18:16 21/09/2023 Bài 2: Liên kết để tạo ra sức mạnh Với các điểm mạnh, điểm yếu đã được nhận diện rõ, lãnh đạo 4 địa phương trục cao tốc phía Đông gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đều thống nhất quan điểm cần liên kết, hợp tác để tạo ra sức mạnh, cùng phát triển, coi đây là xu thế tất yếu. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để tăng cường kết nối, hợp tác, để các KCN của các địa phương đều mạnh, đều hấp dẫn và thu hút nhiều luồng vốn đầu tư, nhiều dự án chất lượng cao.
Liên kết là tất yếu
Theo Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, dự kiến giai đoạn 2021-2030, tổng số KCN trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố là 139 khu, tăng thêm 60 khu. Tổng diện tích các KCN là 59.441ha, tăng thêm 23.930ha, tức là tăng gần gấp đôi. Bởi vậy, tăng cường liên kết, hợp tác là tất yếu để các KCN cùng phát triển, tránh được những tổn hại do cạnh tranh.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, liên kết phát triển KCN giữa 4 địa phương sẽ khắc phục được những khó khăn cục bộ, tháo gỡ các nút thắt và liên kết được các thế mạnh của từng địa phương. Quan trọng nhất là khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng. Cùng với đó, tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các khu công nghiệp; giải quyết hài hòa hơn các bất cập về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội giữa các địa phương.
Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Bùi Ngọc Hải nêu rõ, nằm trong trục cao tốc phía Đông, các địa phương đều có những lợi thế riêng để phát huy, khai thác. Theo đó, Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics; Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại gắn với thị trường Trung Quốc; Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo; Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Do đó, tăng cường liên kết vùng sẽ khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước, nhất là trên các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hải Dương, liên kết phát triển hạ tầng KCN trục cao tốc phía Đông nếu hoạt động hiệu quả sẽ đem lại kết quả rất lớn cho sự phát triển chung của 4 tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; giúp tận dụng hiệu quả lợi thế của mỗi tỉnh; hình thành sự liên kết trong hoạt động công nghiệp, cộng sinh công nghiệp, góp phần tăng cường hiệu suất công nghiệp cho các tỉnh nói chung và cho khối các KCN nói riêng; đảm bảo định hướng phát triển KTXH, an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng.
Lãnh đạo các địa phương cũng đồng tình cho rằng, so với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, mỗi địa phương trong trục cao tốc phía Đông vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của mình. Tuy nhiên, khi cả 4 tỉnh, thành phố đứng cùng nhau, sẽ tạo ra một khu vực kinh tế với tổng diện tích lớn gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, gấp 5 lần thành phố Hồ Chí Minh, 4 lần so với Bình Dương và 8 lần so với Đà Nẵng; tổng quy mô dân số xấp xỉ 80% Hà Nội, 70% thành phố Hồ Chí Minh, 3 lần so với Bình Dương và 6 lần so với Đà Nẵng.
Với sự tương đồng về văn hóa, con người, khả năng chia sẻ về hạ tầng trong khu vực, đặc biệt là hệ thống kết nối về giao thông, cùng với sự quyết tâm, khát vọng và tinh thần hợp tác của đội ngũ lãnh đạo của các địa phương, Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nói chung và ý tưởng liên kết phát triển các KCN nói riêng tạo ra nền tảng rất mới, hứa hẹn rất nhiều cơ hội để các tỉnh, thành phố cùng nhau chia sẻ những tiềm năng, lợi thế của địa phương mình, để cùng nhau xây dựng và phát triển hướng tới trở thành một động lực không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng cũng như của cả nước.
Thống nhất ý chí và hành động
Từ quan điểm đó, lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo các BQL Khu Kinh tế; Khu công nghiệp; các chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả kết nối phát triển các KCN. Tinh thần chung là hợp tác, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ tương lai; tuyệt đối tránh việc cạnh tranh trực tiếp với nhau trong quá trình phát triển; cùng tuân thủ đúng quy hoạch, phát triển những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh và phải có tính liên kết và hỗ trợ nhau.
Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, để tăng cường hiệu quả liên kết phát triển KCN, Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông cần thực hiện tốt vai trò là cơ quan lãnh đạo, điều phối hoạt động liên kết kinh tế giữa các địa phương trong tiểu vùng theo Thỏa thuận đã ký kết. Cùng với đó, các địa phương phải luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng địa phương còn lại để tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược để đẩy mạnh việc liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế, qua đó tạo khu vực hội tụ đầy đủ các ưu thế để thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hải Dương đề nghị VCCI và các địa phương tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông trong Đề án thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cùng với đó, tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung dự án Luật KCN, KKT tạo khung pháp lý cao nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự đồng bộ trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các KCN, KKT, KCX theo hướng phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban Quản lý thực hiện toàn diện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT, KCX, trong đó có chức năng thanh tra, nhằm thống nhất, đồng bộ trong cơ chế quản lý nhà nước đối với các KCN; giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo trong cơ chế quản lý đối với các lĩnh vực về xây dưng, môi trường, lao động… trong KCN. Ngoài ra, cần xây dựng đề án phát triển các KCN, KKT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cụ thể số lượng, diện tích và tiến độ thực hiện các KCN, KKT đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển, nguồn lực của mỗi địa phương; đồng thời, tận dụng được sự ảnh hưởng của nguồn lực, thế mạnh của địa phương lân cận.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh, các địa phương phối hợp tổ chức xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế để đảm bảo sự liên kết, sự kết nối phát triển chung cho cả 4 tỉnh, thành phố. Đồng thời, cùng phối hợp để rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế. Từ đó xây dựng định hướng phát triển các ngành nghề phù hợp với tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương và đảm bảo sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tạo thành mối liên kết, cộng sinh công nghiệp tạo sự liên hoàn thành một khối thống nhất trong việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế chung của cả 4 địa phương.
Ông Hoàng Trung Kiên cũng đề nghị, trên cơ sở định hướng quy hoạch và ngành nghề thu hút đầu tư của các KCN, KKT, các địa phương phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT chung cho cả 4 địa phương và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chung trên cơ sở đó tạo sự thống nhất và đảm bảo hiệu suất, tính liên kết của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, các địa phương tổ chức điều tra, thống kê về nguồn nhân lực của mỗi địa phương để tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực chung. Đồng thời, rà soát nhu cầu về lao động của các KCN, KKT.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phương án đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu và đặt hàng cụ thể đối với từng cơ sở đào tạo nghề của mỗi địa phương để tránh tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động (do đào tạo không phù hợp với nhu cầu). Đồng thời, thực hiện các hoạt động giới thiệu việc làm, điều phối nguồn nhân lực để vừa đảm bảo về việc làm cho lao động các địa phương, vừa đảm bảo quyền lợi, thu nhập và điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động; vừa nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề, nâng cao năng suất lao động và tránh những tranh chấp về lao động và những vấn đề xã hội phát sinh.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KCN Hưng Yên đề nghị VCCI nghiên cứu hỗ trợ thành lập Hiệp hội các KCN, các doanh nghiệp trong vùng để thúc đẩy sự hợp tác giữa các KCN, doanh nghiệp trong vùng, tạo thành cụm liên kết các KCN, các ngành sản xuất, nâng cao hiệu quả trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong trục cao tốc phía Đông.
Nhiều ý kiến cũng thống nhất đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh một số nội dung về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ cho các địa phương trong việc phát triển các KCN, nhất là bổ sung chỉ tiêu đất công nghiệp; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng như tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai và phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, cảng biển của vùng đi các địa phương khu vực phía Bắc.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội logictics Hải Phòng cho rằng 4 địa phương cần tập trung phát triển các dịch vụ logictics như: logictics cho thương mại điện tử; logictics xuyên biên giới; logictics cảng biển và logictics du lịch. Muốn phát triển các dịch vụ này, trước mắt cần tập trung đầu tư phát triển dịch vụ logictics về hạ tầng hậu phương cảng biển; hệ thống kho lạnh phục vụ hàng nông sản; hạ tầng kho bãi và trung tâm logictics tại các cửa khẩu biên giới.
Một lĩnh vực nữa nhận được sự đồng thuận rất cao của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp là tập trung phát triển các KCN sinh thái, đổi mới sáng tạo. Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, việc phát triển KCN sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tại Việt Nam, các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường đã và đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển và 4 địa phương cần quan tâm hơn tới lĩnh vực này. Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo không chỉ là mô hình phát triển phù hợp cần hướng tới mà còn là mô hình tất yếu và then chốt đối với các KCN để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, từng địa phương; tạo lực kéo cho thu hút đầu tư FDI.
Như vậy, cả 4 địa phương đã có sự thống nhất rất cao và cùng quyết tâm liên kết, hợp tác để phát triển các KCN và thu hút đầu tư. Từ đó, sẽ cùng tạo nên sức mạnh và những lợi thế mới để thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi địa phương cũng như của cả vùng, đặc biệt là đầu tư, xây dựng và thu hút đầu tư, lấp đầy các KCN hiện có và các KCN đã được quy hoạch./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh