10:35 21/06/2024 Là lãnh tụ thiên tài và vĩ đại của dân tộc, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn là một nhà báo lỗi lạc, một người thầy lớn của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động, Người đã để lại những bài học vô giá, những lời dạy quý báu về sứ mệnh lịch sử cũng như phẩm chất, đạo đức cần phải có, giúp các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau coi đó là kim chỉ nam trong hoạt động…
1. Sớm tìm được đến chủ nghĩa Mác-Lênin và với nhãn quan chiến lược thiên tài, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác của chúng ta đặc biệt coi trọng hoạt động báo chí. Người luôn xem truyền thông là mặt trận đấu tranh không tiếng súng, thậm chí là một trong những yếu tố quyết định dẫn đến thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ những năm đầu đi tìm đường cứu nước, cứu dân cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Bác đã viết trên 2.000 bài báo, ký bằng 174 bút danh khác nhau và được sử dụng trên 50 tờ báo của các hãng thông tấn nổi tiếng thế giới, đồng thời sáng lập ra nhiều tờ báo có sức ảnh hưởng lớn phục vụ các yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Vào cuối năm 1917, với bài viết đầu tiên mang tính luận chiến sắc sảo với tiêu đề “Tâm địa thực dân”, Bác đã dấn thân vào làng báo và dần trở thành cây bút uy tín, tên tuổi của các tờ: Thư tín quốc tế, L’ Humanité, Le Populaire, La Vie Ouvrière, Le Journal purple… của nước Pháp.
Tới tháng 7/1921, Người sáng lập tờ Le Paria (Người cùng khổ) và tiếp đó là tờ “Việt Nam hồn”. Những năm 1923-1924, sang công tác và học tập tại Liên Xô, Trung Quốc, Bác Hồ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với hãng thông tấn Liên Xô và tờ báo tiếng Anh - Canto Gazette. Có thể thấy, trong bối cảnh dân tộc ta đầu thế kỷ 20 đang rất cần sự truyền bá một cách có hệ thống học thuyết cách mạng chân chính vào trong nước qua con đường báo chí, Bác đã trở thành người Cộng sản đầu tiên gánh vác sứ mạng lịch sử này và chính Người đã chuẩn bị chu đáo cho sự ra đời của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Vô cùng tâm đắc với tư tưởng của Lênin là: “Trong thời đại ngày nay, nếu không có tờ báo chính trị thì sẽ không có phong trào chính trị”, vào ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Bác Hồ đã thành lập Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại khởi đầu cho nền báo chí cách mạng do Đảng trực tiếp lãnh đạo. Cũng từ đây, báo chí cùng đội ngũ những người làm báo dưới cờ Đảng thực sự được trao một sứ mệnh lịch sử thiêng liêng như lời dạy của Bác: “Báo chí là vũ khí sắc bén phục vụ đắc lực công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại” và “Sứ mệnh của báo chí là phụng sự cách mạng, phụng sự Nhân dân. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”.
Coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Báo chí phải phục vụ Nhân dân, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Một điều căn cốt nữa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là để hoàn thành được sứ mệnh đó, Người dạy rằng: “Báo chí của chúng ta chỉ đúng về chính trị khi được sự lãnh đạo của một Đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, một Đảng mang bản chất giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với Nhân dân”. Cũng ngay từ rất sớm, Bác đã khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kĩ thuật và chính trị”. Theo đó, Người đặt ra yêu cầu: “Báo chí ta là để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ nên phải có tính quần chúng và tính chiến đấu”.
Về sứ mệnh của những người làm báo cách mạng, Bác đã khẳng định rất rõ: “Cán bộ báo chí là chiến sĩ Cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Và nữa, còn nhiều, rất nhiều huấn thị, những lời dạy vô cùng quý báu của Người liên quan đến sứ mệnh lịch sử của báo chí cách mạng cũng như trọng trách vô cùng lớn lao của những người làm báo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nói “vô cùng quý báu” bởi lẽ lời Bác dạy không chỉ là nền tảng định hướng vững chắc cho cả một “thế trận truyền thông” hùng hậu của đất nước tới thời điểm này với trên 41.000 người làm báo tại 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện; gần 800 báo, tạp chí; 72 cơ quan phát thanh - truyền hình mà còn là kim chỉ nam cực kỳ quan trọng giúp cả hệ thống báo chí của chúng ta luôn hoạt động đúng quỹ đạo, không chệch hướng.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà các thế lực thù địch và phản động điên cuồng chống phá đất nước ta, tấn công vào mặt trận báo chí; khi báo chí của chúng ta đang phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách; khi mà vẫn còn đâu đó những bộ phận người làm báo có dấu hiệu xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lời Bác dạy càng khiến chúng ta nâng cao cảnh giác, vững tin và như được truyền thêm “lửa” để dòng chảy của báo chí Cách mạng liên tục tuôn trào với vai trò chủ đạo, với sứ mệnh lịch sử được giao phó.
2. Như vậy, trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, không thể có và tồn tại một loại hình báo chí Cách mạng phi tính Đảng, phi giai cấp, trơn tuột đứng ngoài và “lơ lửng giữa dòng thời đại”. Càng không thể chấp nhận những hiện tượng báo chí chỉ dành riêng cho một nhóm người, nhóm lợi ích, thậm chí đi ngược lại Tổ quốc và Nhân dân trong mưu đồ phá hoại nhiều mặt của kẻ thù. Bác khẳng định: “Cán bộ làm báo chí là những chiến sĩ Cách mạng”. Ở họ phải hội đủ hai yêu cầu cực kỳ quan trọng và tiên quyết. Đó là phẩm chất chính trị và phẩm chất đặc biệt về nghề nghiệp.
Người chỉ rõ, mỗi người làm báo ngoài tuyệt đối trung thành với sự nghiệp Cách mạng, với Nhân dân còn phải có nhãn quan chính trị sắc bén, đồng thời nhấn mạnh: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén phò chính, trừ tà”. Và để đạt được như vậy, Bác chỉ rõ: “Làm báo phải có lập trường chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, báo chí ta phải có đường lối chính trị đúng”.
Điều hết sức quan trọng nữa là đi liền với phẩm chất chính trị người làm báo Cách mạng còn cần một phẩm chất nghề nghiệp cao, một kỹ năng đặc biệt trong chuyển tải; xử lý thông tin một cách nhanh nhất, chính xác và hiệu quả nhất. Người căn dặn: “Cán bộ làm báo chí phải luôn tu dưỡng đạo đức Cách mạng, gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng; đi sâu vào thực tế, vào quần chúng lao động”. Rồi nữa, “Làm báo phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ của mình”…
Hiện nay, với sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển như vũ bão của hoạt động truyền thông trên tất cả các lĩnh vực báo in, phát thanh - truyền hình, báo mạng internet... những lời huấn thị đi trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng mang giá trị thực tiễn sâu sắc giúp đội ngũ các nhà báo, các cơ quan báo chí chúng ta không ngừng nỗ lực phấn đấu, học tập để đạt chất lượng hiệu quả chuyên môn, không ngừng vươn lên tầm cao mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp Cách mạng.
Và nữa, điều mỗi chúng ta ghi sâu không thể quên hôm nay còn là những lời dạy vô cùng thấm thía, sâu sắc của Bác Hồ liên quan trực tiếp tới đạo đức cách mạng của người làm báo. “Bút sắc” trong quan niệm của Người còn phải đi liền với “Tâm trong”. Đó là hai yêu cầu không thể tách rời, là cái gốc căn bản của một nhà báo trong suốt cuộc đời hoạt động của mình. “Tâm trong” như lời Bác không ngoài hai điều cơ bản nhất, đó là: Lương tâm và trách nhiệm người cầm bút. Ở đó, ngoài tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân; dám dũng cảm, dấn thân vì yêu cầu nhiệm vụ, Người yêu cầu mỗi cán bộ báo chí trong tác nghiệp, thực thi công việc phải hết sức trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật trong từng bài báo, mỗi câu viết.
Bác dặn: “Làm báo phải hết sức cẩn trọng về hình thức, về nội dung, về cách thể hiện”. Và: “Không biết rõ, không hiểu rõ thì chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần thiết phải nói cũng chớ nói, chớ viết càn”. Yêu cầu người làm báo suốt đời phải rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập cũng như nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình cũng như chống chủ nghĩa cá nhân, trục lợi cá nhân từ hoạt động báo chí, Bác căn dặn: “Không nên chỉ viết cái tốt mà che giấu cái xấu. Không thể viết báo vì mục đích vụ lợi cá nhân và lòng ích kỷ của bản thân. Nhưng phê bình thì phải đúng đắn”.
Người cũng luôn nhắc nhở: “Viết và nói phải có mục đích, có nội dung”. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: “Muốn viết báo khá thì cần: (1) Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy thì không thể viết thiết thực; (2) Ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài để mà học hỏi kinh nghiệm của người…”. Chắc chắn với mỗi người làm báo hôm nay, lời căn dặn của Bác Hồ: “Mỗi khi viết một bài báo, cần đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?” sẽ mãi còn nóng hổi giá trị thời sự.
Bác Hồ kính yêu đã từng khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”, đặc biệt, Người luôn nhấn mạnh vai trò “chiến sĩ cách mạng” của đội ngũ các nhà báo, coi đó là vốn quý của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cũng bởi thế, Bác đòi hỏi đội ngũ này phải luôn kiên định giữ vững lập trường, quan điểm báo chí cách mạng; không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt; luôn chí công vô tư, nhất là phải có cái tâm trong sáng.
Đạo đức báo chí trong Tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết thể hiện rõ ở những mặt đó. Tổng hợp lại những lời dạy ân cần, sâu sắc, nóng hổi tính thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
3. Trong dòng chảy của báo chí Cách mạng Việt Nam, vào ngày 1/11/1946, tức chỉ hơn 1 năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong bối cảnh thế nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”, báo Công an Mới của Việt Nam Công an vụ đã ra đời. Hai năm sau, tại Chiến khu Việt Bắc, Nha Công an Trung ương đã tiếp tục cho xuất bản tờ nội san Rèn luyện.
Đây có thể xem là những quyết định lịch sử khởi đầu cho sự hình thành và phát triển, lớn mạnh không ngừng của hệ thống báo chí CAND Việt Nam với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Điều hết sức vinh dự, tự hào là suốt trong cuộc trường chinh đó, báo chí CAND luôn được sự quan tâm, chỉ bảo của Bác Hồ kính yêu.
Một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng là ngày 11/3/1948, nhận được số báo Tết “Bạn dân” của Công an Khu 12 kính biếu, Người đã có một bức thư hồi âm nhắc nhở Ban Biên tập: “Trên báo cần thường xuyên làm cho anh, chị em Công an nhận rõ, Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”. Rồi Người nhấn mạnh: “Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách, đạo đức. Tư cách, đạo đức người Công an cách mệnh là: Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ/ Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành/ Đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc phải tận tụy/ Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.
Như vậy, thông qua bức thư gửi Công an Khu 12, lời dạy của Bác không chỉ dành cho những chiến sĩ Công an làm báo mà đã lan toả sâu rộng, trở thành hành động cách mạng của toàn lực lượng CAND chúng ta hôm nay.
Mai Chi
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết