21:05 02/05/2024 Luật Căn cước được xây dựng, bàn hành nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ công dân số, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Vậy Luật Căn cước ra đời sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng mắc gì của Luật Căn cước công dân năm 2014?
Luật Căn cước quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code), đẩy mạnh việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ căn cước vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính một cách đồng bộ, thống nhất.
Theo quy định tại Luật Căn cước công dân năm 2014 thì thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện Đề án 06/CP, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư.
Do vậy, việc giới hạn các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 nêu trên sẽ gây khó khăn trong thực hiện Đề án 06/CP, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Luật Căn cước ra đời góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 06/CP, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, Luật Căn cước ra đời sẽ khắc phục một số vướng mắc còn tồn tại khác của Luật Căn cước công dân năm 2014 như: Luật Căn cước công dân không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, chiến tranh nên thực tế hiện nay còn rất nhiều trường hợp nêu trên cần phải có chính sách, quy định pháp luật để giải quyết, quản lý chặt chẽ những người này; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.
Luật Căn cước công dân chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam; chưa có quy định về cấp lại thẻ căn cước công dân theo hồ sơ đề nghị cấp thẻ gần nhất trên hệ thống cấp Căn cước công dân nên có trường hợp công dẫn vừa được cấp thẻ căn cước công dân nhưng bị thất lạc, hư hỏng... đều phải trực tiếp đến cơ quan Công an để thực hiện cấp lại thẻ căn cước công dân khác.
Luật Căn cước công dân là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân (có thông tin về chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ căn cước công dân (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng...) gây khó khăn, phiền hà cho công dân.
Luật Căn cước đã bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân.
Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát. Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử.
Quy định pháp luật về các vấn đề trên chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật như: Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, Nghi định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử...
Trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân. Luật Căn cước ra đời đã giải quyết được vấn đề này.
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết