng để tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Hoảng sợ, Kiều Công Tiễn vội vã sai người cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Lưu Cung sai con là Thái tử Hoằng Tháo thống lĩnh một đoàn binh thuyền vượt biển sang xâm lược nước ta.

Hoạt động góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ nghi truyền thống du xuân đầu năm của nhân dân và du khách.

Đoán trước được ý đồ “nội công, ngoại kích” của địch, Ngô Quyền huy động hàng ngàn binh sĩ và Nhân dân địa phương xây dựng trận địa cọc để đón đánh quân xâm lược trên khu vực sông Bạch Đằng từ Lương Xâm (gần vùng cửa biển) cho đến khu vực ngang với nội thành Hải Phòng ngày nay. Một ngày cuối đông năm 938, đoàn bình thuyền của Hoằng Tháo đến vùng cửa biển Bạch Đằng và đã lọt vào vào trận địa mà Ngô Quyền bày sẵn. Trong thời gian ngắn, toàn bộ chiến thuyền của nhà Nam Hán bị nhấn chìm, hầu hết quân dịch bị tiêu diệt.

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đức Vương Ngô Quyền

Ngày 16 tháng Giêng năm 944, Ngô Quyền qua đời sau 6 năm trị vì đất nước. Để tướng nhớ công lao to lớn của ông, các triều đại đã ban cấp sắc chỉ cho nhiều làng xã ở Hải Phòng phụng thờ, trong đó có đình Hàng Kênh, thuộc quận Lê Chân ngày nay.

Các đại biểu dâng hương 

Theo các nguồn tài liệu, đặc biệt là nội dung bia “Sáng lập từ vũ bị ký” cho biết, muộn nhất đình Hàng Kênh (tên thường gọi đình Kênh) được khởi dựng cuối thế kỷ 17. Nét đặc sắc, độc đáo của đình Kênh được thể hiện ở nghệ thuật điêu khắc với hàng trăm mảng chạm tinh xảo, đề tài chủ đạo Long - Phượng, đưa đình Kênh trở thành một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc sống động, một kiến trúc tiêu biểu trong các ngôi đình Việt Nam.

Trải qua hơn 300 năm thăng trầm của lịch sử, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, trong những năm qua đình Kênh luôn được thành phố quan tâm đâu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo. Năm 2023, với sự đầu tư kinh phí của thành phố và sự chung tay của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và nhân dân địa phương, đình Kênh ngày càng uy nghi, đẹp đẽ.

Lãnh đạo quận Lê Chân và Nhân dân địa phương dâng hương

Lễ dâng hương kỷ niệm 1080 ngày hóa Đức Vương Ngô Quyền là hoạt động có giá trị và ý nghĩa sâu sắc, nhằm tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công đức to lớn của Đức vương Ngô Quyền - Ông tổ trung hưng, người có công lãnh đạo nhân dân ta đánh tan đội quân Nam Hán xâm lược năm 938, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách.

Chương trình lễ dâng hương tại di tích đình Hàng Kênh diễn ra trong 2 ngày, ngày 23/02 - 24/02/2024 (tức từ ngày 14 - 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Bao gồm 2 phần, trong đó phần lễ bao gồm các nghi lễ: Lễ Cáo yết; Lễ rước, Tế chính; Lễ dâng hương và Lễ tạ.

Phần hội diễn ra trước đó vào ngày 23-2 tại đình Hàng Kênh với các hoạt động như: Gian hàng Chợ quê; Hát cửa đình (Hát Ca trù); Hát xẩm; Trưng bày hoa lan, sinh vật cảnh và triển lãm ảnh nghệ thuật về hoa lan; Hội thi chim chào mào hót; hát xẩm; Hát cửa đình (hát ca trù)...

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông